Phớt lờ quy trình, doanh nghiệp thua kiện
Nhiều doanh nghiệp trả giá đắt vì không tuân thủ trình tự luật định khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động
Đột ngột nhận được quyết định chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) với lý do "căn cứ báo cáo tình hình nhân sự của công ty" kèm theo yêu cầu phải bàn giao công việc ngay, ông L.Q.T.V, nhân viên kinh doanh Công ty CP Du lịch V. (TP Đà Nẵng), đã khởi kiện doanh nghiệp (DN) ra tòa. Tại cả 2 phiên xử sơ thẩm và phúc thẩm, Công ty CP Du lịch V. đều bị xử thua và buộc phải bồi thường cho ông V. hơn 56 triệu đồng.
Tùy tiện
Theo trình bày của ông V., ông làm việc tại Công ty CP Du lịch V. từ năm 2017 và đã ký HĐLĐ xác định thời hạn 2 năm (từ ngày 15-1-2017). Sau khi HĐLĐ hết hạn, công ty không ký tiếp HĐLĐ mới nhưng ông V. vẫn tiếp tục làm việc. Ngày 27-9-2019, ông V. và vợ (cũng là nhân viên công ty) có tâm sự với ông L.T.T.T, phó tổng giám đốc công ty, về dự định nghỉ việc và góp vốn vào một DN du lịch khác.
Tâm sự này của vợ chồng ông V. sau đó được ông T. báo cáo trong cuộc họp của công ty một ngày sau đó. Sau cuộc họp này, vợ chồng ông V. cùng nhận được quyết định chấm dứt HĐLĐ qua tin nhắn từ trưởng phòng quản lý trực tiếp. Hai ngày sau, công ty yêu cầu vợ chồng ông V. đến bàn giao công việc và công bố quyết định chấm dứt HĐLĐ. "Khi tôi hỏi vì sao tôi chưa nộp đơn xin nghỉ mà công ty đã chấm dứt HĐLĐ thì phó tổng giám đốc trả lời ông ta chỉ là người thừa hành. Chúng tôi yêu cầu gặp trực tiếp tổng giám đốc cũng bị từ chối. Điều đáng nói là vợ chồng tôi chỉ nhận được bản photocopy quyết định chấm dứt HĐLĐ" - ông V. trình bày.
Tại phiên sơ thẩm, đại diện công ty cho rằng bản photocopy quyết định chấm dứt HĐLĐ của ông V. cung cấp không có giá trị pháp lý; đồng thời khẳng định công ty chưa ban hành quyết định chấm dứt HĐLĐ với ông V. Do đó, công ty không chấp nhận yêu cầu khởi kiện đòi thu hồi, hủy bỏ quyết định chấm dứt HĐLĐ và bồi thường của ông V. Tại phiên tòa phúc thẩm do TAND TP Đà Nẵng tổ chức vừa qua, hội đồng xét xử nhận định bản photocopy quyết định chấm dứt HĐLĐ ông V. cung cấp chưa bảo đảm về mặt hình thức theo quy định của Bộ Luật Tố tụng dân sự. Tuy nhiên, căn cứ vào các biên bản họp của công ty, văn bản xác nhận của cơ quan BHXH về báo giảm lao động do nghỉ việc, văn bản phản hồi của đại diện công ty cho người lao động (NLĐ)… đã chỉ rõ việc công ty ban hành quyết định chấm dứt HĐLĐ với ông V. là có thật, được xem là chứng cứ theo quy định tại điều 93 Bộ Luật Tố tụng dân sự. Bên cạnh đó, công ty lấy lý do "căn cứ báo cáo tình hình nhân sự của công ty" để cho ông V. nghỉ việc, không thuộc trường hợp DN được chấm dứt HĐLĐ theo quy định tại điều 36 và 38 Bộ Luật Lao động (BLLĐ) năm 2012. Công ty cũng không tuân thủ đúng thời gian báo trước khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ theo quy định, do vậy đây là hành vi đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái quy định và phải bồi thường cho ông V.
Không chứng minh được lỗi của người lao động
Cũng vì không tuân thủ quy trình kỷ luật lao động khi cho NLĐ nghỉ việc, mới đây, Công ty TNHH Vật liệu mới H.B (tỉnh Bình Dương) đã phải bồi thường cho ông B.T.S, thợ sơn, tổng số tiền 242 triệu đồng.
Tháng 3-2020, ông S. được công ty tuyển dụng vào làm thợ sơn nhưng không được ký HĐLĐ. Ngày 24-8-2020, phòng nhân sự gọi điện thông báo ông S. bị công ty cho nghỉ việc. Phản ứng lại, những ngày sau đó ông S. vẫn đến công ty làm việc; nhưng ông không được bố trí công việc. Bức xúc, ông S. gửi đơn yêu cầu Ban Quản lý các KCN tỉnh Bình Dương hòa giải nhưng không thành nên quyết định khởi kiện ra tòa.
Trình bày tại phiên tòa sơ thẩm do TAND huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương tổ chức mới đây, đại diện công ty giải thích trong quá trình làm việc, ông S. thực hiện không đúng kỹ thuật pha chế sơn nên bị khách hàng phản ánh. Sự việc này được ghi nhận bằng bản tường trình, biên bản vi phạm và giấy xác nhận của công ty khách hàng. Do ông S. không hoàn thành nhiệm vụ và cũng không chịu nhận lỗi nên công ty quyết định chấm dứt HĐLĐ với ông (căn cứ khoản 1 điều 38 BLLĐ năm 2012).
Tuy nhiên, lập luận của công ty đã bị tòa bác bỏ. Lý do là các chứng cứ công ty đưa ra để chứng minh ông S. không hoàn thành nhiệm vụ gồm bản tường trình, giấy xác nhận của khách hàng, biên bản vi phạm không có giá trị pháp lý vì ông S. không biết. Thêm vào đó, công ty lập biên bản vi phạm kỷ luật không đúng quy định, xử lý kỷ luật lao động không đúng quy trình, cho NLĐ nghỉ việc không tuân thủ thời gian báo trước.
Tuân thủ đúng luật
Luật sư Nguyễn Văn Phúc, Đoàn Luật sư TP HCM, nhìn nhận cả BLLĐ năm 2012 và BLLĐ năm 2019 đều có quy định về việc người sử dụng lao động (NSDLĐ) có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ khi NLĐ thường xuyên không hoàn thành công việc theo HĐLĐ. Việc NLĐ thường xuyên không hoàn thành công việc được xác định theo tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế của NSDLĐ. Như vậy, NSDLĐ phải xây dựng, ban hành quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc của NLĐ (có ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở). Tuy nhiên, nhiều DN đã bỏ qua, gây tranh chấp không đáng có. Do vậy, để tránh thiệt hại, DN cần thực hiện đúng quy trình.