Phớt lờ quyền lợi người dân, tổ chức cưỡng chế trái pháp luật
Sáng 30/12, UBND thị xã Từ Sơn tiến hành cưỡng chế đất của các hộ dân thuộc khu phố Trung Hòa, phường Tân Hồng để thực hiện Dự án 'Xây dựng khu nhà ở đấu giá quyền sử dụng đất tạo vốn, thị xã Từ Sơn tại phường Tân Hồng'. Mặc dù không gặp bất cứ sự phản kháng nào của người dân song dư luận trong địa phương rất bức xúc. Niềm tin của nhân dân vào UBND và các ban, ngành ở thị xã Từ Sơn thông qua việc làm này đang có nguy cơ xấu đi nghiêm trọng.
Trước đó, vào ngày 28/11/2019, trong bài “Dự án tạo vốn dễ đẩy nhiều hộ dân khu phố Trung Hòa tới khốn khó”, VietTimes đã thông tin tới bạn đọc những nội dung cơ bản chung quanh việc thực hiện dự án chưa đúng quy định của pháp luật.
Hiện nay, việc UBND thị xã Từ Sơn tổ chức cưỡng chế gia đình các hộ dân không nhận tiền đền bù đã gây ra rất nhiều bức xúc cho người dân địa phương, đặc biệt là những người thuộc diện phải cưỡng chế.
Lực lượng cưỡng chế phá dỡ hàng rào tôn quanh khu đất của hộ dân Nguyễn Văn Hùng
Đứng trước vườn mía toang hoang vì bị lực lượng cưỡng chế chặt phá vào buổi sáng, ông Nguyễn Văn Thủy (sinh năm 1965) ở khu phố Trung Hòa, con trai của liệt sĩ Nguyễn Văn Thao được bà nội Nguyễn Thị Lý, người được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng thừa kế cho mảnh đất này rất bức xúc vì xót của và công lao động lâu nay. Ông khẳng định, UBND thị xã Từ Sơn đã phớt lờ quyền lợi của người dân, quyết tâm cưỡng chế thực hiện dự án bằng được, bất chấp quy định của luật pháp.
Hộ dân Nguyễn Văn Thủy, con liệt sĩ và cháu ruột của Bà mẹ Việt Nam anh hùng thất thần nhìn gia sản, công lao động bị lực lượng cưỡng chế phá bỏ trong thời gian ngắn
Cụ thể, theo ông Thủy, sau nhiều lần mời họp và không được ông nhất trí với mức đền bù là 158 triệu đồng/sào (360m2), UBND thị xã Từ Sơn ban hành Quyết định số 1187/QĐ-UBND, về việc cưỡng chế thu hồi đất tại phường Tân Hồng để giải phóng mặt bằng thực hiện dự án xây dựng Khu nhà ở đấu giá quyền sử dụng đất tạo vốn, thị xã Từ Sơn. Quyết định ấy do ông Lê Xuân Lợi, Chủ tịch UBND thị xã Từ Sơn ký ban hành ngày 18/11/2019 và quy định thực hiện xong trong tháng 12.
Ông Nguyễn Văn Hùng là một trong những hộ dân nằm trong dự án nêu trên bị cưỡng chế hoa màu, đập phá cơ sở hạ tầng gây thiệt hại nặng nề nhất. Ông Hùng không có mặt tại nơi cưỡng chế vì đang tiếp nước điều trị sốt, viêm đường tiết niệu tại nhà. Ông cho biết, theo lời kể của nhiều người dân có mặt tại hiện trường, ô tô, dụng cụ xây dựng, vật nuôi và nhiều tài sản khác của ông đã bị lực lượng cưỡng chế mang đi đâu không rõ.
Một người dân ghi lại hình ảnh về cảnh đổ nát sau cưỡng chế để thông tin lại với ông Nguyễn Văn Hùng
Theo ông Hùng, công lao động từ năm 2016 đến nay và số tiền đầu tư hoa màu ước khoảng hơn 600 triệu đồng đã “không cánh mà bay”. Ông ước tính, chỉ riêng tiền bán bưởi trong dịp Tết nguyên đán này đã ước đạt khoảng hơn 30 triệu đồng chứ chưa nói đến nhiều loại cây trồng khác.
Theo những tài liệu mà người dân cung cấp cho VietTimes, ngày 12/7/2017, Thường trực HĐND tỉnh Bắc Ninh ra Nghị quyết số 61/NQ-HĐND, phê duyệt các dự án để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, trong đó có Dự án “Đầu tư xây dựng hạ tầng khu nhà ở tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng và các công trình công cộng với diện tích 4,4ha do chủ đầu tư là UBND thị xã Từ Sơn thực hiện”.
Tiếp đó, UBND thị xã Từ Sơn căn cứ vào văn bản số 2237/UBND-XDCB ban hành ngày 02/7/2017 của UBND tỉnh Bắc Ninh về việc giới thiệu địa điểm lập dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở đấu giá quyền sử dụng đất tạo vốn, thị xã Từ Sơn tại khu phố Trung Hòa, phường Tân Hồng để ban hành Quyết định số 490/QĐ-UBND ngày 20/6/218, phê duyệt Đồ án quy hoạch chi tiết thực hiện dự án.
Trước những thắc mắc của nhân dân, trong buổi làm việc gần đây, ông Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường thị xã Từ Sơn đã khẳng định, Dự án “Xây dựng khu nhà ở đấu giá quyền sử dụng đất tạo vốn, thị xã Từ Sơn tại phường Tân Hồng” chưa được UBND tỉnh Bắc Ninh phê duyệt.
Ông Nguyễn Văn Hùng điều trị bệnh tại gia đình
Theo tìm hiểu của VietTimes, sau khi UBND thị xã Từ Sơn tiến hành các thủ tục thực hiện dự án, nhiều người dân trong diện dự án này đã nhận tiền đền bù. Tuy nhiên, nhận thấy quyền lợi đền bù chưa thỏa đáng, nhiều hộ dân đã bức xúc viết đơn gửi tới các cơ quan chức năng của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Ninh và Văn phòng Chính phủ, song đến nay UBND thị xã Từ Sơn vẫn không có biện pháp giải quyết thỏa đáng. Việc cưỡng chế sáng nay đã khiến người dân địa phương rất bất bình và bức xúc.
Trao đổi với Luật sư Vũ Quang Dũng, Văn phòng Luật sư Quang Dũng và cộng sự, VietTimes nhận được câu trả lời khá rõ ràng. Theo luật sư Dũng, qua nghiên cứu hồ sơ thì Dự án “Xây dựng khu nhà ở đấu giá quyền sử dụng đất tạo vốn, thị xã Từ Sơn tại phường Tân Hồng” chưa tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.
Cụ thể, Điểm c, khoản 3, Điều 10, Nghị định số 99/2015/NĐ-CP, quy định Sở Xây dựng chủ trì thẩm định và có tờ trình đề nghị UBND cấp tỉnh ban hành văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư. Tại khoản 4, Điều 10, Nghị định số 99/2015/NĐ-CP cũng quy định: “Sau khi có quyết định hoặc văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ở của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, UBND cấp tỉnh chỉ đạo triển khai các bước chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án theo quy định của pháp luật”.
Xung quanh sự việc này, người dân đặt câu hỏi, bộ máy chính quyền được nhà nước đầu tư bài bản cả con người, phương tiện và được hệ thống pháp luật bảo vệ chặt chẽ nhưng lại chưa quan tâm đến quyền lợi của người dân, thậm chí có nội dung thực hiện không đúng quy định của pháp luật, cụ thể là dù chưa được UBND tỉnh Bắc Ninh phê duyệt dự án đầu tư nhưng đã nhanh chóng thực hiện hàng loạt các việc khác và đỉnh điểm là đi cưỡng chế giải phóng mặt bằng. Dư luận đặt câu hỏi, hành động này của UBND thị xã Từ Sơn có trái với bản chất, đi ngược lại mục tiêu của Đảng và Nhà nước hay không?
Qua thông tin này, dư luận đặt câu hỏi, căn cứ vào đâu mà những cán bộ của UBND thị xã Từ Sơn này lại có đề xuất đó và liệu việc bơm thêm tiền có phải chỉ để nhằm giải phóng mặt bằng nhanh hơn hay còn nhằm mục đích nào khác nữa?
Đặc biệt, dư luận cho rằng, chưa có quyết định cho phép đầu tư của UBND tỉnh Bắc Ninh thì UBND thị xã Từ Sơn căn cứ vào đâu để có kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng? Liệu có đại gia nào đứng đằng sau bơm tiền và giật dây để thực hiện dự án này nhằm trục lợi hay không? Nêu chỉ căn cứ vào dự án chưa được phê duyệt và vay tiền ngân hàng để thực hiện thì phần trả lãi hằng tháng do không thực hiện đúng tiến độ và kế hoạch sẽ được tính như thế nào, ai sẽ là người chịu trách nhiệm về việc này?