Phú Bình hỗ trợ người nghèo đúng cách, kịp thời

Nhiều địa phương tại Thái Nguyên, trong đó có Phú Bình, thực hiện đa dạng hóa sinh kế, tạo việc làm, phát triển mô hình giảm nghèo bền vững, cùng đó, triển khai kịp thời, đúng đối tượng giúp hộ nghèo vươn lên phát triển kinh tế.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, trong 3 năm qua, Thái Nguyên giảm 3,78% hộ nghèo, bình quân mỗi năm giảm 1,26%, vượt so với chỉ tiêu đề ra hằng năm.

Tại huyện Phú Bình, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều cuối năm 2023 giảm còn 3,03% (tương đương còn 1.193 hộ), giảm 2,37% so với năm 2022. Bước sang năm 2024, huyện đề ra mục tiêu giảm 0,78% tỷ lệ hộ nghèo. Hiện ở địa phương này, 100% xóm có điện lưới quốc gia; 100% đường đến trung tâm các xã, thị trấn được cứng hóa. Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 96,81%.

Phú Bình đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ hộ nghèo tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản như 100% hộ nghèo, cận nghèo được cấp bảo hiểm y tế miễn phí; 100% tỷ lệ trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi học đúng độ tuổi; 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp có nhu cầu được hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề phù hợp; 100% hộ nghèo được tiếp cận các dịch vụ trợ giúp pháp lý theo nhu cầu...

Ngoài ra, Phú Bình còn kịp thời hỗ trợ xây mới nhà ở cho 85 hộ nghèo, hộ cận nghèo với tổng kinh phí thực hiện là hơn 4,1 tỷ đồng; hỗ trợ nước sạch và xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh.

Các giải pháp, chính sách được huyện Phú Bình triển khai kịp thời, đúng đối tượng, đã góp phần giúp các hộ nghèo vươn lên phát triển kinh tế và thoát nghèo.

Nhiều địa phương tại Thái Nguyên, trong đó có Phú Bình, đa dạng hóa sinh kế, tạo việc làm, phát triển mô hình giảm nghèo bền vững cho người dân.

Nhiều địa phương tại Thái Nguyên, trong đó có Phú Bình, đa dạng hóa sinh kế, tạo việc làm, phát triển mô hình giảm nghèo bền vững cho người dân.

Tại thị trấn Hương Sơn, huyện Phú Bình, gia đình anh Dương Viết Chung (ở tổ dân phố Đoàn Kết) từng thuộc diện hộ nghèo. Anh Chung vốn là thợ xây, thu nhập bấp bênh nhưng phải gồng gánh mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình. Thiếu vốn khiến mong muốn phát triển chăn nuôi để có thêm thu nhập của gia đình anh rất khó khăn.

Thấu hiểu hoàn cảnh và nhu cầu gia đình anh Chung, Tổ tiết kiệm và vay vốn của tổ dân phố Đoàn Kết đã hỗ trợ anh thủ tục vay vốn hộ nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội. Vậy là từ nguồn vốn vay 25 triệu đồng, anh Chung mua 1 con bò cái. Hai năm sau, anh vay bổ sung lên 50 triệu đồng để mua thêm 1 con bò cái và 3 con lợn nái.

Trung bình mỗi năm, anh bán lợn con thu được trên 60 triệu đồng; 2 con bê được khoảng 16 triệu đồng. Với nguồn thu ổn định, đến năm 2023, anh đã thoát diện hộ nghèo lên cận nghèo. Năm 2024, anh Chung tiếp tục vay 100 triệu đồng từ vốn vay hộ cận nghèo để mở rộng quy mô chăn nuôi.

Nhiều hộ nghèo tại huyện Phú Bình cũng được vay vốn chính sách để vươn lên phát triển kinh tế, giải quyết các chiều thiếu hụt, thoát nghèo. Tính đến ngày 19/8, hơn 980 hộ nghèo tại đây được tiếp cận, dư nợ cho vay đạt trên 68,7 tỷ đồng; cho vay hộ cận nghèo đạt trên 107,4 tỷ đồng với gần 1.600 hộ vay; mới thoát nghèo đạt trên 122 tỷ đồng với trên 1.800 hộ vay.

Năm 2023, Phú Bình có tới gần 1.000 hộ thoát nghèo (vượt 98% kế hoạch) và cận nghèo (vượt 320% kế hoạch). Tại địa phương này, giải pháp căn cơ được huyện triển khai là đầu tư, hỗ trợ đúng đối tượng và phù hợp với điều kiện lao động, sản xuất của từng hộ; tạo sinh kế bền vững đến từng khu dân cư, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và cộng đồng.

Bên cạnh nguồn vốn tín dụng, nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững được huyện Phú Bình phân bổ để thực hiện các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Trong thời gian qua, việc đa dạng hóa sinh kế, tạo việc làm, phát triển mô hình giảm nghèo bền vững được triển khai thực hiện có hiệu quả.

Riêng năm 2023, huyện đã triển khai 5 dự án, tổng kinh phí thực hiện là hơn 6,7 tỷ đồng, gồm mô hình chăn nuôi gà đồi an toàn sinh học, mô hình chăn nuôi bò nái sinh sản, mô hình trồng rau an toàn vụ đông...

Đơn cử, mô hình "Chăn nuôi gà đồi an toàn sinh học" được triển khai tại xã Tân Kim và Tân Khánh... Tham gia mô hình này, 30 hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ tổng 12.000 con gà giống, thức ăn hỗn hợp. Trong khi đó, mô hình "Chăn nuôi bò nái sinh sản" thực hiện tại xã Xuân Phương và Dương Thành, có 21 hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ 21 con bò giống.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/ho-tro-nguoi-ngheo-dung-cach-kip-thoi-2317525.html