Phù chân do thuốc hạ huyết áp: Tác dụng không mong muốn thường gặp

Phù do thuốc hạ áp nhóm chẹn kênh calci (CCB) là một vấn đề rất thường gặp trên lâm sàng, đặc biệt là khi sử dụng amlodipin, một loại thuốc hạ áp phổ biến.

Hiện vẫn chưa tìm ra nguyên nhân vì sao amlodipin gây phù, nhưng có ít nhất 5% người bị tăng huyết áp dùng amlodipine gặp phải tác dụng phụ này.

Ca lâm sàng điển hình

Bệnh nhân nữ, 57 tuổi, cách 1 tháng có đo huyết áp tại trạm y tế, được chẩn đoán tăng huyết áp, và được kê đơn amlodipin 5mg x 1 viên/ngày. Khoảng 1 tuần nay người bệnh thấy phù 2 chân tăng dần nhưng đi tiểu vẫn bình thường. Qua thăm khám thấy phù mềm đối xứng 2 bên chân, không đau, được chẩn đoán tình trạng phù do thuốc hạ áp nhóm chẹn kênh calci (amlodipin).

Thuốc amlodipine thường được sử dụng chung hoặc riêng biệt với các loại thuốc khác để điều trị chứng tăng huyết áp. Việc làm giảm chứng tăng huyết áp nhằm giúp ngăn ngừa đột quỵ, đau tim, các bệnh về thận. Cơ chế hoạt động bằng cách nới lỏng các mạch máu để máu có thể lưu thông dễ dàng hơn.

Một số thuốc hạ huyết áp có tác dụng phụ gây phù chân.

Một số thuốc hạ huyết áp có tác dụng phụ gây phù chân.

Vì sao bị phù do dùng thuốc?

Cơ chế được cho là do các thuốc nhóm CCB gây giãn mạch, trong đó gây giãn các tiểu động mạch trước mao mạch, làm tăng tính thấm của thành mạch và thoát dịch từ lòng mạch ra khoảng kẽ.

Tuy nhiên, nước và các chất điện giải có thể qua lại thành mạch tự do, tại sao lại gây phù? Một cơ chế khác được nêu ra kèm theo hiện tượng giãn mạch và tăng tính thấm thành mạch là có hiện tượng thoát các phân tử albumin từ trong lòng mạch ra ngoài khoảng kẽ, làm tăng áp lực keo của khoảng kẽ và gây tăng giữ nước tại đây. Ngoài ra, giãn các tiểu động mạch trước mao mạch là tăng áp lực thủy tĩnh của tĩnh mạch (sau mao mạch) do đó gây cản trở dịch từ khoảng kẽ trở về mao tĩnh mạch.

Một điều cũng thú vị không kém là, nếu như CCB gây giãn mạch trước mao mạch thì các thuốc hạ áp nhóm ức chế men chuyển (ACEI) và chẹn thụ thể AT1 (ARB) lại gây giãn mạch sau mao mạch, do đó, kết hợp CCB với ACEI hoặc ARB lại có thể giải quyết được tình trạng phù do CCB gây ra. Tuy nhiên, một tác dụng phụ hiếm gặp của ARB là có thể gây phù mạch.

Một số tình trạng khác cũng gây phù do giãn mạch và tăng tính thấm thành mạch như phù do dị ứng hoặc do viêm nhưng cơ chế là do sản sinh ra các hóa chất trung gian gây giãn mạch.

Phù do suy tim và do viêm tắc tĩnh mạch cũng liên quan đến tĩnh mạch nhưng là do tăng áp lực tĩnh mạch toàn thân (suy tim) hoặc khu trú (viêm tắc tĩnh mạch).

Tại sao thường chỉ gây phù 2 chi dưới?

Về mặt triệu chứng, phù do suy tim giai đoạn đầu thường chỉ bắt đầu ở 2 chi dưới, huyết khối tĩnh mạch cũng hay gặp ở chi dưới hơn chi trên. Cơ chế được cho là do áp lực tĩnh mạch chi dưới cao hơn chi trên bởi cấu trúc về giải phẫu và do ảnh hưởng bởi trọng lực. Đó là lý do tại sao các tĩnh mạch ở chi dưới có thể đẩy được máu về tim là nhờ có sự hỗ trợ của hệ thống van tĩnh mạch và hệ thống bơm cơ.

Do đó, một trong những nguyên nhân gây phù có thể do sử dụng thuốc, trong đó có CCB, đặc biệt là amlodipin, bởi vì CCB trong đó có amlodipin vẫn là một lựa chọn thuốc hạ áp an toàn và hiệu quả, đặc biệt ở những người cao tuổi và các tuyến y tế cơ sở. Vì vậy, cần hỏi kỹ về tiền sử bệnh tim mạch, tăng huyết áp và sử dụng thuốc của người bệnh. Nếu người bệnh không mang đơn thuốc hoặc vỉ thuốc theo, hoặc không nhớ tên thuốc, một cách khai thác bệnh là hãy hỏi về vỉ thuốc con nhộng nửa trắng nửa vàng, vì có một điều lý thú là amlodipin dù có là hàng chính hãng hay hàng tương tự sinh học thì đa số đều có dạng viên con nhộng nửa trắng nửa vàng.

Những trường hợp phù nghi do thuốc CCB, ngoài các xét nghiệm đánh giá bệnh thận và albumin huyết thanh, nếu cẩn thận hơn và khi có điều kiện, người bệnh cần được chỉ định siêu âm doppler mạch chi dưới, nhất là những người cao tuổi thường có suy tĩnh mạch/suy van tĩnh mạch chi dưới, có thể làm nặng thêm tình trạng phù do thuốc; hoặc bất cứ dấu hiệu nào của huyết khối hoặc viêm tắc tĩnh mạch chi dưới, hoặc tắc bạch mạch như phù không đối xứng, phù cứng, phù kèm theo tím và đau, đôi khi kèm theo có sốt.

BS. Nguyễn Văn Thanh (Bộ môn Nội tổng hợp - Đại Học Y Hà Nội)

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/phu-chan-do-thuoc-ha-huyet-ap-tac-dung-khong-mong-muon-thuong-gap-n185821.html