Phú Hòa - Đường 7 xưa, huyện nông thôn mới hôm nay

Cơ sở hạ tầng của huyện Phú Hòa ngày càng được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại. Ảnh: QUỲNH CHI

Từ một huyện lúa nghèo, bị chiến tranh giày xéo, Phú Hòa đã vươn mình phát triển, trở thành một trong hai huyện nông thôn mới (NTM) của tỉnh.

Sức sống mới dọc đường 7

Dọc cung đường 7 năm xưa, nay là quốc lộ 25, từ xã Hòa An đến các xã Hòa Thắng, Hòa Định Tây, Hòa Hội và thị trấn Phú Hòa người dân đang hồ hởi, ra sức dựng xây cuộc sống mới, góp phần đưa quê hương phát triển, tiến lên từng ngày.

Ông Lê Văn Thành ở xã Hòa Quang Nam, nhớ lại: Sau khi quân dân ta đánh đuổi quân địch tan tác trên đường 7, tiến đến giải phóng tỉnh Phú Yên, người dân bắt đầu hồi cư về lại quê hương, nỗ lực xây dựng cuộc sống mới. Ngày đó, sau một thời gian dài bị giặc chiếm đóng, đất đai, làng mạc hoang hóa, đường sá đi lại khó khăn nhưng bà con vẫn hừng hực khí thế, bắt tay vào vỡ đất, khai hoang để sản xuất nông nghiệp. Chỉ sau một thời gian ngắn, những vùng đất hoang đã được phủ màu xanh của cây lúa, nhà cửa được xây dựng, làng xóm hình thành, cuộc sống mới được tạo lập và ngày càng phát triển không ngừng.

Còn bà Nguyễn Thị Thao ở xã Hòa Quang Bắc, cho hay: Nhờ được Nhà nước đầu tư nâng cấp kênh mương thủy lợi, hướng dẫn kỹ thuật cũng như giới thiệu những loại giống mới nên năng suất lúa ngày càng cao, lợi nhuận cũng tăng theo. Vụ rồi hơn 1 mẫu (10 sào) lúa gia đình tôi cho thu hoạch khoảng 4 tấn, bán với giá 9.000 đồng/kg, trừ các chi phí lãi được hơn 20 triệu đồng.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Phú Hòa, diện tích lúa toàn huyện có khoảng 5.450ha, là vựa lúa lớn của tỉnh. Hầu hết nông dân địa phương nắm bắt được kỹ thuật canh tác, thay đổi giống, đưa cơ giới hóa vào sản xuất… góp phần giải phóng sức lao động, nâng cao hiệu quả canh tác. Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Hòa cho biết: Ngoài cây lúa, địa phương còn phát triển mạnh nhiều loại nông sản khác như bắp, rau màu, đậu đỗ. Đặc biệt, huyện đã từng bước xây dựng được nhiều vùng cây ăn quả có sức cạnh tranh, giá trị thặng dư cao như vùng khóm Đồng Din - Suối Cái, vùng trồng mít, mãng cầu Lỗ Chài… cho lãi ròng từ 50-250 triệu đồng/ha/năm. Bình quân, tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của địa phương đạt hơn 1.000 tỉ đồng/năm.

Hiện nay, nhiều sản phẩm nông nghiệp của huyện đã xây dựng được thương hiệu, tạo tiếng vang trên thị trường. Giám đốc HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Ðồng Din Nguyễn Hoàng Chương cho biết: Các mặt hàng khóm sấy, bánh khóm và nhiều rau quả khác của HTX đã được cấp quota xuất khẩu sang Nga. Chúng tôi đang chuẩn bị để tiếp cận với thị trường quốc tế này. Đây sẽ là bước nhảy vọt để đưa sản phẩm khóm của Phú Hòa đến với thế giới, nâng giá trị của trái khóm lên cao.

Đầu tư hạ tầng đồng bộ

Với những nỗ lực không ngừng của toàn Đảng, toàn dân, huyện Phú Hòa sớm trở thành một trong hai huyện đạt chuẩn NTM của tỉnh (Phú Hòa được công nhận đạt huyện NTM năm 2019 - PV). Đến nay đã có 3 xã đạt NTM nâng cao, trong đó xã Hòa Quang Bắc là xã đầu tiên của tỉnh được công nhận xã NTM nâng cao.

Theo UBND huyện Phú Hòa, tính đến nay, toàn huyện đã huy động hơn 9.230 tỉ đồng vào xây dựng NTM. Trong đó, nhân dân tự nguyện đóng góp hơn 53,7 tỉ đồng, hiến 13.955m2 đất. Từ nguồn lực này, đến nay, toàn huyện đã có hơn 492km đường giao thông được nhựa hóa, bê tông hóa và cứng hóa. Cùng với đó, nhiều công trình công cộng khác như nhà văn hóa, trường học, trạm y tế, chợ... được đầu tư nâng cấp, xây mới khang trang, tạo sự đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật. Đến nay, huyện Phú Hòa đã có 22/28 trường đạt chuẩn quốc gia, toàn bộ các xã đều có nhà văn hóa, sân vận động, chợ, trạm y tế... đạt yêu cầu, đảm bảo phục vụ cho sinh hoạt, nhu cầu mua bán, vui chơi của người dân.

Để tạo sức bật trong giai đoạn tới, ngoài phát huy nội lực từ nông nghiệp, huyện Phú Hòa đang tập trung phát triển công nghiệp - dịch vụ. Ông Nguyễn Ngọc Tường cho biết thêm: Phú Hòa đã hình thành 3 cụm công nghiệp rộng khoảng 50ha, cùng các hỗ trợ thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Toàn huyện hiện có hơn 300 doanh nghiệp và 5.689 cơ sở sản xuất, kinh doanh. Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm luôn đạt hơn 10%, tổng thu ngân sách tăng gấp 10 lần so với năm 2002.

Huyện Phú Hòa cũng tập trung thu hút nguồn ngoại lực từ các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh thông qua công tác xúc tiến đầu tư. Đến nay, toàn huyện đã thu hút được 22 dự án đầu tư và đã có 17 dự án đi vào hoạt động. Đặc biệt, có 9 dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách với tổng vốn khoảng 5.000 tỉ đồng. Trong đó có 4 dự án hoàn thành đưa vào hoạt động.

Ngoài ra, huyện cũng đang tích cực kêu gọi đầu tư cho một số dự án có quy mô lớn như: Khu đô thị phía Nam đường Trần Phú nối dài (khu số 1) với tổng vốn đầu tư 250 tỉ đồng; khu Resort và khoáng nóng Phú Sen tại xã Hòa Định Tây với tổng vốn đầu tư 578 tỉ đồng; nhà máy phong điện Hòa Quang Nam với tổng vốn đầu tư 1.485 tỉ đồng; cấp nước sạch liên xã Hòa Thắng, Hòa An, Hòa Trị với tổng vốn đầu tư 192,2 tỉ đồng; trang trại trồng dược liệu Hòa Hội với tổng vốn đầu tư 15 tỉ đồng…

Sau 46 năm giải phóng, vượt qua nhiều khó khăn, Phú Hòa đã đạt được nhiều kết quả từ kinh tế đến đời sống xã hội. Đặc biệt, chất lượng đời sống người dân được nâng cao với hơn 94% người dân có việc làm ổn định, thu nhập bình quân năm 2020 đạt hơn 43 triệu đồng/người, tỉ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,62% trong năm 2020.

Bí thư Huyện ủy Phú Hòa Lê Ngọc Tính

THỦY TIÊN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/253967/phu-hoa-duong-7-xua-huyen-nong-thon-moi-hom-nay.html