Phú Hòa: Hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Lao động nông thôn huyện Phú Hòa học nghề may. Ảnh: HOÀNG LÊ

Thời gian qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐND) ở huyện Phú Hòa luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, chú trọng và phát huy hiệu quả thiết thực. Phần lớn LĐNT sau khi học nghề đều có việc làm, có thêm thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững trên địa bàn.

Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTT) huyện Phú Hòa (Trung tâm) Nguyễn Xuân Quý cho biết: Năm 2019, Trung tâm được giao chỉ tiêu đào tạo 310 LĐNT, gồm trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên. Trong đó, nghề nông nghiệp 90 học viên, nghề phi nông nghiệp 220 học viên. Qua 8 tháng đầu năm, Trung tâm đã tuyển sinh và đang tổ chức đào tạo 10 lớp nghề với hơn 240 LĐNT đăng ký tham gia, đạt 78,4% so với kế hoạch năm.

Có nghề, có thêm thu nhập

Chúng tôi đến dự khai giảng một lớp nghề may do Trung tâm liên kết với cơ sở may Bảo Ánh mở tại thôn Ân Niên, xã Hòa An vào đầu tháng 8/2019. Bảo Ánh là cơ sở may gia công cho một công ty may xuất khẩu ở TP Hồ Chí Minh. Theo ông Quý, việc liên kết trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn là hướng đi đúng đắn, thuận lợi trong quá trình đào tạo cũng như giải quyết việc làm cho người lao động sau khi học nghề.

Doanh nghiệp may đầu tư trang thiết bị máy móc, còn Trung tâm hỗ trợ kinh phí mua vật tư thực hành cho các cơ sở để đào tạo học viên trong thời gian đầu. Sau khi đào tạo xong, nếu học viên có nhu cầu thì được nhận vào làm việc tại cơ sở may gia công tại địa phương.

Việc liên kết trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn là hướng đi đúng đắn, thuận lợi trong quá trình đào tạo cũng như giải quyết việc làm cho người lao động sau khi học nghề.

Chị Nguyễn Thị Minh Nguyệt, học viên đang học nghề may cho biết: “Gia đình tôi thu nhập chính từ làm ruộng, nuôi bò. Chồng tôi làm thêm nghề thợ mộc. Tôi tính sau khi học nghề xong sẽ xin vào làm việc tại đây vì gần nhà, có thể tranh thủ thời gian nông nhàn để tăng thu nhập, trang trải cuộc sống gia đình, nuôi hai đứa con ăn học”.

Còn chị Đinh Thị Thu Trinh đã học xong và được nhận vào làm việc tại đây được 2 tháng cho biết, tuy được nghỉ ngày chủ nhật và những lúc bận việc nhà, nhưng mỗi tháng chị thu nhập thêm từ 2-3 triệu đồng. Nếu chuyên cần, làm đủ công hàng tháng sẽ được thưởng thêm 200.000 đồng. Gia đình chị ngoài làm ruộng, chồng chị được học thêm nghề thợ hồ, thu nhập 300.000 đồng/ngày nên cũng đủ chi tiêu trong cuộc sống.

Ông Phan Văn Đoàn, chủ cơ sở may Bảo Ánh, nói: Trong quá trình đào tạo, ngoài chế độ học nghề của học viên, cơ sở còn hỗ trợ nước giải khát nửa buổi, cơm trưa cho học viên. Đối tượng học nghề ở đây là LĐNT thuộc hộ nghèo, cận nghèo, làm việc trong thời gian nông nhàn để tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Hướng đi đúng đắn, lâu dài

Thôn Đông Phước, xã Hòa An đang nổi lên với mô hình trồng rau sạch, an toàn, năng suất chất lượng cao. Các sản phẩm rau trồng ở đây rất đa dạng, như: é trắng, é quế, xà lách, cải, mồng tơi... Chị Lương Thị Bích Thủy đang chăm sóc vườn rau của mình cho biết, trước đây người dân địa phương chỉ biết trồng và chăm sóc rau theo kinh nghiệm.

Sau khi được học lớp nghề trồng rau sạch, bà con biết cách trồng rau theo công nghệ sạch, từ khâu làm đất, gieo giống, tưới nước, bón phân… Sản phẩm rau sạch, an toàn do người dân trong thôn trồng không chỉ bán ở chợ địa phương mà còn được Siêu thị Co.opMart Tuy Hòa thu mua.

Ông Nguyễn Ngọc Đăng Khoa, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa An, cho biết: Thực hiện chủ trương đào tạo nghề cho LĐNT, mỗi năm tại xã đào tạo nghề may cho 30-35 học viên và một lớp trồng rau sạch dành cho nông dân có nhu cầu. Sau khi học nghề, người lao động được nhận vào làm việc, gắn bó với cơ sở sản xuất, tăng thêm nguồn thu lúc nông nhàn. Từ đó, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo. Theo ông Khoa, việc liên kết với doanh nghiệp trong dạy nghề cho LĐNT là hướng đi đúng đắn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và giải quyết việc làm lúc nông nhàn, góp phần giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

“Các lớp nghề nông nghiệp do Trung tâm tổ chức từ đầu năm đến nay đều gắn với điều kiện sản xuất đặc thù tại địa phương. Các học viên đều nắm bắt kiến thức, kỹ thuật trong canh tác cây trồng, vật nuôi, ứng dụng vào thực tiễn sản xuất của hộ gia đình mang lại hiệu quả cao. Còn các lớp nghề phi nông nghiệp như: Điện dân dụng, kỹ thuật làm bánh Âu - Á, học viên sau khi học xong đều tự tạo được việc làm tại địa phương, tăng thêm thu nhập.

Đối với các lớp may công nghiệp, Trung tâm đã liên kết với doanh nghiệp may gia công mở lớp dạy nghề tại cơ sở thôn, học viên sau khi hoàn thành khóa học được cấp chứng chỉ nghề. Nếu người học có nhu cầu, doanh nghiệp sẽ nhận vào làm việc. Chính vì vậy, việc liên kết với các doanh nghiệp đóng trên địa bàn để đào tạo nghề, tạo việc làm cho LĐNT là hướng đi lâu dài của Trung tâm”, ông Nguyễn Xuân Quý cho biết thêm.

HOÀNG LÊ - NGỌC MINH

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/228849/phu-hoa--hieu-qua-dao-tao-nghe-cho-lao-dong-nong-thon.html