Phụ huynh chủ động cho con học bơi

Từ năm 2011-2017, toàn tỉnh có đến 150 vụ tai nạn đuối nước (chiếm tới 63% tổng số vụ tai nạn thương tích dẫn đến tử vong ở trẻ em). Trước thực trạng học sinh bị tai nạn đuối nước gia tăng, vào năm 2017, Sở GD-ĐT, Sở LĐ-TBXH và Sở VH-TTDL từng phối hợp tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng dự thảo đề án Xóa mù bơi cho học sinh tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2017-2021.

Học sinh được học bơi tại một trường tư thục trên địa bàn TP.Biên Hòa. Ảnh: Đ.CÔNG

Học sinh được học bơi tại một trường tư thục trên địa bàn TP.Biên Hòa. Ảnh: Đ.CÔNG

Mục tiêu chung của dự thảo đề án là vận dụng các chủ trương, chính sách đã có để thực hiện kiểm soát tình hình tai nạn, thương tích trẻ em, đặc biệt là tai nạn đuối nước nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh, hạnh phúc của gia đình và xã hội.

* Vượt quá khả năng

Dự thảo đề án Xóa mù bơi cho học sinh tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2017-2021 còn xác định những mục tiêu rất cụ thể là phấn đấu gần 73% trường tiểu học và THCS trên địa bàn tỉnh có hồ bơi. Nếu đạt được những số con mơ ước cụ thể này thì đến năm 2021 toàn tỉnh sẽ có 346/476 trường tiểu học và THCS công lập có hồ bơi, 80% học sinh tiểu học, THCS được xóa mù bơi.

Đối với các trường có hồ bơi, phấn đấu 100% các em được xóa mù bơi và từng bước phổ cập bơi lên trình độ cao hơn. Vì dự thảo đề án được xây dựng vượt quá khả năng và thực tế nên không được phê duyệt và triển khai hoàn toàn.

Do thiếu một đề án dạy bơi cho học sinh nên thời gian qua, tình hình tai nạn đuối nước trong trẻ em trên địa bàn vẫn ở mức đáng báo động, bình quân mỗi năm tiếp tục có từ 15-20 trẻ em bị tai nạn đuối nước, tập trung ở những huyện có nhiều ao, hồ, sông nước như Cẩm Mỹ, Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc.

Chị Đinh Thị Lý (ngụ xã Xuân Tây, H.Cẩm Mỹ) cho biết: “Năm nào cũng nghe thông tin có trẻ em chết đuối mà tôi lại thêm lo. Tôi muốn con được đi học bơi nhưng trường lại không dạy, tìm cả xã cũng không có chỗ nào dạy bơi”.

* Cần đầu tư lâu dài

Theo dự thảo đề án Xóa mù bơi cho học sinh tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh Đồng giai đoạn 2017-2021, kinh phí trong trong 5 năm (từ năm 2017-2021) để xây dựng 346 hồ bơi cần tới gần 227 tỷ đồng, được chia theo từng năm, trong đó xây dựng hồ bơi ở bậc tiểu học chiếm tới 141 tỷ đồng. Đây được xem là nguồn kinh phí không hề nhỏ, bởi Đồng Nai có số lượng trường công lập ở các cấp học khá lớn. Ngoài kinh phí thì vấn đề quỹ đất xây dựng hồ bơi đang rất khó khăn. Hiệu trưởng một trường THCS tại TP.Biên Hòa cho biết: “Với một trường sân chơi không đủ như trường tôi thì giờ Nhà nước có đầu tư cũng không biết lấy chỗ đâu mà xây”.

Dạy bơi cho học sinh tại Trường tiểu học bán trú Bông Sen (H.Trảng Bom)

Dạy bơi cho học sinh tại Trường tiểu học bán trú Bông Sen (H.Trảng Bom)

Theo hiệu trưởng một số trường tư thục đã đầu tư và vận hành hồ bơi cho học sinh nhiều năm nay, để đầu tư một hồ bơi đạt tiêu chuẩn tối thiểu cho học sinh cần ít nhất khoảng 1,5 tỷ đồng, đó là chưa kể tới các chi phí phát sinh hằng tháng liên quan có thể lên tới hàng chục triệu đồng như thay nước, hóa chất làm sạch nước… Chính vì thế, việc đầu tư các hồ bơi trong các trường công lập cần phải tính toán cho thật kỹ cùng với các giải pháp phù hợp, nhất là cần có sự chia sẻ từ phía cha mẹ học sinh. Nếu không tính toán cụ thể thì hồ bơi xây dựng lại bỏ không vì thiếu kinh phí vận hành.

Theo lãnh đạo Sở VH-TTDL, trước tình trạng các trường thiếu hồ bơi như hiện nay, trong khi các hồ bơi tư nhân được xây dựng khá nhiều, các trường có thể liên kết để đưa học sinh đến tham gia các lớp kỹ năng bơi cơ bản. Ban đầu các em không cần đòi hỏi phải có những kỹ năng nâng cao ngay, chỉ cần các em “đứng nước” được, không bị hoảng sợ, không bị chìm khi xuống dưới nước là đã tạm yên tâm, sau này, khi có điều kiện hơn, các em có thể tự học bơi nâng cao với nhiều kiểu bơi khác nhau. Bên cạnh đó, phụ huynh cần chủ động cho con mình tham gia các khóa học bơi thay vì trông chờ quá nhiều từ phía nhà trường.

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Võ Ngọc Thạch cho biết, trong lúc chưa tìm được giải pháp khả thi nhất để có thể dạy bơi ngay trong trường học thì mỗi phụ huynh phải chú ý hơn đến con em mình khi các em rời trường học về nhà, tránh tình trạng các em tự ý đi tắm tại các ao hồ, sông, suối, nhất là thời điểm trời nắng nóng, mùa hè đang đến gần. Ngành Giáo dục đang gặp khó khăn trong phát triển môn bơi lội nên rất mong muốn các địa phương đẩy mạnh hơn nữa hoạt động xã hội hóa dạy bơi, để vừa giúp các nhà trường thuận tiện hơn trong liên kết dạy bơi, vừa giúp tỷ lệ học sinh biết bơi gia tăng.

Đặng Công

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/tieu-diem/202105/phu-huynh-chu-dong-cho-con-hoc-boi-3055230/