Phụ huynh chung thủy với một nghề, nhưng các con thì không

Trong khi cha mẹ dành cả đời để làm một nghề ở một công ty duy nhất, thế hệ con trẻ lại có cách nghĩ khác về công việc và sự nghiệp.

 Thế hệ trước có xu hướng gắn bó với công ty trong nhiều năm hay thậm chí là cả đời. Ảnh: Pexels.

Thế hệ trước có xu hướng gắn bó với công ty trong nhiều năm hay thậm chí là cả đời. Ảnh: Pexels.

Trong suốt 30 năm, cha mẹ của bà Ruchi Sinha, giảng viên tại Đại học South Australia (Australia), chỉ trung thành với một công ty duy nhất và dành cả cuộc đời để gắn bó với công ty đó.

Vì thế, khi lớn lên, bà Sinha được cha mẹ dạy về tầm quan trọng của lòng trung thành khi làm việc. Tuy nhiên, sống trong thời đại mọi thứ thay đổi từng giây như hiện nay, khái niệm về công việc trọn đời trở nên hiếm hoi hơn bao giờ hết.

Với thế hệ trước, họ ưu tiên công việc ổn định, sự nghiệp lâu dài và chỉ gắn bó với một nơi làm việc duy nhất. Nhưng với thế hệ hiện tại, thay đổi công việc thường xuyên là điều bình thường.

Sự thay đổi này xuất phát từ quá trình toàn cầu hóa, tiến bộ công nghệ và quan niệm về công việc cũng có sự khác biệt.

 Sự thay đổi của thời đại khiến người trẻ phải suy nghĩ lại về công việc. Ảnh: Pexels.

Sự thay đổi của thời đại khiến người trẻ phải suy nghĩ lại về công việc. Ảnh: Pexels.

Xu hướng làm việc thay đổi

Toàn cầu hóa đã biến nền kinh tế thế giới thành một mạng lưới khổng lồ và được kết nối với nhau. Điều này khiến thị trường việc làm trở nên cạnh tranh khốc liệt. Nhưng nhờ đó, cơ hội tìm việc làm cũng trở nên đa dạng và dễ tiếp cận hơn nhờ kỹ thuật số.

Ngày nay, việc làm được công bố rộng rãi trên mạng và không còn bị ràng buộc về mặt địa lý. Thêm vào đó là sự tiến bộ nhanh chóng của công nghệ khiến chúng ta đang sống trong một thế giới mà những điều bạn học được ngày hôm qua chưa chắc đã đủ dùng cho thị trường việc làm hôm nay.

Thị trường việc làm đang có sự chuyển đổi. Nhiều nghề nghiệp mới xuất hiện và nổi lên nhờ sự cái tiến về tự động hóa và trí tuệ nhân tạo.

Thời đại này, AI có thể đánh giá rủi ro và đưa ra chiến lược định giá, khiến các lãnh đạo trở nên dư thừa. Hay những phần mềm tiên tiến trong lĩnh vực ngân hàng cũng giúp việc phân tích dữ liệu trở nên tự động hóa.

Không dừng ở lĩnh vực tài chính - ngân hàng, công nghệ cũng có những tác động đáng kể đến du lịch. Cụ thể, đặt chỗ online khiến du khách không còn cần đến các đại lý du lịch.

Sự thay đổi này cho thấy người lao động cần phải cập nhật kỹ năng liên tục và biết cách thích ứng với thị trường việc làm đang ngày càng phát triển về mặt công nghệ.

Công nghệ tác động đến thị trường lao động, kết quả là con đường sự nghiệp của mọi người trở nên trơn tru và đa hướng.

Ngày nay, sự nghiệp không chỉ là thăng tiến và nhận lương đều đặn, mà sự nghiệp chính là khám phá những lối đi khác nhau, chuyển đổi công việc, ngành nghề hay thậm chí là mạo hiểm làm việc tự do.

Bà Ruchi Sinha cho rằng đại dịch Covid-19 đã khiến xu hướng việc làm trở nên thay đổi. Nó nhấn mạnh vào vai trò của người lao động, theo đó người sử dụng lao động buộc phải linh hoạt để thích nghi với bối cảnh làm việc từ xa.

Sau sự đại dịch, nhiều người bắt đầu đánh giá lại lựa chọn nghề nghiệp. Họ muốn cân bằng giữa công việc - cuộc sống cũng như học cách thích ứng trong thế giới đang thay đổi.

Một sự thay đổi nữa trong thời đại ngày nay là người lao động chú trọng phát triển thương hiệu cá nhân, bao gồm việc xây dựng câu chuyện dựa trên kỹ năng cá nhân.

Điều này ngày càng trở nên phong phú khi thông qua những khóa học phát triển kỹ năng, người lao động có cơ hội giúp bản thân nổi bật hơn và tiếp cận được những cơ hội tốt hơn.

"Nếu người sử dụng lao động không tạo cơ hội để nhân viên sử dụng những kỹ năng này, họ có thể quyết định tìm nơi khác", bà Sinha nói với The Conversation.

 Người trẻ có những cái nhìn khác về công việc và sự trung thành. Ảnh: Pexels.

Người trẻ có những cái nhìn khác về công việc và sự trung thành. Ảnh: Pexels.

Nhảy việc không có nghĩa là không trung thành

Lòng trung thành được định nghĩa là sự cam kết gắn bó của nhân viên đối với tổ chức. Điều này đồng nghĩa với việc nhân viên sẵn sàng nỗ lực nhiều hơn và sẽ duy trì các giá trị, mục tiêu của công ty.

Những người lao động trung thành thường xác định rõ nơi họ làm việc, luôn là người đáng tin cậy và có cái nhìn tích cực về tổ chức, ngay cả trong những thời điểm tổ chức gặp khó khăn.

Tuy nhiên, nhân viên, kể cả nhân viên lâu năm, thay đổi nơi làm việc, cũng không có nghĩa là họ không trung thành. Điều này chỉ nói lên sự thay đổi trong những ưu tiên của người lao động, và họ cũng đang định nghĩa lại về sự trung thành.

Cụ thể, nhân viên trung thành với chủ và lợi ích của bản thân khi làm việc ở công ty. Nhưng đồng thời, họ cũng tìm kiếm sự phát triển chung và mong muốn được công nhận, khen thưởng.

"Con đường sự nghiệp giờ đây là một chiếc kính vạn hoa chứa đựng những trải nghiệm và cơ hội. Sự chuyển đổi này đồng nghĩa với việc người lao động phải đưa ra những quyết định phức tạp hơn, cần tính đến nguyện vọng cá nhân, xu hướng thị trường và những cân nhắc của gia đình", bà Sinha nhận xét.

Thái An

Nguồn Znews: https://znews.vn/phu-huynh-chung-thuy-voi-mot-nghe-nhung-cac-con-thi-khong-post1462984.html