Phụ huynh đừng quá tin vào kết quả bài kiểm tra IQ

Nhiều bước tiến vượt bậc trong trí tuệ của con người được thúc bởi đẩy nhiều yếu tố khác nhau thay vì đơn thuần dựa vào IQ cá nhân.

 Điểm IQ có thể đã giảm trong 30 năm qua. Ảnh: Pexels.

Điểm IQ có thể đã giảm trong 30 năm qua. Ảnh: Pexels.

Nhiều người phản đối các bài kiểm tra trí thông minh (IQ), cho rằng điểm kiểm tra IQ thường bị lạm dụng.

Họ nhận định việc trẻ em "thi trượt" các bài kiểm tra này có thể dẫn đến việc chúng nhận được nền giáo dục trung học thấp hơn so với những bạn bè làm tốt hơn - điều này gián tiếp cản trở tương lai của trẻ.

Bên cạnh đó, nhiều người cũng phản đối các bài kiểm tra IQ vì những lý do cá nhân. Họ nhớ lại cảm giác căng thẳng khi tham gia, nghi ngờ kết quả không phản ánh chính xác tiềm năng tương lai.

Vậy, câu hỏi đặt ra là bài kiểm tra trí thông minh thực sự hữu ích đến đâu và chúng bỏ qua những kỹ năng, phẩm chất nào?

Những yếu tố bị bỏ qua

Theo Conversation, nghiên cứu cho thấy điểm IQ đã tăng khoảng 3 điểm mỗi thập kỷ trong phần lớn thế kỷ 20, nhưng có thể đã giảm trong 30 năm qua.

Một số chuyên gia cho rằng điều này phản ánh những thay đổi trong chương trình giảng dạy ở trường học hoặc có thể chỉ đơn giản là do sự phức tạp của cuộc sống hiện đại. Việc tiếp thu nội dung kiến thức (đọc và ghi nhớ) từng là nền tảng của các kỳ thi và có liên quan đến hiệu suất kiểm tra IQ.

Ví dụ, chúng ta biết trí nhớ có liên quan đến kết quả kiểm tra IQ. Nhưng nghiên cứu sau đó đã tiết lộ tính kỷ luật mới thực sự là yếu tố dự báo kết quả thi cử tốt hơn so với trí thông minh.

Ngày nay, trẻ em phương Tây được dạy giải quyết vấn đề khoa học tập thể, kết hợp với các kỹ năng giao tiếp giữa các cá nhân và làm việc nhóm, đòi hỏi ghi nhớ ít hơn (học thuộc lòng).

Điều này thực sự có thể khiến học sinh ít có khả năng đạt điểm cao trong các bài kiểm tra IQ, ngay cả khi các phương pháp này đang giúp toàn thể nhân loại thông minh hơn.

Kiến thức không ngừng phát triển, nhưng chúng thường là kết quả của các dự án hợp tác nghiên cứu khổng lồ.

Kiểu học tập theo quy trình này dẫn đến trưởng thành về mặt tự nhận thức, ổn định cảm xúc, nhận biết suy nghĩ và cảm xúc của người khác, đồng thời hiểu rõ tác động của cá nhân đến hiệu suất của nhóm.

Quan trọng hơn, việc thiếu những kỹ năng này có thể cản trở tư duy logic. Nghiên cứu cho thấy khi chúng ta bỏ qua hoặc không hiểu cảm xúc của mình, chúng ta dễ bị thao túng hơn.

IQ cao cũng không đồng nghĩa với việc bảo vệ con người khỏi sự thiên vị hoặc sai lầm. Thực tế, nghiên cứu cho thấy những người IQ cao có thể dễ mắc lỗi hơn, chẳng hạn phát hiện ra các mẫu hình ngay cả khi chúng không tồn tại hoặc không liên quan.

Điều này có thể dẫn đến thiên kiến xác nhận và khó khăn trong việc từ bỏ một ý tưởng, giải pháp hoặc dự án ngay cả khi nó không còn hiệu quả. Nó cũng có thể cản trở quá trình lý luận hợp lý. Tuy nhiên, những điểm yếu như vậy lại bị bỏ qua trong các bài kiểm tra IQ.

 Nghiên cứu cho thấy những người IQ cao có thể dễ mắc lỗi hơn. Ảnh minh họa: Pexels.

Nghiên cứu cho thấy những người IQ cao có thể dễ mắc lỗi hơn. Ảnh minh họa: Pexels.

IQ không phải là tất cả

Nhiều bước tiến vượt bậc trong trí tuệ của con người được thúc đẩy bởi sự sáng tạo, hợp tác, cạnh tranh, trực giác hoặc tò mò thay vì đơn thuần dựa vào IQ cá nhân.

Lấy ví dụ về Albert Einstein, người thường được ca ngợi là một thiên tài. Ông chưa bao giờ tham gia bài kiểm tra IQ, nhưng mọi người liên tục đưa ra phỏng đoán về IQ của ông.

Tuy nhiên, chính Einstein thường cho rằng sự tò mò và trực giác là những động lực chính dẫn đến thành công trong khoa học. Tất nhiên, đây không phải là những phẩm chất được đo lường bằng bài kiểm tra IQ.

Theo Conversation, định hướng giáo dục của một ngôi trường không nên chỉ tập trung vào việc giáo dục những trẻ em đạt điểm tối thiểu trong bài kiểm tra trí tuệ.

Thay vào đó, các trường cần thừa nhận rằng kết quả giáo dục không chỉ phụ thuộc vào khả năng bẩm sinh mà còn bị ảnh hưởng bởi tất cả những trải nghiệm trước đó, có tác động đến năng lực cảm xúc, động lực, trí tò mò, óc quan sát và tư duy trực quan.

Ngọc Bích

Nguồn Znews: https://znews.vn/phu-huynh-dung-qua-tin-vao-ket-qua-bai-kiem-tra-iq-post1462880.html