Phụ huynh học sinh bị lừa chuyển tiền với chiêu thức 'Con cấp cứu tại bệnh viện': Nhận diện những chiêu trò của kẻ gian
Với chiêu trò thông báo 'Con của anh/chị bị chấn thương sọ não, đang cấp cứu, cần chuyển tiền để mổ gấp', các đối tượng đã lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của nhiều phụ huynh để yêu cầu chuyển khoản với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng.
Đánh vào tâm lý nhẹ dạ, cả tin của nhiều phụ huynh
Trước đó, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) đã phát đi thông tin cảnh báo về việc mạo danh đơn vị lừa đảo phụ huynh trên địa bàn thành phố.
Cụ thể, vào ngày 3/3, 3 phụ huynh của Trường Quốc tế Việt Úc TP.HCM đã đến Bệnh viện Chợ Rẫy tìm con do 3 người lạ thông báo con họ nhập viện cấp cứu. Trong đó, 2 phụ huynh đã chuyển 70 triệu đồng vào số tài khoản người lạ cung cấp.
Tương tự, chị M.T. có con đang học tại Trường Tiểu học Nguyễn Hiền (TP Thủ Đức) nhận được cuộc gọi của một phụ nữ tự xưng là nhân viên y tế nhà trường cho hay, trong lúc chơi đùa với bạn, con của phụ huynh này bị té và đang cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng nguy kịch.
Trong lúc trò chuyện, người phụ nữ đó đã chuyển điện thoại cho một người khác. Người này tự xưng là bác sĩ khoa cấp cứu của bệnh viện. Sau đó, kẻ này thông tin, cháu đang bị chấn thương sọ não, mất máu nhiều… cần phẫu thuật gấp. Nếu phụ huynh gần bệnh viện thì đến ngay, còn không thì chuyển khoản để làm thủ tục nhập viện, phẫu thuật.
Do xót con, chị M.T. đã chuyển ngay 40 triệu đồng theo yêu cầu vào số tài khoản được hướng dẫn. Ngay sau đó, vị phụ huynh này đã liên hệ với giáo viên chủ nhiệm để hỏi thăm thêm tình hình. Giáo viên chủ nhiệm cho biết con chị vẫn đang sinh hoạt bình thường. Khi chị M.T. gọi lại cho số điện thoại đã liên hệ cho mình trước đó thì máy đã bị khóa. Liên lạc với ngân hàng thì số tiền cũng đã được chuyển và rút rồi.
Tiếp đến, khoảng 10h ngày 6/3, Phòng bảo vệ Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp tục tiếp nhận thêm 2 trường hợp là phụ huynh của Trường học Quốc tế Canada (Quận 7) và Trường Quốc tế Á Châu (Quận 10) đến trình báo. Theo đó, các phụ huynh đều nhận được các cuộc điện thoại của đối tượng yêu cầu mỗi phụ huynh chuyển khoản 200 triệu đồng. Trong đó chị Đ.T.M.T. (42 tuổi) đã chuyển khoản 2 lần vào 2 số tài khoản lạ tên Nguyễn Duy Thái và Thạch Vũ Hà tổng cộng 200 triệu đồng.
Trong khi đó, anh N.Đ.N. (44 tuổi), phụ huynh có con học Trường học Quốc tế Canada cũng được đối tượng yêu cầu chuyển khoản nhưng anh N. đã không chuyển số tiền này mà trực tiếp đến Bệnh viện Chợ Rẫy xác thực lại thông tin.
Cần điều tra làm rõ, xử lý nghiêm minh
Nhìn nhận vụ việc dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Gia đình và Xã hội, luật sư Hà Thị Khuyên (Đoàn luật sư TP Hà Nội) bày tỏ quan điểm: Hiện nay tội phạm lợi dụng mạng máy tính, viễn thông thực hiện các hành vi phạm tội tương đối nhiều, đặc biệt là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Việc các phụ huynh nhận được điện thoại từ người lạ báo tin con cấp cứu tại bệnh viện, cần chuyển khoản tiền để mổ gấp, được xem là thủ đoạn mới mà các đối tượng sử dụng nhằm thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của các nạn nhân.
Khi gặp tình trạng tương tự, người dân nên trình báo để cơ quan công an điều tra, làm rõ, qua đó tuyên truyền, cảnh báo tới mọi người tránh bị "sập bẫy".
Theo quy định của pháp luật, hành vi đưa ra thông tin gian dối để các nạn nhân tin tưởng và giao tài sản như trong các sự việc nêu trên có dấu hiệu cấu thành tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015. Cơ quan công an cần vào cuộc điều tra, xử lý vụ việc nhanh chóng nhằm trấn an dư luận.
Để hạn chế những vụ việc tương tự có thể xảy ra, cơ quan quản lý về giáo dục cần chỉ đạo các trường rà soát, chấn chỉnh công tác liên lạc, đảm bảo an toàn thông tin cho học sinh và giáo viên. Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn đến cha mẹ học sinh, học sinh, giáo viên thận trọng trong việc tiếp nhận thông tin, chủ động rà soát tránh trường hợp thông tin sai sự thật. Ngoài ra, mỗi cá nhân cần bảo mật thông tin cá nhân, khi nhận được yêu cầu vay, chuyển tiền từ người khác qua mạng xã hội cần phải gọi điện trực tiếp để xác minh lại, tránh tình trạng tiền mất, tật mang.
Đồng quan điểm, chuyên gia pháp lý Nguyễn Gia Hải cho rằng, việc dùng chiêu trò học sinh cấp cứu để lừa tiền phụ huynh là hành vi mất nhân tính, có dấu hiệu của tội phạm chuyên nghiệp, cơ quan chức năng cần làm rõ để xử lý nghiêm minh. Có thể nói, các đối tượng đã nghiên cứu, bàn bạc kĩ lưỡng trước khi thực hiện hành vi phạm tội, đánh trúng tâm lý hoang mang, lo sợ của nhiều phụ huynh khi nhắc tới vấn đề con cái, qua đó thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản một cách dễ dàng.