Phụ huynh lo con nghĩ lệch lạc vì clip 'cầu vía học giỏi'
Clip 'xin vía học giỏi' của Thơ Nguyễn khiến không ít phụ huynh lo trẻ bị tiêm nhiễm suy nghĩ sai lệch khi tiếp xúc với nội dung độc hại trên mạng xã hội.
“Bản thân tôi là mẹ của 2 đứa trẻ và tự thấy có trách nhiệm phải góp một tay làm sạch không gian cho trẻ, dù nó sẽ khó khăn và động chạm. Xóa bớt được cái xấu nào tốt cái đó”, chị Thu Thảo (Vĩnh Phúc) đăng lên trang cá nhân sau clip “xin vía học giỏi” của Thơ Nguyễn.
Chia sẻ với Zing, chị Thảo cho biết trước đây, chị chỉ ngăn con xem kênh của nhà sáng tạo nội dung này. Tuy nhiên, sau clip kumanthong, chị quyết định phải làm quyết liệt hơn và mong muốn những phụ huynh khác cũng góp sức để đảm bảo an toàn cho trẻ trên mạng.
Nội dung độc hại, ảnh hưởng tâm lý trẻ
Chị Thu Thảo đánh giá Thơ Nguyễn là kênh nguy hại. Vì thế, chị không cho con tiếp xúc. Dù vậy, chị có thể ngăn con mình nhưng không ngăn được con nhà người khác. Có lần, chị đưa con đến nhà họ hàng chơi. Người lớn nói chuyện với nhau, trẻ con cùng xem YouTube. Về nhà, nghe hai con nói chuyện về “chị Thơ”, chị biết con có xem và khá lo lắng.
“Lúc đó, tôi chỉ nghĩ họ làm mấy trò nhố nhăng để thu hút người xem. Nhưng sau clip ‘xin vía học giỏi’ vừa rồi, tôi thấy clip của người này có hại, tuyên truyền vớ vẩn, ảnh hưởng đến tâm lý, cách suy nghĩ của trẻ con”, chị Thảo chia sẻ lý do chị hy vọng các phụ huynh khác làm triệt để, không cho những clip như vậy xuất hiện trên mạng xã hội.
Tương tự chị Thu Thảo, nhiều người không thích kênh Thơ Nguyễn nhưng không làm gì vì nghĩ con không xem, nội dung trên kênh không ảnh hưởng đến con. Song họ đã chung tay báo cáo kênh sau clip Thơ Nguyễn đăng trên Tik Tok.
Họ cũng không chấp nhận lời giải thích từ Thơ Nguyễn và ekip. Chị Bích Hạnh (Đồng Nai) cho rằng dù clip có mang tính mỉa mai, clip sau có giải thích việc “xin vía” có tác dụng hay không, ảnh hưởng của nó tới trẻ con vẫn rất xấu.
Theo nữ phụ huynh, trẻ con, nhất là trẻ nhỏ, chưa nhận thức đầy đủ. Việc đưa kumanthong vào clip cùng hành động “xin vía học giỏi” của Thơ Nguyễn, dù vô tình đi chăng nữa, đã tiêm nhiễm vào đầu trẻ suy nghĩ lệch lạc.
Cùng quan điểm, chị Kim Ngân (TP.HCM) phản đối nội dung của clip “xin vía học giỏi” dù Thơ Nguyễn có clip sau để khẳng định việc này không đúng.
Theo chị, một số trẻ em có thể hiểu đúng nhưng cũng có những em khác không hiểu hết, lầm tưởng kumanthong có thể giúp các em học giỏi mà không cần cố gắng.
Ngoài ra, nhiều trẻ chỉ xem lướt qua hoặc chỉ xem clip đầu. Việc tách clip làm hai phần, phần sau mang tính đính chính không mang lại tác dụng gì, đặc biệt với trẻ em.
“Làm nội dung cho trẻ em đòi hỏi sự cẩn thận, nghiêm túc và có tâm, không thể làm sai, người khác phản ứng lại lên giải thích kiểu do mọi người hiểu nhầm”, nữ phụ huynh nhấn mạnh.
Bảo vệ con trên mạng rất khó
Kênh Thơ Nguyễn cùng clip “xin vía học giỏi” khiến nhiều phụ huynh lo lắng về sự an toàn của con trên Internet. Chị Thu Thảo chia sẻ bảo vệ con trong thời đại mà công nghệ phổ biến, trẻ tiếp xúc mạng sớm mà nội dung trên mạng tràn lan rất khó. Chị cố gắng hết sức nhưng tự cảm thấy mình chỉ bảo vệ con được phần nào.
Chị Thảo không cấm con xem YouTube vì cho rằng nhiều nội dung bổ ích cho trẻ nhưng các kênh dạy tiếng Anh. Con còn bé, chưa nhận thức được nhiều. Do đó, chị Thảo giới hạn bằng cách cho con xem YouTube Kids, chặn trước những kênh chị không muốn xuất hiện trên danh sách xem của con.
Ngoài ra, nữ phụ huynh tải các video mình cảm thấy thú vị, có ích, lưu vào USB và trình chiếu trên TV cho con xem. Chị cũng thường xuyên kiểm tra phần lịch sử để xem con có tiếp xúc với kênh thông tin, nội dung độc hại ha không.
Trong khi đó, chị Kim Hoa (Hà Nội) cho rằng mạng xã hội có cả nội dung tốt và xấu. Phụ huynh không thể cứng nhắc cấm đoán. Quan trọng, họ cần hướng dẫn con cách sử dụng, khai thác tốt để nhận lại điều tích cực.
“Nếu trẻ dùng không tốt, mạng xã hội như con dao hai lưỡi, hủy hoại tương lai của đứa trẻ bởi đây là giai đoạn định hình tính cách, trẻ lại rất dễ bị thu hút bởi các kênh mạng xã hội”, chị Hoa nêu quan điểm.
Vì thế, để bảo vệ con, chị có iPad riêng, chỉ cài các app ứng dụng học, đọc sách, nghe nhạc cho con. Chị tiếp nhận những thông tin từ những trang chính thống, được kiểm duyệt, những trang uy tín được khuyên dùng cho trẻ.
Chị cho con sử dụng YouTube Kids, quy định thời gian sử dụng, không gian sử dụng (xem ở phòng khách, kết nối loa Bluetooth để cả nhà cùng nghe), tạo danh sách phát để giới hạn nội dung.
Ngoài ra, chị Kim Hoa “mồi” cho con những nội dung tích cực, chọn kênh lành mạnh để từ đó, nếu YouTube tự động đề xuất sẽ gợi ý các nội dung theo hướng đã chọn.
Tuy nhiên, nữ phụ huynh thừa nhận vẫn không thể tránh khỏi những “hạt sạn”. Đợt dịch trước, cả nhà chị ngồi xem Doraemon trên YouTube qua TV. Giữa chừng, quảng cáo thuốc sinh lý xuất hiện khiến người lớn giật mình, phải tắt ngay.
“Sau lần đó, tôi nói chuyện với con là có việc tốt có việc xấu, trên mạng thì có những nội dung không phù hợp với trẻ em, nếu xem sẽ bị ám ảnh, mất ngủ hoặc làm theo. Đứa con lớn của tôi 9 tuổi, đã hiểu được nên hỗ trợ nhắc em. Các con tuân thủ theo”, chị Hoa chia sẻ.
Chị cũng nhắc con nếu có vấn đề gì, con nên nói chuyện với bố mẹ để được giải thích.
Chị Kim Hoa cho rằng để bảo vệ con trên mạng xã hội, phụ huynh cần trò chuyện, tâm sự, giải thích và dạy con phân biệt nội dung tốt - xấu, định hướng cho con tiếp cận luồng thông tin chính thống, uy tín, có tính giáo dục.
“Thay vì cố gắng tạo môi trường vô trùng, trong sạch, hoàn mỹ cho con, chúng ta cũng nên chấp nhận thực tế xã hội. Làm sao bố mẹ có thể lúc nào cũng kè kè đâu? Chúng ta cần để con chủ động biết để phòng tránh, hoặc trót lỡ mà biết đường thoát ra, tạo bản lĩnh cho mình mới là cái chúng ta hướng tới dạy con”, chị Kim Hoa nêu quan điểm.
Nếu đã cho con xem hoặc tiếp xúc nội dung tiêu cực, nhảm nhí, cha mẹ hoàn toàn có thể sửa sai và bắt đầu lại dù việc này không dễ.