Phụ huynh 'méo mặt' với các khoản thu tại một trường tiểu học ở Đắk Lắk
Không chỉ nhiều khoản thu 'kỳ lạ', Trường Tiểu học Phan Đình Phùng, huyện Krông Pắc, Đắk Lắk còn bị phụ huynh 'tố' mập mờ các khoản thu.
Phản ánh đến Báo GD&TĐ, nhiều phụ huynh của Trường Tiểu học Phan Đình Phùng (xã Ea Kly, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk) bức xúc trước nhiều khoản thu đầu năm học 2023-2024 của trường này rất mập mờ, thiếu minh bạch. Thậm chí, có nhiều khoản thu hết sức "kỳ lạ".
Chị T., có con học lớp 3 liệt kê các khoản đã nộp: Quỹ hội phụ huynh 170 nghìn đồng, quỹ lớp 100 nghìn đồng, bảo vệ 70 nghìn đồng, tiền vệ sinh 100 nghìn đồng, hao mòn bán trú 100 nghìn đồng, tiền bảo mẫu 150 nghìn đồng, thuê nấu ăn 30 nghìn đồng, đồng phục 360 nghìn đồng, BHYT 623 nghìn đồng, bảo hiểm thân thể 80 nghìn đồng, heo đất 27 nghìn đồng, tu sửa hao mòn cơ sở vật chất 150 nghìn đồng, tiền khuyến học 100 nghìn đồng, quỹ đội 10 nghìn đồng, xe đạp 90 nghìn đồng (nếu học sinh đi xe), nước uống 27 nghìn đồng.
"Gia đình tôi được 3 sào ruộng với ít đất sản xuất thời vụ nên quanh năm khó khăn. Để đóng học đầu năm cho 2 con, vợ chồng tôi phải chạy vạy khắp nơi mới đủ tiền nộp cho Nhà trường. Trong lớp con tôi, nhiều gia đình cũng khó khăn lắm", chị T. bùi ngùi kể.
Trong khi đó, làm việc với PV Báo GD&TĐ, ông Trương Xuân Hòa, Hiệu trưởng Nhà trường lại đưa ra một bảng thu (gửi UBND xã Ea Kly - PV) chỉ có 7 khoản. Trong đó, kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh không ghi số tiền cụ thể.
Trước câu hỏi, vì sao nhiều khoản thu thực tế phụ huynh đã nộp cho nhà trường thông qua các lớp, nhưng không đưa vào bảng báo cáo UBND xã. Ông Hòa nói: "Nhà trường chỉ thu một số khoản theo quy định còn lại do hội phụ huynh và các lớp tự làm với nhau".
Lý giải thêm về khoản tiền thuê nấu ăn tăng thêm 30 nghìn đồng/1 em/1 tháng (so với năm học 2022-2023), ông Hòa cho rằng phải điều chỉnh giá phù hợp với hiện tại, và đã lấy ý kiến phụ huynh.
Về quỹ khuyến học và một số khoản tự nguyện khác ông Hòa giải thích, đây là những khoản thu tự nguyện, ai có nhiều đóng nhiều, ai có ít đóng ít, thậm chí không đóng thì thôi chứ không bắt buộc.
Thế nhưng, các phụ huynh đã cung cấp bằng chứng, khoản này tự nguyện nhưng "buộc" mọi phụ huynh phải đóng tối thiểu là 170 nghìn đồng/1 học sinh.
"Cô giáo phát cho phụ huynh một danh sách ghi, tự nguyện tham gia quỹ ban đại diện cha mẹ học sinh, nhưng mức đóng tối thiểu là 170 nghìn. Ai cũng phải đóng", 1 phụ huynh lớp 2 khẳng định.
Điều đáng nói, với khoản thu khấu hao cơ sở vật chất bán trú, vị Hiệu trưởng này lại trả lời: "Do có nhiều thứ học sinh dùng bị hư hỏng rất nhiều nên phải thay".
Nhiều phụ huynh rất thắc mắc về khoản tiền trông trưa, tiền thuê nấu ăn, tiền khấu hao cơ sở vật chất.
Năm học trước khoản này là 150 nghìn đồng đã có nấu ăn, nhưng năm nay trường tách ra thành 2 khoản thu và thêm 30 nghìn đồng.
Ngoài ra còn có khoản tiền khấu hao cơ sở vật chất. Theo tìm hiểu lúc các cháu vào lớp 1 phải đóng 200 nghìn đồng. Và khi các cháu lên lớp 2 tiếp tục phải đóng khấu hao cơ sở vật chất 100 nghìn đồng.
"Dân ở đây đa phần sống bằng nghề làm ruộng, thu nhập thấp. Khi con đi học, nhiều gia đình phải chắt chiu từng hạt lúa, hạt bắp để gom góp đóng tiền học cho con. Nhiều khoản thu vô lý dưới danh nghĩa "tự nguyện" khiến phụ huynh chúng tôi dở khóc, dở cười. Không đóng thì lo lắng con bị kỳ thị, bị chèn ép", 1 phụ huynh băn khoăn.
Nói về các khoản thu của trường này, một số cán bộ, giáo viên (giấu tên) đang công tác tại ngành GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk khẳng định, nhiều khoản thu "mập mờ" và rất "lạ" so với quy định của Sở GD&ĐT hướng dẫn.