Phụ huynh Nga kể chuyện trường mầm non ở Thổ Nhĩ Kỳ
Chị Olga Sipakhi - Tomskikh, một phụ huynh Nga chia sẻ về những trải nghiệm thú vị khi có con theo học mẫu giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Học phí chênh lệch
Thổ Nhĩ Kỳ có cả trường mẫu giáo công và tư. Trường mẫu giáo công nhận học sinh từ 3 tuổi, còn trường tư - từ 2 tuổi. Để vào trường mẫu giáo công, chỉ cần nộp đơn cho chính quyền quận nơi cư trú kèm theo giấy chứng nhận sức khỏe và thông tin về tiêm chủng - bạn sẽ được chọn trường còn chỗ trống. Ở đây, các bậc phụ huynh cũng phải xếp hàng, nhưng thường không quá lâu. Tốt nhất là nộp đơn từ tháng 6 thì đến tháng 9 mới có cơ hội vào học. Học phí trường mẫu giáo công lập vào khoảng 100 lira/tháng.
Về trường mẫu giáo tư, học phí rất khác nhau, nhưng trung bình từ 2 nghìn lira Thổ Nhĩ Kỳ/tháng trở lên. Ngoài ra, còn có thêm một khoản phí dịch vụ cho việc đưa đón trẻ từ nhà đến trường và ngược lại. Ở đây, các bậc phụ huynh còn phải trả tiền mua văn phòng phẩm, tham quan, dã ngoại.
Trường mẫu giáo tư ở Thổ Nhĩ Kỳ được gọi là kreş. Bạn cũng có thể tìm thấy các trường mẫu giáo tổ chức theo phương pháp của bác sĩ Montessori (dựa vào việc học qua cảm giác) và nhà giáo dục Reggio (dựa trên nguyên tắc thường xuyên đối thoại và tương tác giữa trẻ em và người lớn), nhưng học phí rất cao.
Thổ Nhĩ Kỳ không có nhà giữ trẻ, nhưng nếu mẹ làm giáo viên ở trường mẫu giáo tư thì có thể xin cho con vào lớp (ít nhất phải 1,5 tuổi). Trong trường hợp này, người mẹ phải tự mình chăm sóc con, kết hợp với công việc chung. Lên 5 tuổi, trẻ vào học lớp dự bị phổ thông, gọi là anaokulu, và 7 tuổi, vào học trường phổ thông.
Chế độ làm việc của các trường mẫu giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ rất chuẩn. Trường công làm việc từ 9 đến 16 giờ, chia thành 2 ca: Từ 9 giờ đến bữa trưa và từ bữa trưa đến 16 giờ. Trường tư làm từ 9 đến 18 giờ.
Không ngủ trưa và không có nhân viên y tế
Ở các trường mẫu giáo Thổ Nhĩ Kỳ, trẻ em không ngủ trưa, thậm chí ở đây không có phòng ngủ và giường. Nếu muốn con mình ngủ trưa ở trường mẫu giáo, bạn phải tìm một trường tư nhân. Chế độ vệ sinh phụ thuộc vào ban giám hiệu và cô bảo mẫu. Có trường tuân thủ nghiêm ngặt việc đi giày và rửa tay cho trẻ trước khi ăn (chủ yếu là các trường tư); có trường nhắm mắt làm ngơ trước việc rửa tay cho trẻ và có thể cho tất cả trẻ em uống siro bằng một chiếc thìa.
Ở trường không ai dạy trẻ ngồi bô, nhưng có một cô bảo mẫu chuyên thay quần áo và rửa mông cho trẻ. Mỗi trẻ có lược chải tóc và khăn mặt riêng do cha mẹ mang từ nhà đến.
Ngoài ra, các trường không có nhân viên y tế, trừ khi xảy ra đại dịch. Ở đây, chẳng ai để ý tới những trẻ em ho và sổ mũi, vốn được coi là một hiện tượng thông thường. Tuy nhiên, mỗi trường mẫu giáo có một túi thuốc cấp cứu, nếu trẻ sốt, người ta cho uống thuốc hạ sốt và nằm nghỉ, nếu bị thương - sẽ gọi xe cấp cứu và cha mẹ đến.
Không có thực đơn cho trẻ
Các trường mẫu giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ không có thực đơn riêng và khẩu phần dành cho trẻ, như ở một số quốc gia khác. Ở các trường mẫu giáo công, trẻ được ăn hai lần/ngày - bữa sáng và bữa trưa, còn ở các trường tư là ba lần. Điều này phụ thuộc vào lịch trình của trường. Ngay cả thức ăn nhanh, chẳng hạn như ở Mỹ, ở đây cũng không có. Trẻ em mẫu giáo ăn ở trường giống như ở nhà. Bữa sáng có dưa chuột, cà chua, bánh mì, trái ô liu và pho mát, đôi khi có thể có trứng, bơ và mứt. Trong những trường mẫu giáo dành cho trẻ em Nga, có thể tìm thấy cháo. Bữa trưa luôn có súp và món thứ hai (món chính) khá đa dạng, có thể có đậu với cơm, thịt viên đậu nành, bắp cải hầm, rau bina kèm trứng, xúc xích.
Không tổ chức sinh nhật
Ở trường mẫu giáo, các em vẽ, nặn tượng, ngoài ra còn xem phim hoạt hình. Ngoài ra, các em còn học bảng chữ cái, tập đếm, tìm hiểu các ký hiệu hình học và thế giới xung quanh, nhưng tất cả đều dưới hình thức nhẹ nhàng. Ở trường mẫu giáo tư, trẻ có thể học tiếng Anh, tiếng Nga, học vẽ, khiêu vũ, hát hợp xướng và phụ huynh đóng phí. Ở trường công, trẻ chỉ học tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, không học thêm gì.
Người Thổ Nhĩ Kỳ đặc biệt yêu thích các lễ hội nhưng không tổ chức sinh nhật cho trẻ. Họ thường xuyên kỷ niệm “Ngày tuổi thơ” (23 tháng 4). Vào ngày này, thông thường, trẻ em mặc trang phục màu đỏ và trắng (màu cờ Thổ Nhĩ Kỳ), đọc thơ, hát quốc ca. Họ cũng tổ chức ngày giỗ cựu Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Mustafa Kemal Atatürk (1881 - 1938) bằng một phút mặc niệm, kỷ niệm ngày lễ tôn giáo Bayram. Vào tháng Năm, người Thổ kỷ niệm “Ngày của Mẹ”. Kết thúc năm học, nhà trường luôn luôn tổ chức biểu diễn âm nhạc. Cha mẹ có thể tham gia vào việc chuẩn bị, nhưng chỉ khi được yêu cầu. Thông thường, các cô bảo mẫu tự làm mọi thứ, còn phụ huynh chỉ là khách mời danh dự.
Đặc biệt, các trường mẫu giáo Thổ Nhĩ Kỳ thường tổ chức các buổi dã ngoại bắt buộc, nếu muốn, cha mẹ có thể cùng tham gia với các con và mang theo đồ ăn từ nhà. Khuôn viên các trường mẫu giáo thường không rộng lắm, nhưng cũng có xích đu, cầu trượt... Một số trường có vườn để trồng cây, nhưng không nhiều. Nói chung, tất cả phụ thuộc vào từng trường cụ thể và những người làm việc ở đó, không trường nào giống trường nào.
Theo mel.fm