Phụ huynh tại Anh chật vật để con có Internet
Sự phân chia kỹ thuật số là một vấn đề mang tính toàn cầu. Kể cả ở những nước giàu có, nhiều gia đình vẫn phải chật vật để đảm bảo con mình có thể học online.
Michelle, 31 tuổi đến từ Scotland, cho biết gia đình cô đã “vật lộn” với số hóa đơn tiền mạng để con cô có thể học từ xa. Họ không có nơi ở cố định và Michelle hỗ trợ tài chính cho cả nhà bằng nghề tạp vụ. Nhiều hộ gia đình ở Anh Quốc cũng đồng cảnh ngộ với Michelle. Họ đã phải cắt giảm chi tiêu thức ăn hàng tháng để duy trì kết nối mạng.
Theo Helen Milner, CEO của tổ chức từ thiện Good Things Foundation, một đất nước giàu có và phát triển không nên tồn tại sự bất bình đẳng như vậy. Sau khi dịch COVID-19 bùng nổ, những khía cạnh bất công ở Anh Quốc dần được đưa ra ánh sáng. Việc kết nối Internet nắm giữ vai trò quan trọng trong đời sống cũng như công việc, học tập đã khiến một phần nhỏ dân số bị “bỏ lại” phía sau.
Nhà viễn thông Ofcom cho biết 2% các hộ gia đình có trẻ nhỏ ở Anh không được kết nối với Internet. Hơn nữa, vì sức ép của đại dịch COVID-19 mà hơn 4,7 triệu gia đình phải chật vật với các hóa đơn tiền mạng và dữ liệu di động. Khi xét về băng thông rộng, Anh Quốc cũng đi sau nhiều nước khác, cả về tốc độ mạng lẫn số cáp quang có sẵn. Theo Ofcom, mỗi 5 hộ ở Anh thì chỉ duy nhất một hộ có kết nối đầy đủ với mạng cáp quang.
Dù vậy, Bộ Giáo dục nước Anh đã đưa ra một vài biện pháp để cố gắng cải thiện vấn đề trên. Hầu hết nhà mạng đều đáp ứng yêu cầu tăng dữ liệu di động cho trẻ nhỏ, đối với ai không có sẵn kết nối mạng tại gia. Ngoài ra, họ cũng cung cấp hàng loạt website miễn phí phục vụ mục đích học tập.
Tuy nhiên, các biện pháp trên vẫn chưa thật sự hiệu quả khi nhiều giáo viên phản ánh tốc độ và dữ liệu được cung cấp có hạn. Vào tháng một, tờ báo BBC cho biết một trường học ở phía Bắc nước Anh đã phát hiện mã độc trong các thiết bị chính phủ trao tặng cho học sinh. Cuộc khảo sát của tổ chức từ thiện the Social Mobility Foundation vào tháng trước cũng chỉ ra rằng 345 trong tổng số 863 trẻ vị thành niên không có kết nối mạng cần thiết để học online.
Mặc dù học sinh đã được trở lại học tại trường vào tuần trước, sự phân hóa giàu nghèo sẽ luôn là áp lực đối với các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Tuy vậy, Michelle cho biết cô cảm thấy an tâm khi con mình vẫn luôn vui vẻ, yêu thích việc học và không cảm thấy bị bỏ lại so với các bạn đồng trang lứa.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/phu-huynh-tai-anh-chat-vat-de-con-co-internet-post1189763.html