Phụ huynh Việt ở Mỹ mong con sớm được tiêm vaccine
Trong bối cảnh biến chủng Delta gây ra những lo ngại về việc mở cửa trường học ở Mỹ, nhiều phụ huynh Việt ủng hộ tiêm vaccine cho trẻ em và cho rằng lợi ích còn lớn hơn rủi ro.
“Tiêm vaccine không phải lựa chọn tốt nhất nhưng tốt hơn mắc Covid-19”, Nhi Nguyễn - sinh sống ở bang New Jersey - chia sẻ với Zing về quyết định tiêm 2 mũi vaccine cho con trai 15 tuổi từ tháng 5.
Ở Mỹ, học sinh từ 12 tuổi trở lên thuộc đối tượng nên tiêm vaccine. Trong tuần này, nỗ lực nhằm phê duyệt vaccine Covid-19 đầu tiên cho trẻ em 5-11 tuổi cũng chuyển sang giai đoạn cao điểm khi Pfizer/BioNTech đệ đơn chính thức lên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA).
Tuy vậy, không phải phụ huynh nào cũng sẵn sàng cho con đi tiêm. Reuters dẫn dữ liệu thăm dò của Kaiser Family Foundation công bố vào tháng 8 cho thấy khoảng 4/10 cha mẹ có con 5-11 tuổi cho biết họ sẽ "chờ xem" vaccine hoạt động như thế nào. 1/4 nói rằng "chắc chắn sẽ không" tiêm chủng cho con mình.
Trong khi đó, những người Việt tại Mỹ trả lời Zing cho rằng tiêm vaccine Covid-19 không chỉ bảo vệ con, mà còn chính là cách để suy nghĩ cho những người xung quanh. Một gia đình chờ từng ngày để con đủ tuổi tiêm vaccine, nhưng không ngờ sinh nhật thứ 16 tuổi của con chưa đến, giới chức Mỹ lại cho phép tiêm cho trẻ em trên 12 tuổi.
“Tôi không muốn biến con mình thành tác nhân lây cho cô giáo hay lây cho bạn khác. Tôi cân nhắc giữa lợi ích của cá nhân và lợi ích của cộng đồng dù ban đầu cũng có lo lắng”, chị Nhi nói thêm.
Đồng quan điểm, chị Oanh Trần - sinh sống và làm việc tại Texas, có hai con học lớp 4 và lớp 2 - cũng khẳng định nếu “thương con, phải bỏ quan điểm cá nhân, tiêm vaccine không chỉ bảo vệ con mà còn là bảo vệ cộng đồng”.
Thay đổi thái độ
“Chồng và con tôi muốn tiêm. Ban đầu tôi phản đối”, chị Nhi Nguyễn chia sẻ. “Lúc đó tôi nghĩ rằng nguy cơ mắc Covid-19 nặng ở trẻ con với thanh thiếu niên rất thấp, tại sao lại cần tiêm loại vaccine mới và chưa biết hết được thông tin về nó”.
Có suy nghĩ tương tự, chị Oanh Trần “hồi xưa nghĩ Covid-19 chỉ tập trung và nguy hiểm với người lớn tuổi, có bệnh nền”. Chị cũng tỏ ra do dự về việc tiêm vaccine cho con nhỏ vì thiếu các nghiên cứu quy mô lớn và dữ liệu dài hạn về ảnh hưởng của vaccine với trẻ em.
“Tôi không chống vaccine, tôi vẫn tiêm chủng cho con đầy đủ các loại vaccine phòng bệnh khác nhưng lo ngại vaccine Covid-19 còn quá mới”, chị Oanh cho biết thêm.
Tuy nhiên, sau khi biến chủng Delta xuất hiện và gây ra làn sóng dịch mới tại Mỹ, suy nghĩ của nhiều bậc phụ huynh như chị Nhi và chị Oanh đều thay đổi.
Sean O'Leary, Phó chủ tịch Ủy ban các bệnh truyền nhiễm của Học viện Nhi Mỹ, cho biết mặc dù có nguy cơ thấp, hơn 500 trẻ đã tử vong do Covid-19 khiến đại dịch trở thành một trong số 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ.
Thống kê của Học viện nhi Mỹ gần đây cũng cho biết gần 5,9 triệu trẻ em dưới 18 tuổi ở nước này đã mắc Covid-19.
Và mặc dù nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng dẫn đến tử vong rất thấp, nhiều trẻ em phải đối mặt với các hội chứng Covid-19 kéo dài, ảnh hưởng đến học tập và sinh hoạt sau này.
Lợi ích lớn hơn rủi ro
Trong bối cảnh đó, chị Oanh cho biết chị đã có cái nhìn khác về việc tiêm chủng.
“Giờ đây tôi hiểu rằng vaccine rất cần thiết cho trẻ em vì trẻ em cũng sẽ mắc và có triệu chứng như người lớn, dẫu có thể nhẹ hơn nhưng không ai đoán được điều gì", chị Oanh nói. “Vaccine sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn là rủi ro”.
Đồng quan điểm, anh Nguyễn Thái - kỹ sư xây dựng ở Indian Shores, bang Florida - nhận định nguy cơ từ tác dụng phụ vaccine còn thấp hơn nhiều so với mắc bệnh.
“Ở Mỹ có nhiều trẻ em mạnh khỏe vẫn tử vong vì Covid-19. Mặc dù tỷ lệ thấp, tôi không thể biết được con mình khi mắc sẽ gặp nguy hiểm ra sao", anh nói.
Vì vậy, anh Thái cho hay ngay từ khi có kế hoạch tiêm chủng, gia đình anh chờ mong được tiêm vaccine từng ngày để con có thể yên tâm đi học cũng như đi chơi. Cả nhà lúc ấy chỉ chờ đến ngày 20/6, khi con út tròn 16 tuổi, đủ tuổi tiêm theo khuyến cáo lúc bấy giờ, là đi tiêm ngay lập tức.
“May mắn vào cuối tháng 5, cơ quan quản lý giảm độ tuổi được phép tiêm xuống còn 12, thế là con tôi tiêm mũi đầu vào cuối tháng 5 và giữa tháng 6 tiêm mũi hai”, anh chia sẻ.
Trong khi đó, chị Nhi cho biết con trai đã thuyết phục bố mẹ để được tiêm vacicne. Cậu bé 15 tuổi lập luận rằng vaccine ngày càng phổ biến và trước sau gì khi đi máy bay, đi học cũng sẽ cần đến giấy chứng nhận tiêm chủng. Bên cạnh đó, vaccine giúp giảm nguy cơ nhập viện, cũng như tử vong nên rõ ràng tiêm sớm sẽ mang lại nhiều lợi ích.
Tương tự, chị Oanh cho biết chị từng chứng kiến gia đình bạn có con nhỏ 8 tuổi mắc Covid-19, vì vậy giờ đây chị chỉ chờ cơ quan quản lý Mỹ ra quyết định là sẽ đưa con đi tiêm chủng ngay lập tức.
“Các bé còn nhỏ nên sợ tiêm vaccine. Vì vậy trước khi tiêm, tôi sẽ chuẩn bị tư tưởng cho con”, chị nói.
Lá chắn bảo vệ khi trường học mở cửa
Nhiều trường học tại các bang của Mỹ đã mở lại từ tháng 8. Biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang hay giãn cách phụ thuộc từng bang quy định.
Tại trường học của con chị Nhi ở bang New Jersey, học sinh đi học bắt buộc phải đeo khẩu trang, kể cả khi lên xe buýt tới trường. Khi vào trường, học sinh xếp hàng ngoài sân và đo nhiệt độ. Sau khi làm xong quy trình này, mỗi học sinh sẽ đeo băng ở tay để đánh dấu đã được kiểm tra.
Ngoài ra, trường cũng quy định tất cả phải đi một chiều và theo vòng tròn, một cổng ra và một cổng vào.
“Vào lớp học cũng vậy, kể cả phải đi đường vòng. Từ phòng A có thể sang phòng B, nhưng không được phép đi ngược lại. Nghiêm ngặt lắm!”, chị Nhi nói. Trong lớp, học sinh cũng phải ngồi giãn cách. Trong giờ ăn trưa, trường học chuyển bàn ra ngoài sân rộng để giảm nguy cơ lây nhiễm.
Chị Nhi cũng ủng hộ chuyện đeo khẩu trang ở trường học: “Không chỉ có Covid-19, ở Mỹ vào tháng 9 cũng có dịch cúm, triệu chứng giống bệnh này nên chuyện đeo khẩu trang phần nào cũng ngăn bớt khả năng nhiễm virus khác”.
Từ khi con trở lại lớp, chị Nhi chưa thấy có ca mắc Covid-19 nào được báo cáo trong khuôn viên trường học. Chị cho biết hầu hết bạn học của con chị đều đã được tiêm vaccine Covid-19.
Tại bang Texas, tuy không có quy định bắt buộc, anh Thái cho rằng ngồi trong phòng kín vẫn nên đeo khẩu trang. Ngoài ra, vì con gái đã được tiêm vaccine đầy đủ, anh không lo lắng khi con đi học mắc Covid-19 mà lo cho những bạn chưa tiêm hơn.
Khác với gia đình anh Thái và chị Nhi, chị Oanh chưa yên tâm vì hai con chị đều còn nhỏ, chưa đủ tuổi tiêm theo khuyến cáo hiện nay.
“Mỗi ngày nhà trường đều gửi thông báo cho phụ huynh qua mail về ca mắc mới trong trường học", chị Oanh lo lắng nói.
Vì vậy, chị vẫn nhắc con mỗi khi đến lớp cần đeo khẩu trang cẩn thận, giữ khoảng cách để tự bảo vệ mình. Đối với chị Oanh, việc đến trường học trực tiếp sẽ hiệu quả hơn nhưng lại có nhiều rủi ro mắc bệnh.
"Mặc dù giáo viên thường nhắc nhở con nên giữ khoảng cách, khi chơi với nhau, trẻ nhỏ thường quên mất, cho nên tôi thấy tiêm vaccine là điều cần thiết", chị nói.
Khi đề cập đến việc có nên bắt buộc tiêm vaccine tại trường học ở Mỹ, anh Thái cho rằng dù anh muốn càng nhiều người tiêm càng tốt, do có nhiều thông tin sai lệch nên “chuyện ép buộc có thể càng gây ra phản ứng tiêu cực, bên Mỹ cứ để tự nguyện thì tốt hơn”.
Với chị Nhi, chị quan điểm nếu chính phủ cân nhắc, tìm được bằng chứng nghiên cứu rõ ràng và đưa vào luật, chị chắc chắn sẽ ủng hộ.
Chị Oanh nói rằng ba mẹ nào cũng lo lắng, và thậm chí thương con hơn cả bản thân mình. “Nếu thương con thì nên đặt lợi ích con lên hàng đầu. Đừng nghĩ theo hướng chủ quan là mình nghĩ đó là tốt, nhưng chưa chắc đó là tốt nhất cho con”, chị chia sẻ.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/phu-huynh-viet-o-my-mong-con-som-duoc-tiem-vaccine-post1270809.html