Phú Lê có 'thoát' nếu Đào Chile rút đơn?

Sau khi Phú Lê bị bắt về hành vi 'Cố ý gây thương tích', một số đàn em của 'giang hồ mạng' này đã lên Facebook kêu cứu cho đàn anh và xin gia đình của Đào 'Chile' rút đơn. Vậy trong trường hợp nạn nhân rút đơn, vụ án sẽ xử lý như thế nào?

Phòng Cảnh sát Hình sự (Công an TP Hà Nội) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Lê Văn Phú (SN 1980, quê quán Yên Bái, thường được biết dưới tên gọi Phú Lê) và Hoàng Văn Thụy (SN 1995, ở phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội) về hành vi "Cố ý gây thương tích".

Ngoài hai đối tượng trên, cơ quan chức năng cũng đang tập trung xác minh, triệu tập nhiều đàn em của Phú Lê biết hoặc tham gia kế hoạch hành hung mẹ con chị Trần Thị Đào (hay còn gọi Đào Chile, 30 tuổi, quê xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội).

Ngày 3/8, Phú Lê sai một nhóm đàn em đến nhà chị Đào tại huyện Đan Phượng hành hung bà Nguyễn Thị Nga (69 tuổi, mẹ nạn nhân) và Nguyễn Thị Bé (67 tuổi, em gái bà Nga). Mặc dù hai người phụ nữ lớn tuổi van xin nhưng các đối tượng vẫn manh động, dùng tuýp sắt vụt liên tiếp lên người và vào chân nạn nhân. Thấy nhiều người dân hiếu kỳ kéo đến, nhóm đối tượng vội vã bỏ đi. Bà Nga và bà Bé sau đó được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện.

Sau khi Phú Lê bị khởi tố, bắt tạm giam, những ngày qua nhiều đàn em của "giang hồ mạng" này lên Facebook kêu cứu cho đàn anh và xin Đào "Chile" tha thứ, rút đơn. Đáp lại những lời kêu cứu ấy, Đào "Chile" lên mạng khẳng định là cũng có ý định rút đơn và bỏ qua Phú Lê.

Phú Lê tại cơ quan Công an (ảnh TL)

Phú Lê tại cơ quan Công an (ảnh TL)

Nếu trường hợp Đào "Chile" rút đơn thì sẽ được xử lý thế nào? Về vấn đề này, luật sư Vũ Anh Tuấn (Đoàn luật sư Hà Nội) khẳng định, ở góc độ luật sư, ông đồng tình với việc khởi tố của các cơ quan tiến hành tố tụng của Hà Nội.

Thời gian gần đây, tình trạng "giang hồ mạng" hàng ngày phát trực tiếp trên Facebook chửi bới, thách thức đánh nhau đã tạo ra những hệ lụy xấu. Do vậy, triệt phá "giang hồ mạng", xóa bỏ những hình tượng xấu trên mạng xã hội là việc làm cần thiết để đảm bảo an ninh, an toàn và đảm bảo sự hình thành phát triển nhân cách của thế hệ trẻ không bị tác động bởi những hiện tượng tiêu cực này, đảm bảo môi trường mạng văn minh, an toàn, lành mạnh và hướng thiện. Đây là một chủ trương đúng đắn để tạo ra một môi trường mạng trong sạch, có văn hóa, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực đến sự phát triển và hình thành nhân cách của giới trẻ.

Theo luật sư Tuấn, khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại là một chế định có từ rất lâu của luật tố tụng hình sự nước ta. Đây là một chế định cho phép đối với một số tội phạm (chủ yếu thuộc khoản 1 các tội xâm phạm về nhân thân và tội xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ), bị hại có quyền quyết định việc có khởi tố vụ án hình sự hay không thông qua yêu cầu khởi tố. Đồng thời nếu việc khởi tố, điều tra, truy tố đã diễn ra nhưng bị hại thấy không muốn xử lý người phạm tội nữa thì pháp luật cũng cho phép họ được quyền rút yêu cầu này và lúc này vụ án phải được đình chỉ.

Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp có đơn xin bãi nại của người bị hại thì không phải chịu trách nhiệm hình sự mà chỉ có một số tội danh được quy định tại Diều 155 (Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015).

Theo quy định, chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các Điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật Hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết;

Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.

Chị Đào và Phú Lê thời điểm còn thân thiết (ảnh TL)

Chị Đào và Phú Lê thời điểm còn thân thiết (ảnh TL)

Cũng theo luật sư Tuấn, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, chủ tọa phiên tòa có quyền ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 282 (BLTTHS 2015). Có nghĩa là, người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức.

Nếu trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm, người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại rút yêu cầu khởi tố vụ án thì vụ án được đình chỉ. Còn tại phiên tòa sơ thẩm người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại mới rút yêu cầu khởi tố thì Tòa án vẫn xét xử bình thường đối với bị cáo.

"Như vậy, đối với những vụ án rơi vào một trong các trường hợp trên, nếu không có yêu cầu khởi tố của người bị hại thì cơ quan có thẩm quyền khởi tố không được khởi tố. Trường hợp là người chưa thành niên hoặc là người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà không thể hiện được ý chí của mình thì khi muốn khởi tố phải có sự đồng ý của người đại diện.

Trong vụ án của Phú Lê, trường hợp các đối tượng bị khởi tố khoản 1 (Điều 134, BLHS 2015), nếu gia đình Đào "Chile" tự nguyện rút đơn thì những đối tượng liên quan sẽ được trả tự do và vụ án sẽ phải đình chỉ", luật sư Tuấn phân tích.

Bình Minh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/phap-luat/phu-le-co-thoat-neu-dao-chile-rut-don-20200813130234137.htm