Phủ Lý nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở

Hòa giải ở cơ sở có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Đây không chỉ là phương thức giải quyết tranh chấp có hiệu quả ngay từ địa bàn cơ sở mà còn là một phương thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thiết thực. Qua đó, góp phần giữ gìn đoàn kết trong nội bộ nhân dân; phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, góp phần nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật trong cộng đồng dân cư. Từ khi thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 đến nay, thành phố Phủ Lý đã đẩy mạnh triển khai các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở và thu được nhiều kết quả tích cực.

Trong bối cảnh kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân có nơi, có thời điểm gia tăng, diễn biến phức tạp, đòi hỏi công tác hòa giải ở cơ sở phải đổi mới hơn nữa về nội dung, hình thức để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Tại phường Hai Bà Trưng hiện có 13 tổ hòa giải với 63 hòa giải viên. Từ khi thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 đến nay, các tổ hòa giải trên địa bàn phường đã tiếp nhận 171 vụ việc (chủ yếu là tranh chấp về đất đai, dân sự, hôn nhân gia đình); đã hòa giải thành 93 vụ (chiếm tỷ lệ 63,7%); hòa giải không thành chuyển tòa 78 vụ. Công tác hòa giải ngày càng đạt kết quả tích cực, tỷ lệ hòa giải thành ngày càng tăng cao, qua đó góp phần giữ gìn tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư, kịp thời ngăn ngừa những hành vi vi phạm pháp luật, bảo đảm ổn định trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Bà Trần Thị Thu Phương, Phó Chủ tịch UBND phường Hai Bà Trưng cho biết: Thời gian qua, phường Hai Bà Trưng đã tập trung thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác hòa giải cơ sở. Theo đó, cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội luôn coi tăng cường phổ biến pháp luật về hòa giải ở cơ sở là nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân về vị trí, vai trò, ý nghĩa quan trọng của công tác hòa giải; đồng thời, nghiên cứu lựa chọn sử dụng nhiều biện pháp hòa giải phù hợp, hiệu quả để giải quyết những tranh chấp trong nội bộ nhân dân; phát huy quyền làm chủ của nhân dân tại cộng đồng; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Mặt khác, tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp với MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội gắn với củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên, nhằm tạo sức mạnh tổng hợp trong thực hiện hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở.

Các tập thể, cá nhân được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh về những thành tích xuất sắc trong hoạt động hòa giải ở cơ sở năm 2023. Ảnh: Khánh Chi

Xác định công tác hòa giải là nhiệm vụ trọng tâm nhằm giữ gìn đoàn kết trong nội bộ, củng cố, phát huy tình cảm, truyền thống tốt đẹp trong gia đình, cộng đồng dân cư, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, những năm qua, UBND thành phố Phủ Lý đã chỉ đạo Phòng Tư pháp, các ban, ngành, đoàn thể, UBND các phường, xã trên địa bàn tích cực, chủ động tham mưu phối hợp quán triệt, phổ biến, truyền thông về Luật Hòa giải ở cơ sở và văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đến những nhóm đối tượng liên quan. Hình thức quán triệt, phổ biến, truyền thông được vận dụng đa dạng, linh hoạt như: tổ chức hội nghị bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải, tổ chức hội thi hòa giải ở cơ sở; tuyên truyền phổ biến trên phương tiện thông tin đại chúng, trong các cuộc họp, sinh hoạt, trợ giúp pháp lý lưu động cho người dân...

Theo thống kê của cơ quan chức năng, qua 10 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở, UBND thành phố Phủ Lý đã tổ chức 12 hội nghị tuyên truyền Luật Hòa giải ở cơ sở và tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ hòa giải viên với tổng số trên 10 nghìn lượt người tham dự; cấp phát trên 10 nghìn bộ tài liệu nghiệp vụ công tác hòa giải và văn bản luật mới ban hành để phục vụ công tác hòa giải ở cơ sở; tổ chức tuyên truyền luật thông qua 2 hội thi hòa giải viên giỏi bằng hình thức sân khấu hóa… Bên cạnh đó, UBND các phường, xã tổ chức hơn 2 nghìn hội nghị phổ biến, giáo dục pháp luật cho gần 120 nghìn lượt đối tượng là cán bộ, công chức, người dân, trong đó lồng ghép triển khai Luật Hòa giải ở cơ sở và văn bản hướng dẫn thi hành. Thông qua tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Hòa giải ở cơ sở và văn bản hướng dẫn thi hành, chất lượng hoạt động hòa giải đã được nâng lên đáng kể. Tổ chức, nhân sự và hoạt động của các tổ hòa giải ở cơ sở đã có những chuyển biến tích cực, đi vào nền nếp và ngày càng nâng cao về chất lượng, hiệu quả.

Hiện nay, toàn thành phố Phủ Lý có 143 tổ hòa giải ở cơ sở với 923 hòa giải viên. Qua 10 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở, các tổ hòa giải trên địa bàn thành phố đã tiếp nhận 1.797 vụ việc hòa giải; trong đó, hòa giải thành 1.552 vụ (đạt tỷ lệ 86,3%), hòa giải không thành chuyển cơ quan chức năng 245 vụ (chiếm 14%). Riêng từ đầu năm 2023 đến nay, các tổ hòa giải phường, xã trên địa bàn thành phố đã tiếp nhận 85 vụ mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ, trong đó đã hòa giải thành 35 vụ, đang tiếp tục hòa giải 8 vụ việc; hòa giải không thành 39 vụ.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Trưởng phòng Tư pháp thành phố Phủ Lý cho biết: Đến nay, công tác hòa giải ở cơ sở của thành phố cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn xã hội tại địa phương. Đồng thời, hạn chế những mâu thuẫn, tranh chấp, khiếu nại gửi vượt cấp, góp phần giảm tải “gánh nặng” cho cơ quan có thẩm quyền trong tiếp nhận, xử lý, xét xử vụ việc của các cơ quan tư pháp, tiết kiệm thời gian, tiền bạc của cơ quan nhà nước và công dân. Thời gian tới, Phòng Tư pháp thành phố Phủ Lý tiếp tục làm tốt công tác tham mưu, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả Luật Hòa giải ở cơ sở và văn bản hướng dẫn thi hành; Duy trì củng cố, kiện toàn mạng lưới tổ hòa giải và đội ngũ hòa giải viên, qua đó nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở.

Có thể thấy, tại thành phố Phủ Lý, tổ chức và hoạt động của tổ hòa giải ở cơ sở đã có những chuyển biến tích cực và đi vào nền nếp. Các quy định pháp luật về hòa giải, vai trò ý nghĩa của hoạt động hòa giải ở cơ sở thường xuyên được tuyên truyền, phổ biến đến cán bộ, nhân dân. Đội ngũ cán bộ làm công tác hòa giải được tập huấn, hướng dẫn, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, kỹ năng trong hòa giải các vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn và đã có sự vận dụng đúng theo quy định, hướng dẫn. Qua đó, tỷ lệ hòa giải luôn chiếm tỷ lệ cao và có xu hướng tăng dần theo mỗi năm, được cấp ủy, chính quyền, nhân dân ghi nhận là giải pháp hữu hiệu trong bảo đảm an ninh – trật tự, nâng cao tinh thần đoàn kết trong khu dân cư, hạn chế phát sinh mâu thuẫn, tránh dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật nguy hiểm cho đời sống xã hội.

Nguyễn Khánh

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/doi-song/phu-ly-nang-cao-chat-luong-cong-tac-hoa-giai-o-co-so-109814.html