Phụ mà không phụ

Tuyển sinh năm 2023, hầu hết các cơ sở đào tạo sử dụng tiêu chí phụ trong xét tuyển đầu vào hệ đại học chính quy.

Ảnh minh họa INT.

Ảnh minh họa INT.

Thực tế, đây không phải là năm đầu tiên các cơ sở giáo dục đại học áp dụng tiêu chí phụ trong tuyển sinh mà cách đây gần 10 năm quy định này đã được sử dụng. Đây được xem như một trong những giải pháp để các trường đại học đánh giá những thí sinh có cùng điểm số. Từ đó, chọn ra những thí sinh đáp ứng đầy đủ các tiêu chí phụ và quyết định ai sẽ trúng tuyển và ai dừng lại.

Chẳng hạn như, có 2 thí sinh bằng điểm nhau, cùng đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào một ngành của một trường đại học. Hai thí sinh thuộc danh sách cuối cùng những thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển vào trường. Tuy nhiên, trường chỉ được chọn một thí sinh. Trong tình huống này, cơ sở đào tạo sẽ đưa ra tiêu chí phụ để xem thí sinh nào có điểm môn Toán cao hơn thì chọn. Khi đó, điểm môn Toán sẽ là tiêu chí phụ mà trường đặt ra cho các thí sinh.

Thực tế cho thấy, trong nhiều trường hợp, tiêu chí phụ trở thành “phao cứu trợ”, giúp thí sinh từ trượt đại học thành đỗ. Song, các em cũng có thể bị trượt nếu không để tâm đến tiêu chí phụ. Ở những mùa tuyển sinh trước, từng có tình huống dở khóc, dở cười khi nhiều thí sinh từ đỗ “bỗng dưng” thành trượt đại học. Trong quá trình xét tuyển, lọc ảo những thí sinh này đủ điểm trúng tuyển vào trường đại học. Tuy nhiên, khi rà soát, hậu kiểm thì các em không đủ điều kiện trúng tuyển do chưa đáp ứng một số tiêu chí phụ mà trường đại học đưa ra.

Câu chuyện trên như lời nhắc nhở thí sinh, không bao giờ được bỏ qua các chi tiết “phụ”, bởi trong nhiều trường hợp, tiêu chí phụ sẽ giúp các em đàng hoàng bước chân vào giảng đường đại học. Đôi khi tiêu chí phụ mà không hề “phụ”, nó có tính chất quyết định việc thí sinh có trở thành sinh viên đại học hay không; thậm chí quyết định đến sự nghiệp học hành trong tương lai của các em.

Lẽ tất nhiên, không có công thức chung cho tiêu chí phụ, bởi vấn đề này thuộc quyền tự chủ trong tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đại học. Vì thế, mỗi cơ sở đào tạo sẽ đặt ra các tiêu chí phụ với yêu cầu khác nhau để bảo đảm tuyển sinh đủ chỉ tiêu.

Trong bối cảnh các cơ sở giáo dục đại học được quyền tự chủ trong tuyển sinh nên hầu hết đều chủ động đa dạng hóa phương thức xét tuyển, không hoàn toàn phụ thuộc kết quả thi tốt nghiệp THPT. Do đó, việc sử dụng tiêu chí phụ để xét tuyển là hợp lý và cần thiết bởi vừa giúp nhà trường có thể tuyển sinh đủ chỉ tiêu mà vẫn có thể lựa chọn được những thí sinh chất lượng, phù hợp.

Song thiết nghĩ, các cơ sở giáo dục đại học cần có phương án để không tuyển vượt quá chỉ tiêu đã dự kiến; đồng thời phải thực hiện các cam kết đối với thí sinh, không để xảy ra tình trạng thí sinh đã trúng tuyển nhưng bị loại khi nhập học do không đủ điều kiện sơ tuyển hoặc điều kiện phụ… Vì vậy, việc công bố công khai sử dụng tiêu chí phụ trong xét tuyển phải được thể hiện rõ nét trong đề án tuyển sinh riêng.

Về phía thí sinh cũng cần nghiên cứu thật kỹ đề án tuyển sinh của cơ sở đào tạo mình dự định đăng ký xét tuyển. Việc nắm bắt các tiêu chí phụ, rèn luyện bản thân và có chiến lược trong đăng ký nguyện vọng xét tuyển sẽ “bảo trợ” cho thí sinh có cơ hội trúng tuyển; đồng thời giúp các em có được một “slot” trên giảng đường đại học.

Hải Minh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/phu-ma-khong-phu-post637288.html