Phủ mạng lưới tài chính toàn diện: Thuận tiện cho người nghèo tiếp cận, đẩy lùi 'tín dụng đen'

Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt xác định, tài chính toàn diện là việc mọi người dân và doanh nghiệp được tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính một cách thuận tiện. Trong đó chú trọng đến nhóm người nghèo, người thu nhập thấp, người yếu thế, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ. Tuy nhiên, thực tế hoạt động cho vay vi mô đang gặp không ít khó khăn.

Khoản vay nhỏ, tác động lớn

Ông Tư Phúc (Nguyễn Văn Phúc, một nông dân ở xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TPHCM) đầu tư nuôi cá tra, cá chim trong khu ao rộng gần 3ha. Mỗi đợt thả cá giống hết hơn 20 triệu đồng, chưa kể tiền thức ăn mỗi ngày hơn 1 triệu đồng, nên ông rất cần vốn. Hơn 2 năm trước, ông vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội, với lãi suất 0,65%/tháng, vay trong 5 năm, để đầu tư thêm ao nuôi.

Qua ghi nhận, hiện còn khá nhiều trường hợp nông dân như ông Tư Phúc, cần vốn ít, đầu tư nhỏ. Ngoài Ngân hàng Chính sách xã hội, các tổ chức tài chính vi mô cũng cung cấp các khoản vay nhỏ cho những đối tượng khó vay vốn từ ngân hàng. Theo Tổ chức tài chính vi mô CEP (tổ chức phi lợi nhuận do Liên đoàn Lao động TPHCM sáng lập), đến ngày 30-6-2024, CEP đang phục vụ hơn 340.140 hộ gia đình đoàn viên công đoàn, công nhân, người lao động nghèo, thu nhập thấp thông qua mạng lưới 36 chi nhánh tại TPHCM và 9 tỉnh với tổng dư nợ cho vay trên 5.837 tỷ đồng. CEP cho vay lãi suất thấp và không thu bất cứ khoản phí nào, kể cả phí bảo hiểm vay vốn.

Theo đánh giá của các chuyên gia, các khoản vay kịp thời, phù hợp với đối tượng là người nghèo, người có thu nhập thấp… giúp người vay có được số tiền cần thiết, tránh được bẫy “tín dụng đen” mời chào đầy rẫy trên mạng xã hội, tờ rơi, cột điện, gửi tin nhắn đến từng số điện thoại…

 Nông dân Nguyễn Văn Phúc (xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TPHCM) nuôi cá chim, cá tra từ vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội. Ảnh: MAI HOA

Nông dân Nguyễn Văn Phúc (xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TPHCM) nuôi cá chim, cá tra từ vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội. Ảnh: MAI HOA

Tín dụng tiêu dùng cho công nhân triển khai chậm

Tháng 10-2022, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với NHNN và 2 công ty tài chính HD Saison và FE Credit triển khai gói vay 20.000 tỷ đồng (mỗi công ty 10.000 tỷ đồng) với lãi suất ưu đãi dành cho công nhân. Đây là gói tín dụng tiêu dùng đầu tiên dành riêng cho đối tượng công nhân dưới hình thức tín chấp. Qua gần 2 năm thực hiện, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, đến tháng 3-2024 đã có 43 liên đoàn lao động tỉnh, thành phố triển khai thỏa thuận hợp tác với HD Saison, FE Credit, hỗ trợ được 735.000 lượt công nhân vay vốn ưu đãi với tổng số tiền trên 11.500 tỷ đồng. Liên đoàn lao động các tỉnh, thành phố cho biết, gói tín dụng giải ngân còn chậm có nhiều lý do, trong đó có lý do người lao động e ngại với mức lãi suất 15%-25%/ năm - dù đã ưu đãi so với thị trường, nhưng vẫn còn cao so với khả năng thanh toán của người lao động.

Gỡ khó về đối tượng, hạn mức cho vay

Theo Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú, Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đặt ra mục tiêu: Phát triển hệ thống các tổ chức, chương trình, dự án tài chính vi mô hoạt động an toàn, hiệu quả, bền vững, hướng tới mục tiêu phục vụ người nghèo, người thu nhập thấp, phụ nữ và doanh nghiệp siêu nhỏ với các sản phẩm, dịch vụ tài chính đa dạng, linh hoạt, phù hợp. Hiện, Việt Nam có 4 tổ chức tài chính vi mô và 79 chương trình, dự án tài chính vi mô đã được NHNN cấp giấy phép đăng ký. Mặc dù vậy, quy mô hoạt động của các tổ chức, chương trình, dự án tài chính vi mô còn khá nhỏ so với tiềm năng phát triển và đang gặp nhiều khó khăn, như việc tăng trưởng nguồn vốn còn hạn chế do chưa khuyến khích được mọi nguồn lực xã hội tham gia vào hoạt động tài chính vi mô; một số quy định chưa phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn trong quá trình hoạt động, quản trị điều hành.

Trong khi đó, lãnh đạo Tổ chức Tài chính vi mô CEP cho biết, dự thảo thông tư thay thế Thông tư 03/2018 quy định về hồ sơ, trình tự cấp giấy phép, tổ chức và hoạt động của tổ chức tài chính vi mô, trong đó xác định đối tượng khách hàng tài chính vi mô là cá nhân có thu nhập thấp chưa phù hợp với thực tế. Vì vậy, có rất nhiều đoàn viên công đoàn, người lao động hiện nay đang vay vốn CEP không thuộc đối tượng có thể tiếp cận nguồn vốn của tổ chức tài chính vi mô, ảnh hưởng đến nhu cầu về vốn của đoàn viên công đoàn, người lao động. Đặc biệt, theo CEP, hạn mức cho vay tối đa 50 triệu đồng đối với khách hàng tài chính vi mô theo quy định của NHNN hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu của khách hàng (Ngân hàng Chính sách xã hội hiện nay cho vay cùng phân khúc khách hàng với hạn mức tối đa 100 triệu đồng). Từ đó, khách hàng có khả năng phải đi vay thêm tổ chức, cá nhân khác, dẫn đến rủi ro trong hoạt động của tổ chức tài chính vi mô và bản thân khách hàng khi tiếp cận các nguồn vốn vay với mức lãi suất cao. Do đó, CEP kiến nghị NHNN sớm nghiên cứu, ban hành quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tài chính vi mô theo hướng tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận tín dụng với thủ tục đơn giản hơn, được vay các khoản phục vụ đời sống, tiêu dùng, qua đó góp phần hạn chế “tín dụng đen”.

TS Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cũng nhìn nhận, hiện nước ta có trên 5 triệu hộ kinh doanh cá thể và khoảng gần 800.000 doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Họ đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính, do đó cần tạo pháp lý vững chắc để các loại hình mới như công ty công nghệ tài chính tham gia cung ứng dịch vụ tài chính. Thế nhưng, nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng đã được NHNN trình Chính phủ từ năm 2021, và đã có đến 7 phiên bản dự thảo, nhưng đến nay vẫn chưa được ban hành.

Phát triển quỹ tín dụng nhân dân

Ông Nguyễn Hữu Trung, Phó Chủ tịch HĐQT Vietbank, cho rằng, cần thành lập các quỹ tín dụng nhân dân dựa trên mô hình quỹ tín dụng nhân dân Quebec (Canada), vốn rất thành công. Họ huy động nguồn vốn và cho vay tại địa phương, đến nay đã trở thành hệ thống tài chính vững chắc nhất Bắc Mỹ. Mô hình này cũng rất phù hợp với tình hình thực tế và chiến lược tài chính cho người nghèo, người thu nhập thấp của nước ta.

Theo PGS-TS Đặng Ngọc Đức (Đại học Đại Nam), nhiều nước đã làm tốt việc phê duyệt tín dụng, quản trị rủi ro, thu hồi nguồn vốn sau cho vay. Chúng ta đã có chấm điểm khách hàng cá nhân, khách hàng doanh nghiệp, nhưng mới chỉ là bước khởi đầu. Chúng ta cần trả lời được những câu hỏi tiếp theo, như có cho đối tượng này vay hay không, khả năng rủi ro là bao nhiêu, biện pháp xử lý như thế nào. Muốn vậy, phải xây dựng được bộ dữ liệu lớn để các ứng dụng cho vay tiếp cận.

HẠNH NHUNG - MAI HOA

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/phu-mang-luoi-tai-chinh-toan-dien-thuan-tien-cho-nguoi-ngheo-tiep-can-day-lui-tin-dung-den-post749342.html