Phủ màu những thước phim lịch sử

Đúng dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7), bộ phim tài liệu 'Vỹ tuyến 17: Chiến tranh nhân dân' được phục chế màu và giới thiệu trên mạng xã hội, ngay lập tức thu hút hàng nghìn lượt xem. VIÊN HỒNG QUANG chia sẻ về công việc mang lại sự sống động, chân thực cho các bộ phim đã nhuốm màu thời gian, nhằm giúp giới trẻ dễ tiếp cận hơn với lịch sử.

Món quà tri ân thế hệ trước

- Quang có thể chia sẻ câu chuyện phủ màu bộ phim dài gần 2 tiếng về ranh giới quân sự tạm thời vĩ tuyến 17 hình thành sau Hiệp định Geneve năm 1954?

- Trong một lần tình cờ xem bộ phim “Vỹ tuyến 17: Chiến tranh nhân dân” của đạo diễn Hà Lan Joris Ivens (1898 - 1989) thực hiện năm 1967, hoàn thiện năm 1968, tôi rất xúc động. Đặc biệt là đoạn cậu bé 9 tuổi Phạm Công Đức tự tin trả lời phỏng vấn trước ống kính như thể đang nói lên ý chí bất khuất của một dân tộc. Từ cảm xúc đó, tôi bắt đầu tìm hiểu bộ phim và biết đạo diễn Xuân Phượng (người phiên dịch cho đạo diễn Joris Ivens khi làm phim này - PV) chính là người phỏng vấn cậu bé khi xưa. Bà đã chia sẻ với tôi rất nhiều về 2 tháng làm phim tại Vĩnh Linh, Quảng Trị.

Bộ phim tài liệu “Vỹ tuyến 17: Chiến tranh nhân dân” được Viên Hồng Quang phục chế màu

Bộ phim tài liệu “Vỹ tuyến 17: Chiến tranh nhân dân” được Viên Hồng Quang phục chế màu

Và những câu chuyện vừa xúc động nhưng cũng vừa ám ảnh đấy là nguồn cảm hứng để tôi bắt đầu với ý tưởng phục chế bộ phim. Tôi nghĩ mình phải làm gì đó để bà Xuân Phượng, một trong những người cuối cùng của đoàn làm phim được xem những thước phim màu, như món quà tri ân của thế hệ sau đối với thế hệ trước, những người đã vất vả, hy sinh để có bộ phim, và hơn thế là có được hòa bình như hôm nay.

Bản phim đầu tiên được phục chế là từ bản phim được tải trên internet xuống và tôi nghiên cứu thực hiện trong 1 năm. Bản phim phục chế màu đó đã được chiếu tại Vĩnh Linh, địa điểm quay bộ phim khi xưa. Sau đó, đại diện tỉnh Quảng Trị đã gửi tặng tôi bản phim chuẩn được lưu trữ, và tôi tiếp tục làm trên bản mới đó, thêm phần thuyết minh tiếng Việt (bản phim gốc bằng tiếng Pháp) để chia sẻ đến mọi người nhân ngày 27.7 năm nay.

Viên Hồng Quang (ngoài cùng bên phải) trong chương trình chiếu phim và giao lưu với nhân chứng tại Vĩnh Linh, Quảng Trị. Ảnh: NVCC

Viên Hồng Quang (ngoài cùng bên phải) trong chương trình chiếu phim và giao lưu với nhân chứng tại Vĩnh Linh, Quảng Trị. Ảnh: NVCC

- Lý do nào đưa một người trẻ đến với công việc phục chế màu cho các bộ phim xưa?

- Tôi bắt đầu công việc phục chế này rất tình cờ, cũng không được đào tạo chuyên nghiệp lĩnh vực này. Đầu năm 2020, khi đại dịch Covid-19 xảy ra, tôi có nhiều thời gian dành cho nghiên cứu và thử nghiệm về phục chế, tô màu cho ảnh. Trong quá trình đó, tôi thử làm với những đoạn phim nhỏ. Dịp kỷ niệm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5), tôi phục chế màu một đoạn phim về Bác. Giới thiệu đoạn phim đó lên mạng xã hội, nhiều phản hồi tích cực khiến tôi bất ngờ và nảy ra ý tưởng phục hồi màu một bộ phim hoàn chỉnh.

Đến nay tôi phục hồi màu phim tư liệu về Thượng tướng Chu Văn Tấn, phim hoạt hình “Đáng đời thằng cáo”, phim điện ảnh “Cô bé Hà Nội”, gần đây nhất là “Ván bài lật ngửa”…

Mong muốn tiếp cận bản phim chất lượng tốt nhất

- Trong quá trình mang lại màu sắc cho các bộ phim như vậy, khó khăn nhất là gì?

- Tôi vừa làm vừa nghiên cứu, nên quá trình thực hiện có sự thay đổi liên tục. Chẳng hạn, những tác phẩm điện ảnh phục chế thường gặp phải sai sót về tính chính xác của màu sắc. Để tái tạo màu chân thực cho các bộ phim xưa cũ, tôi đã tìm, nghiên cứu nhiều tài liệu, hỏi thế hệ trước để hiểu được bối cảnh lịch sử, từ đó đưa ra màu sắc gần đúng nhất.

- Còn về kinh phí phục chế các bộ phim này thì sao?

- Kinh phí hầu như do tôi tự đầu tư. Chẳng hạn, với phim “Vỹ tuyến 17: Chiến tranh nhân dân”, mặc dù được bà Xuân Phượng hỗ trợ một ít, nhưng tôi gần như dành toàn thời gian cho nó, nên có thời điểm có thể nói rằng tôi sống ở dưới mức nghèo. Song nhìn rộng ra và xa hơn, tôi muốn đưa bộ phim đến với giới trẻ, để những người cùng trang lứa với mình tiếp cận được bộ phim với chất lượng dễ xem hơn. Và qua chính lời kể của người trong cuộc - bà Xuân Phượng, như chuyện về cảnh quay lá cờ đầu tiên trong bộ phim... tôi muốn chia sẻ để những người trẻ như tôi được biết, để thêm trân trọng cái chúng ta đang có. Đồng thời, qua đó tri ân thế hệ trước. Tôi nghĩ đó là điều đáng quý nhất.

Viên Hồng Quang đam mê phục chế màu cho những thước phim lịch sử. Ảnh: Hải Anh

Viên Hồng Quang đam mê phục chế màu cho những thước phim lịch sử. Ảnh: Hải Anh

- Quang nhận thấy tiềm năng trong lĩnh vực phục chế phim ra sao?

- Số lượng phim ở Việt Nam với mảng chính tôi đang làm là phim tài liệu, phim điện ảnh rất nhiều, nhất là phim được thực hiện trong và sau kháng chiến chống Mỹ. Đó là môi trường để tôi có thể vừa nghiên cứu vừa phát triển, nhằm đưa các thước phim nhựa vô cùng đẹp đẽ ấy đến với người trẻ, để mọi người cảm nhận phim đó gần gũi, chứ không phải ký ức xa xôi.

Tôi cũng muốn qua việc phục chế tạo ra những hình ảnh mới mẻ, sạch, đẹp hơn để đưa những giá trị được truyền tải trong các bộ phim đến với bạn bè quốc tế, để họ biết nhiều hơn về những gì Việt Nam đã trải qua trong quá khứ, những điều đã làm nên sức mạnh mềm Việt Nam trong hiện tại.

- Từ thực tế công việc phục chế phim thời gian qua, để đi tiếp con đường này, mong muốn lớn nhất của Quang là gì?

- Chúng tôi mong muốn có cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện để được tiếp cận các bản phim chất lượng tốt nhất. Chúng tôi đang có dự án tái tạo màu cho bộ phim tài liệu “Hà Nội trong mắt ai” của đạo diễn Trần Văn Thủy thực hiện năm 1983. Đây sẽ là sản phẩm đầu tiên sau quá trình nghiên cứu suốt mấy năm qua: chuyển màu phim nhựa này thành màu tự nhiên để mọi người có thể cảm nhận sự chân thực hình ảnh Hà Nội 40 năm trước. Nhưng hiện chúng tôi vẫn tìm kiếm cách thức để được tiếp cận bản phim có chất lượng tốt nhất. Trong quá trình chờ đợi, chúng tôi đang tạm sử dụng bản phim tải từ internet để nghiên cứu thực hiện.

Nếu có được bản phim chất lượng cao, dự định chúng tôi sẽ kêu gọi gây quỹ cộng đồng để tiếp tục thực hiện phục chế phim này. Về lâu dài, chúng tôi mong muốn sẽ trở thành đơn vị chuyên phục chế phim tại Việt Nam.

- Xin cảm ơn Hồng Quang

Ngọc Phương thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/phu-mau-nhung-thuoc-phim-lich-su-i382366/