Phu nhân và áo dài

Mấy hôm vừa rồi, chiếc áo dài Việt Nam được nhắc rất nhiều trên báo chí và mạng xã hội, và thêm một lần chúng ta thấy vẻ đẹp dịu dàng, nữ tính và kiêu sa của nó.

Ấy là sự kiện 2 phu nhân của 2 lãnh đạo quốc gia Hàn Quốc và Việt Nam mặc áo dài trong cuộc gặp đầu tiên trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của tổng thống Hàn Quốc và phu nhân.

Mà quả là, hai bà mặc áo dài đẹp thật. Cả hai bà đều có cái dáng lý tưởng để mặc áo dài.

Đến giờ người ta đã thống nhất với nhau rằng, người đầu tiên cải tổ chiếc áo tứ thân của phụ nữ Việt thành áo dài là ông Cát Tường (Lemur Cát Tường- Lemur tiếng Pháp là tường), và vì thế một thời gian dài chiếc áo này mang tên ông. Nó đã trở thành cổ điển như một hằng số đến mức tôi cho rằng ai đụng vào sửa tức là phá nó. Và vì thế mà tôi rất ấm ức mỗi khi xem chương trình thời trang mà người ta mang áo dài ra để cải tiến cải lùi, sọc ngang sọc dọc, thổ cẩm cơm lam, ẽo à ẽo ượt... Cũng có thể là tôi bảo thủ quá chăng? Các bà các cô dạo này chuyển sang váy hết cả rồi, thôi thì còn các em nữ sinh giữ lấy chiếc áo dài như là giữ lấy một phần tâm hồn người Việt trước cơn bão táp hướng ngoại.

Nhưng cũng may, mấy năm nay, phong trào áo dài đang trở lại. Thi thoảng lại thấy các bà các cô tập hợp nhau mặc áo dài để... chụp ảnh. Đi đâu du lịch, trong hành trang các bà các cô đều có ít nhất một bộ áo dài (lẫn trong váy các kiểu). Nó là thành phần không thể thiếu trong bộ ảnh "nuôi... phây". Nên về mặt nào đấy có khi chúng ta cũng phải cám ơn "ông phây" đã giúp phụ nữ Việt Nam trở lại với áo dài, tất nhiên không còn truyền thống nữa, mà nó muôn hình vạn trạng cải tiến.

Nó, tà áo dài ấy, trở thành bản sắc dân tộc hàng trăm năm nay, và tôi có cảm giác, với áo dài, chỉ thiếu nữ Việt Nam mặc mới đẹp, hay nói cách khác, khi mặc áo dài, thiếu nữ Việt Nam bộc lộ hết nữ tính của mình, và cũng chỉ với thiếu nữ Việt Nam, áo dài mới khoe hết những gì đặc trưng nhất của nó, đó là sự dịu dàng đầy nữ tính, kín đáo mà gợi cảm, trực giác mà tưởng tượng, đoan trang mà e ấp, thẳng mà cong, kín mà hở, lý đấy mà tình đấy, tiết hạnh mà cao sang, bình dân mà quý phái...cùng với cặp sách, tóc thề, áo dài hoàn chỉnh cái đẹp trong trắng nữ sinh, đưa chúng ta vào thế giới phiêu diêu ảo mộng của thiên đường thẩm mỹ.

Nhưng thực ra, áo dài Việt, nó vừa cao sang quý phái nhưng cũng phù hợp với cần lao. Các mệ các o các dì các chị ở Huế từng gánh bún, bánh canh, cơm hến, bánh bột lọc... đi bán dạo, hàng chục cây số mỗi ngày, và họ đều... mặc áo dài. Tất nhiên là áo dài màu, cần thiết có thể thắt vạt lại. Nó chứng tỏ một sự rằng, áo dài không đến nỗi vướng víu lắm khi lao động chân tay, khi di chuyển bộ. Và nó khiến người mặc dịu dàng hẳn lên, lịch sự hẳn lên, được tôn trọng hẳn lên. Nữ sinh Huế thì khỏi nói rồi, một trăm phần trăm áo dài trắng quần trắng tới lớp. Vào Nam Bộ, tôi gặp một kiểu áo dài khác, vẫn trắng, nhưng phối với quần đen. Hầu như tất cả nữ sinh đều mặc áo dài trắng quần đen. Cũng vẫn đẹp.

Giờ thì hầu như tất cả các tiểu thương chợ Đông Ba Huế đều mặc áo dài khi bán hàng. Lại nhớ thời Huế đói nhất, khổ nhất vì bao cấp, nhiều người phải mang áo dài ra sửa thành áo cụt, cô gái bán báo ở sạp báo bên hông bưu điện Huế vẫn luôn thường trực áo dài. Lũ sinh viên chúng tôi, mà chả cứ sinh viên, nhiều bác trai khác, chả có tiền mua báo, nhưng lúc nào cũng lởn vởn ở đấy, để đọc cọp và ngắm... áo dài.

Thì quan niệm độc quyền thế, nhưng khi thấy phu nhân Tổng thống Hàn Quốc mặc áo dài, thì tôi bèn thay đổi quan niệm, rằng là, không chỉ phụ nữ Việt Nam mặc áo dài đẹp, mà ít nhất, còn những người như bà phu nhân kia. Cái áo dài phù hợp với cả 2 bà phu nhân nên dân tình mới xôn xao cả lên thế, xuýt xoa vì đẹp, vì sang, vì lịch sự...

Vả, nói cho công bằng, không phải bà nào, cô nào, chị nào... người Việt mặc áo dài cũng đẹp. Áo dài nhìn thế rất kén phom, may là đa phần phụ nữ Việt hợp phom.

Mỗi dân tộc có một mẫu trang phục truyền thống. Như Hàn Quốc có món Hanbok, biết đâu một ngày nào đấy, các phu nhân lãnh đạo Việt Nam sang thăm bạn, lại cũng mặc như bà đệ nhất phu nhân Hàn Quốc vừa mặc áo dài Việt.

Tôi nhớ hồi đọc một cuốn sách nước ngoài viết về Việt Nam, có nhắc đến áo dài, và 2 chữ áo dài ấy được tác giả giữ nguyên tiếng Việt, không phiên âm hoặc dịch ra tiếng bản địa.

"Tôi mặc chiếc áo dài này như đang mang trên mình biểu tượng của tình hữu nghị bền chặt giữa Hàn Quốc và Việt Nam", phu nhân Tổng thống Hàn Quốc đã phát biểu như thế khi sóng đôi áo dài cùng phu nhân Chủ tịch nước Việt Nam Phan Thị Thanh Tâm hôm 23/6.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Văn Công Hùng

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/phu-nhan-va-ao-dai-a614128.html