Phụ nữ Ấn Độ khó tìm công bằng khi bị tấn công tình dục
'Tòa án chỉ tin lời nạn nhân nếu lịch sử tình dục, hành vi của cô ấy trong quá khứ hợp tiêu chí 'thuần khiết, trong sạch'. Thật sự đáng buồn', luật sư Flavia Agnes nói với SCMP.
Tháng 5 vừa qua, Tarun Tejpal, biên tập viên tạp chí Tehelka, được tòa án tiểu bang Goa xử trắng án sau cáo buộc tấn công tình dục một nhân viên nữ tại thang máy khách sạn vào năm 2013, theo SCMP.
Phán quyết này gây ra làn sóng phản ứng mạnh mẽ từ một số luật sư và các nhà hoạt động nữ quyền ở Ấn Độ.
Kavita Krishnan, nhà hoạt động xã hội kiêm Thư ký Hiệp hội Phụ nữ tiến bộ Toàn Ấn Độ, nói rằng quyết định của tòa không chỉ chống lại nạn nhân, mà còn ảnh hưởng tới phong trào nữ quyền.
"Tòa án nhanh chóng tuyên bố không có tương tác tình dục nào xảy ra trong thang máy, cho rằng người tố cáo đã nói dối và bịa đặt về vụ quấy rối. Họ còn sử dùng loạt tính từ như 'thao túng', 'bóp méo'... để mô tả nạn nhân.. Ấn Độ khó lòng hy vọng vào một phiên tòa công bằng với vụ án liên quan tới quấy rối, xâm hại tình dục", Krishnan kể.
Đổ lỗi nạn nhân
Phiên tòa xét xử biên tập viên Tejpal diễn ra khi Bộ luật Hình sự Ấn Độ được sửa đổi vào năm 2013. Theo đó, tội phạm tình dục sẽ chịu hình phạt khắc nghiệt hơn, đẩy nhanh quá trình điều tra và xét xử.
Tuy nhiên, 8 năm sau khi xảy ra vụ việc, tòa án mới chính thức đưa Tejpal ra xét xử.
Trong phiên tòa, bị cáo thẳng thừng phủ nhận hành vi tấn công tình dục. Anh ta mô tả sự việc diễn ra ở thang máy như "cuộc trao đổi đồng thuận" với bằng chứng là những tin nhắn qua lại giữa hai người ở bối cảnh khác.
Theo SCMP, tòa án cho phép nhóm pháp lý của Tejpal truy cập vào WhatsApp của nạn nhân, dùng các tin nhắn cá nhân để biện hộ cô từng có nhiều cuộc hẹn hò, gửi tin nhắn "mang hàm ý tình dục" trong quá khứ.
Sau khi tuyên bố trắng án cho Tejpal, thẩm phán Kshama M Joshi chuyển chú ý sang người tố cáo.
Cụ thể, bản án dài 527 trang đào sâu vào cuộc sống riêng tư của nạn nhân, các mối quan hệ trong quá khứ và hiện tại, các cuộc trò chuyện bạn bè và quan điểm về đồng thuận tình dục.
Thẩm phán nghi vấn lý do nạn nhân kể chuyện bị tấn công tình dục với đồng nghiệp nam mà không phải bạn nữ cùng phòng; đặt câu hỏi vì sao cô "không khóc", "không biểu hiện hành vi chuẩn mực".
Ngoài ra, phía tòa còn tập trung vào những chi tiết "mâu thuẫn" sau khi theo dõi đoạn CCTV. "Vì sao cô lại mỉm cười? Sao cô không tỏ ra đau đớn? Cô vẫn đi lại thoải mái sau khi bị tấn công tình dục ư?".
Mặt khác, thẩm phán đã tiết lộ họ tên, địa chỉ email của nạn nhân - vốn là điều cấm kỵ khi xử lý các vụ tấn công tình dục. Vì vậy, Tòa án Tối cao Mumbai đã yêu cầu xóa bỏ các chi tiết này khỏi hồ sơ.
Quan điểm cổ hủ
Flavia Agnes, luật sư về quyền phụ nữ, cho biết các tòa án ở Ấn Độ vẫn giữ quan niệm cổ hủ về phản ứng của những người sống sót sau tấn công tình dục.
"Tòa án chỉ tin lời nạn nhân nếu lịch sử tình dục, hành vi của cô ấy trong quá khứ hợp tiêu chí 'thuần khiết, trong sạch'. Thật sự đáng buồn", cô nhận xét.
Nhiều trường hợp tương tự từng xảy ra trước đó. Điển hình, bồi thẩm đoàn tại Tòa án Tối cao Punjab năm 2017 đã gọi một nạn nhân bị hiếp dâm tập thể là "lăng nhăng" do uống rượu, hút thuốc, dùng ma túy và giữ bao cao su trong phòng.
Agnes cho biết đây chỉ là phiên xét xử sơ thẩm. "Cuộc chiến vẫn chưa kết thúc", cô nói.
Chia sẻ với SCMP, Krishnan cho biết cô tin rằng các thẩm phán cần được đào tạo để nâng cao nhận thức về giới tính, đẳng cấp, cộng đồng và tình dục.
"Họ cần nhận thức được những thành kiến tiềm ẩn và khả năng lạm dụng quyền lực. Chỉ khi đó, họ mới có thể áp chế bất công khi xét xử", cô nói.