Phụ nữ cả nước đã tích cực tham gia góp ý xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi)
Như PNVN đã đưa tin, sáng 18/01/2024, với 432 đại biểu có mặt tán thành (chiếm 87,63%), Quốc hội đã thông qua Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Trong quá trình xây dựng luật này, hàng triệu lượt ý kiến của các tầng lớp phụ nữ đã góp phần hoàn thiện dự án Luật quan trọng này.
Nhận định về Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Việc thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp này, cùng với Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua và có hiệu lực đồng thời từ 01/01/2025 đã đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai.
Theo Chủ tịch Quốc hội, đây là thành quả của quá trình phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị thận trọng, kỹ lưỡng, khoa học, từ sớm, từ xa, với nỗ lực và quyết tâm rất cao của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan; huy động mọi nguồn lực với tinh thần thực sự cầu thị, lắng nghe, dân chủ; tranh thủ tối đa trí tuệ, đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp, cử tri và Nhân dân cả nước
Luật Đất đai là dự án luật lớn, có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; có tác động sâu rộng đến các tầng lớp Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp; đồng thời, cũng là dự án Luật rất khó và phức tạp.
Dự án Luật đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan chuẩn bị rất trách nhiệm, kỹ lưỡng, công phu qua nhiều vòng, nhiều bước; được trình Quốc hội tại 04 kỳ họp, 02 Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, 08 phiên họp chính thức của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (trong đó có 01 phiên cho ý kiến về Kế hoạch lấy ý kiến Nhân dân) và được chỉnh lý, tiếp thu ý kiến của các cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng chịu sự tác động và trên 12 triệu lượt ý kiến của Nhân dân.
Trong quá trình xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi), các tầng lớp phụ nữ cả nước đã tích cực tham gia góp ý vào nhiều nội dung trong dự thảo Luật. Bà Đàm Thị Vân Thoa, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Chính sách – Luật pháp, Trung ương Hội LHPN Việt Nam, cho biết: Hội LHPN các cấp xác định việc lấy ý kiến đóng góp dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng, là một hình thức tuyên truyền pháp luật, phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, thể hiện ý chí, nguyện vọng của cán bộ, hội viên, phụ nữ, do đó công tác tuyên truyền, phổ biến dự thảo Luật được các cấp Hội hết sức quan tâm, đẩy mạnh.
Trong quá trình tham gia ý kiến, Hội LHPN các cấp triển khai việc lấy ý kiến đổi với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã đảm bảo tính kịp thời; phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết, thể hiện ý chí, nguyện vọng của Nhân dân để hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật, đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã tiến hành lấy phiếu khảo sát trực tuyến trên phạm vi toàn quốc với nhóm đối tượng từ 18 tuổi trở lên, thu về 37.325 lượt tham gia gia ý kiến. Hội LHPN tỉnh/thành đã tiến hành tổng hợp các ý kiến góp ý.
Theo kết quả tổng hợp, các cấp Hội đã tổ chức 26.781 cuộc hội nghị, hội thảo; nhận được 2.348.965 lượt ý kiến góp ý của tổ chức, cá nhân.
Theo bà Đàm Thị Vân Thoa, các cấp Hội thông qua nhiều hình thức, cách thức lấy ý kiến sâu rộng đã đảm bảo sự tham gia, huy động trí tuệ của cán bộ, hội viên, các tầng lớp phụ nữ; phát huy quyền làm chủ, nâng cao trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc tham gia xây dựng hệ thống pháp luật. Triển khai Kế hoạch, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức 04 cuộc Hội thảo lấy ý kiến tại địa phương (thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Sơn La, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tỉnh Quảng Bình), 01 Hội thảo tham vấn ý kiến chuyên gia đối với dự thảo Luật tại Hà Nội với sự tham gia của cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Tài nguyên – Môi trường, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các chuyên gia trong lĩnh vực pháp luật đất đai và bình đẳng giới. Các cuộc Hội thảo nhận được nhiều ý kiến tham gia góp ý.
Qua quá trình rà soát cho thấy, nhiều ý kiến góp ý của Hội LHPN Việt Nam được tiếp thu, chỉnh lý trong dự thảo Luật trình tại kỳ họp bất thường lần thứ 5 của Quốc hội khóa XV, liên quan đến các vấn đề như:
Về quy định chung, dự thảo Luật đã bỏ quy định về "Áp dụng pháp luật", theo đó trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Luật này và Luật khác thì áp dụng theo nguyên tắc được quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015;
Giảm thời hạn chậm tiến độ (khoản 8 Điều 81) "tiến độ sử dụng đất chậm nhất 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng", quy định này nhằm hạn chế các dự án "treo";
Bổ sung quy định rõ "hiệu lực của thông báo thu hồi đất là 12 tháng tính từ ngày ban hành thông báo thu hồi đất" (khoản 5 Điều 85);
Dự thảo Luật đã sửa đổi, thống nhất trong sử dụng cụm "tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường" (Điều 86, Điều 87);
Dự thảo Luật đã lược bỏ một số nội dung, đảm bảo quy định rõ ràng, cách hiểu và áp dụng thống nhất giữa các địa phương khi dự thảo Luật có hiệu lực thi hành như quy định "tốt hơn nơi ở cũ" khi không thể làm rõ được nội dung này (Điều 91); lược bỏ thuật ngữ "tổ chức tín ngưỡng" khi không có quy định về tổ chức này trong các văn bản quy phạm pháp luật khác (Điều 95);
Bổ sung quy định cụ thể thời hạn về trường hợp Nhà nước thu hồi đất không được bồi thường tài sản gắn liền với đất "Tài sản gắn liền với đất được tạo lập trái quy định của pháp luật hoặc tạo lập từ sau khi có thông báo thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền" (khoản 2 Điều 105) để làm căn cứ xem xét việc bồi thường, vì trên thực tế có những dự án "treo" thông báo nhiều năm nhưng vẫn không triển khai và thu hồi đất;
Về bố trí tái định cư cho người có đất ở thu hồi đất mà phải di chuyển chỗ ở (Điều 111) đã bổ sung khoản 11 quy định chung là "Chính phủ quy định chi tiết Điều này" chứ không chỉ giao Chính phủ quy định về suất tái định cư tối thiểu vì nội dung điều luật này còn nhiều vấn đề cần được quy định chi tiết, ví dụ nội dung về phương án tái định cư.
Bổ sung quy định làm rõ về phương pháp xác định giá đất (khoản 5 Điều 158);
Sửa đổi "nơi đăng ký hộ khẩu thường trú" thành "nơi đăng ký thường trú" tại quy định về hạn mức giao đất nông nghiệp (Điều 176), khoản 6 "Đối với diện tích đất nông nghiệp của cá nhân đang sử dụng ngoài xã, phường, thị trấn nơi đăng ký thường trú thì cá nhân được tiếp tục sử dụng,…";
Bổ sung quy định về giám sát của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội đồng nhân dân các cấp về quản lý, sử dụng đất đai (Điều 230), theo đó "Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, Hội đồng nhân dân các cấp thực hiện quyền giám sát về quản lý, sử dụng đất đai theo quy định của Hiến pháp, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Luật Tổ chức chính quyền địa phương".