Phụ nữ châu Á ám ảnh cơ thể gầy gò đến vô lý
Xu hướng thời trang một cỡ 'BM style' bị chỉ trích vì khuyến khích các cô gái trẻ theo đuổi những tiêu chuẩn ngoại hình phi thực tế.
Zing trích dịch bài đăng trên Sixth Tone và Jingdaily nói về trào lưu mặc đồ một size và nỗi ám ảnh về vẻ đẹp mảnh mai, gầy gò của phụ nữ châu Á.
Tháng 3 vừa qua, số lượng tìm kiếm cụm từ “BM style” trên Internet Trung Quốc tăng đột biến. “BM” là viết tắt của Brandy Melville, một thương hiệu quần áo của Italy nhắm đến các cô gái tuổi teen và phụ nữ trẻ. Thương hiệu này phân phối các mặt hàng chủ đạo là áo crop top, áo ba lỗ và váy.
Điều đặc biệt là tất cả sản phẩm chỉ có size 0 - kích cỡ dành riêng cho những cô gái gầy hoặc siêu gầy.
Cùng với sự phổ biến của BM style, một trào lưu có tên #TestIfYouCanRockTheBMStyle (tạm dịch: kiểm tra xem bạn có hợp với BM Style hay không) đã xuất hiện trên mạng xã hội.
Hàng nghìn người dùng tự hào chia sẻ hình ảnh cho thấy thân hình mảnh khảnh của họ vừa khít trong những bộ đồ siêu nhỏ của Brandy Melville.
Trong khi đó, nhiều cô gái khác than phiền vì không thể khoác vừa những bộ cánh đó. Chỉ sau vài tháng, BM style từ một xu hướng thời trang đã chuyển thành một chủ đề gây tranh cãi.
Nhiều người cho rằng phong cách chỉ đang thách thức các cô gái trẻ theo đuổi những tiêu chuẩn ngoại hình phi thực tế.
Xu hướng thời trang một cỡ
Phong cách BM bắt đầu phổ biến trên các phương tiện truyền thông phương Tây vào đầu những năm 2000. Nữ diễn viên Lindsay Lohan được coi là biểu tượng đầu tiên của BM khi tích cực lăng xê style ăn mặc này trong bộ phim Mean Girl (2004).
Giờ đây, loạt sao Kpop và những người nổi tiếng Trung Quốc trở thành thế hệ biểu tượng kế tiếp của trào lưu thời trang một cỡ.
Các thành viên của nhóm nhạc BlackPink đều là đại sứ thương hiệu của những nhà mốt lừng danh, được cho là một trong những đại diện tiêu biểu của châu Á cổ vũ gu thẩm mỹ BM.
Còn tại Trung Quốc, thần đồng cello Âu Dương Na Na là người mẫu Instagram hàng đầu của Brandy Melville sau khi giảm cân thành công.
Điểm chung của những ngôi sao này là họ đều nổi tiếng trong lĩnh vực thời trang, trẻ trung và sở hữu những đặc điểm ngoại hình: gầy, cao và trắng.
Nói chuyện với Sixth Tone tại một cửa hàng Brandy Melville ở Thượng Hải, một nhân viên của công ty cho biết sự nổi tiếng của thương hiệu này đối với giới trẻ Trung Quốc nói riêng và châu Á nói chung không làm cô ngạc nhiên.
"Ở Mỹ, họ muốn bạn tin rằng mọi người đều xinh đẹp, nhưng điều đó không đúng ở đây. Gầy chắc chắn là hình mẫu lý tưởng được ưa chuộng", cô nói.
Cân nặng lý tưởng của phụ nữ châu Á
Tiêu chuẩn vẻ đẹp của phụ nữ ở các nước Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc lâu nay vẫn là trẻ trung, da trắng và gầy gò. Những tiêu chuẩn này đang được khuếch đại bởi các phương tiện truyền thông xã hội.
Theo một báo cáo năm 2015, giới trẻ Trung Quốc có trung bình 30 ứng dụng làm đẹp trên điện thoại thông minh và dành khoảng 3.276 phút để chụp ảnh selfie mỗi năm.
Đầu năm nay, “bảng xếp hạng cân nặng lý tưởng của các cô gái BM” gây bão Weibo tiết lộ rằng phụ nữ cao 1,55 m chỉ nên nặng dưới 38 kg và các cô gái cao 1,60 m sẽ đạt thân hình lý tưởng nếu nặng 43 kg. Cách tính này hoàn toàn bỏ qua BMI - chỉ số thường dùng để nhận định cơ thể của một người là gầy hay béo.
Còn tại Nhật Bản, 45 kg được coi là số cân nặng ao ước của phần lớn chị em. Chiều cao trung bình của phụ nữ Nhật vào năm 2019 là 1,58 m. Nếu tính theo BMI, người có số đo như vậy vẫn được xếp vào nhóm gầy.
Theo Savvy Tokyo, xã hội Nhật Bản có xu hướng tôn vinh những cơ thể mảnh mai đồng thời coi sự gầy gò là biểu hiện của lòng kiên trì và ngược lại chỉ trích người thừa cân là lười biếng, sống vô kỷ luật.
Tượng tự, những tiêu chuẩn ngoại hình khắt khe đối với phụ nữ cũng tồn tại trong xã hội Hàn Quốc. Với chiều cao 1,65 m, nặng 70 kg, plus-size model (người mẫu ngoại cỡ) nổi tiếng Vivian Geeyang Kim từng chịu đựng nhiều chỉ trích, thành kiến.
"Ở Hàn Quốc, cân nặng lý tưởng của phụ nữ là 50 kg. Nếu bạn nặng hơn sẽ bị cho là béo và xấu xí", Kim chia sẻ với Huffington Post.
Thay đổi
Hiện tại, có cả ý kiến ủng hộ lẫn phản đối xu hướng thời trang một cỡ. Một bên đề cao tính thẩm mỹ và coi đây là xu hướng thời trang tối thượng, ngược lại bên kia lên án tiêu chuẩn BM là body shaming.
Trong khi phong cách BM còn đang gây tranh cãi, một số thương hiệu thời trang đã nhìn thấy cơ hội mới. Một thương hiệu đồ lót Trung Quốc đã phát hành chiến dịch truyền thông xã hội mang tên "No Body is Nobody" vào Ngày Quốc tế Phụ nữ năm nay.
Bộ phim tài liệu dài 14 phút kể câu chuyện của 6 phụ nữ đại diện cho những định kiến quen thuộc về ngoại hình nữ giới. Cách tiếp thị toàn diện này đã nhận được phản hồi tích cực với hàng trăm nghìn lượt thích và bình luận trên mạng xã hội.
Còn tại Hàn Quốc, sự xuất hiện của những người mẫu ngoại cỡ như Vivian Geeyang Kim, Yeom Yoon Hye, Bae Kyo Hyun… đang góp phần thay đổi định kiến khắt khe về cái đẹp.
Vẻ đẹp mạnh khỏe là vũ khí sắc bén của người mẫu ngoại cỡ. Người mẫu gầy có thể trở thành biểu tượng của giới idol, trong khi plus-size model được lòng phần lớn người bình thường.
Họ là minh chứng điển hình để các cô gái học cách yêu thương, trân trọng cơ thể và vẻ đẹp của chính mình, tạo nên sự công bằng trong lĩnh vực thời trang khi ai cũng có quyền lựa chọn trang phục mình mong muốn.
“Vẻ đẹp của phụ nữ là sự khỏe mạnh và thời trang là dành cho tất cả chứ không phải một nhóm người”, người mẫu ngoại cỡ Yeom Yoon Hye nói.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/phu-nu-chau-a-am-anh-co-the-gay-go-den-vo-ly-post1145267.html