Phụ nữ Châu Thành phát huy mô hình 'Biến rác thành tiền'

Những năm gần đây, phụ nữ huyện Châu Thành, tích cực tuyên truyền phụ nữ vùng nông thôn chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường. Từ đó, mô hình 'biến rác thành tiền' đã hình thành, giúp chị em phụ nữ có thêm nguồn kinh phí để hỗ trợ nhau trong lúc khó khăn.

Năm 2014, mô hình “biến rác thành tiền” của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam tỉnh Sóc Trăng được chọn báo cáo điển hình trong Hội nghị diễn đàn thường niên vùng duyên hải lần thứ III tại Campuchia và Thái Lan do Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế thực hiện. Từ đó, Hội LHPN tỉnh nhân rộng, phát triển mô hình đến các huyện, xã. Hiện nay, mô hình “biến rác thành tiền” nhân rộng khắp, góp phần tích cực trong việc làm thay đổi ý thức của người dân trong vùng nông thôn có đông đồng bào Khmer trong việc bảo vệ môi trường.

Chị em hội viên Hội LHPN xã Phú Tâm (Châu Thành) đang cân đồ nhôm, nhựa để bán ve chai. Ảnh: ĐA LIN

Chị em hội viên Hội LHPN xã Phú Tâm (Châu Thành) đang cân đồ nhôm, nhựa để bán ve chai. Ảnh: ĐA LIN

Hàng tháng, cứ đến ngày sinh hoạt nhóm, chị em phụ nữ ở ấp Phước Thuận, xã Phú Tân, (Châu Thành) đem theo bao, túi đựng rác chứa nào là chai, lon nước ngọt, chai dầu gội đầu, lon bia, thanh nhôm, nhựa… để bán ve chai. Số tiền bán được, chị em bỏ vào ống heo để hỗ trợ cho hội viên có hoàn cành khó khăn và lập quỹ để sinh hoạt. Chị Trần Thị Vui, ấp Phước Thuận nói: “Tôi thấy mô hình “biến rác thành tiền” có ý nghĩa thiết thực là vừa có tiền giúp nhau vượt qua khó khăn, vừa giữ gìn vệ sinh môi trường cho thôn xóm. Khi kết hợp mô hình này với mô hình 3 sạch (sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ), gia đình hội viên ai cũng sạch sẽ, thôn xóm cũng trở nên xanh - sạch - đẹp”.

Còn chị Thạch Thi Saly ở ấp An Trạch, xã An Hiệp (Châu Thành) cho biết: “Trước đây, tôi sử dụng chai nhựa xong là bỏ. Khi được hội LHPN tập huấn, tôi mới thấy được lợi ích khi giữ lại chai nhựa bán và tác hại khi bỏ ra môi trường. Từ đó, tôi phân loại rác, biết giữ vệ sinh quanh nhà, trồng bông trước cổng giữ cho môi trường xanh - sạch - đẹp. Hàng tháng, bán ve chai xong, tôi góp từ 10.000 - 20.000 đồng vào ống heo để hỗ trợ cho chị em còn khó khăn và làm quỹ hoạt động của câu lạc bộ. Tôi thấy mô hình thật sự hiệu quả”.

Chị Châu Hồng Hoa - Chủ tịch Hội LHPN huyện Châu Thành cho biết: "Đến nay, mô hình “Biến rác thành tiền” đã nhân rộng khắp các xã, thị trấn của huyện. Mô hình đã giúp chị em nâng cao ý thức bảo vệ môi trường nhờ xử lý rác thải, vừa có thêm số tiền tích lũy và xây dựng môi trường sạch, góp phần hoàn thành tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới”.

ĐA LIN

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/hoa-no-bon-mua/phu-nu-chau-thanh-phat-huy-mo-hinh-bien-rac-thanh-tien-49697.html