Phụ nữ có thai trên 7 tháng và nuôi con nhỏ dưới 1 tuổi vẫn phải làm thêm giờ

Đó là hạn chế được Ban Văn hóa - Xã hội chỉ ra qua giám sát việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống cho công nhân tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

>>> Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 13 HĐND tỉnh Hải Dương khóa XVI

Đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh báo cáo kết quả giám sát chuyên đề về thực hiện các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống cho công nhân trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh

Đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh báo cáo kết quả giám sát chuyên đề về thực hiện các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống cho công nhân trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh

Sáng 24.7, đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Trưởng Ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh báo cáo kết quả giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống cho công nhân tại các khu, cụm công nghiệp (KCN, CCN) trên địa bàn tỉnh” tại Kỳ họp 13 HĐND tỉnh.

Chung cư cho công nhân xây dựng 15 năm chưa có người thuê

Báo cáo nêu một loạt những hạn chế của các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong chăm lo đời sống người lao động, như: vẫn còn một số doanh nghiệp chưa tham gia hoặc tham gia chưa đầy đủ về số lượng người lao động và mức đóng BHXH; thực hiện làm thêm giờ nhiều hơn quy định. Có doanh nghiệp phụ nữ có thai trên 7 tháng và nuôi con nhỏ dưới 1 năm tuổi vẫn phải làm thêm giờ; chưa thực sự quan tâm đến môi trường làm việc và điều kiện vệ sinh an toàn lao động và chế độ độc hại. Nhiều doanh nghiệp chưa xây dựng được các công trình phúc lợi và tạo điều kiện cho người lao động có cơ hội, thời gian tham gia những hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao và các hoạt động khác.

Báo cáo cũng điểm tên một loạt công trình, dự án đầu tư xây dựng nhà ở, các công trình phục vụ công nhân ở KCN, CCN chưa hiệu quả, như: Khu dân cư và dịch vụ công nghiệp phường Ái Quốc (TP Hải Dương) cạnh KCN Nam Sách do Công ty CP đầu tư và xây dựng số 18 xây dựng 1 tòa nhà 5 tầng từ năm 2015, gồm 82 căn hộ cho công nhân và người có thu nhập thấp mua và thuê ở. Tuy nhiên, số lượng mua và cho thuê chưa đạt 50%. Đến nay người mua chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và thiếu các công trình phụ trợ, dịch vụ kèm theo.

Tòa nhà chung cư 5 tầng thuộc dự án Khu dân cư Đại An (cạnh KCN Đại An) được xây dựng từ năm 2005 đến nay chưa có người thuê. Nhà đầu tư hạ tầng KCN Đại An đã xây dựng công trình sân bóng, sân tennis nhưng hiện nay không có người sử dụng.

Công trình Ký túc xá cho người lao động của Công ty TNHH Công nghiệp Brother Việt Nam (thuộc KCN Phúc Điền) với công suất lên tới 2.000 chỗ ở cùng các thiết chế dịch vụ phục vụ sinh hoạt, văn hóa, giải trí, công nhân được ở miễn phí, chỉ phải nộp tiền điện, nước, vệ sinh 80.000 đồng/tháng. Tuy nhiên đến nay, ký túc xá chưa thu hút được đông đảo người lao động...

Việc thiếu nhà ở và các công trình phúc lợi xã hội cho người lao động gần các KCN, CCN dẫn đến cuộc sống một bộ phận người lao động gặp khó khăn, người lao động không gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, tỷ tệ biến động lao động trong các KCN hàng năm khoảng trên 40%. Khoảng 26% lao động trong các KCN thuê nhà ở giá rẻ, điều kiện sống không bảo đảm, an ninh trật tự phức tạp, thiếu thốn về sinh hoạt văn hóa tinh thần...

Nhiều lao động mất việc làm do Covid-19

Báo cáo đánh giá, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên tỷ lệ tham gia BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp những tháng đầu năm 2020 giảm mạnh. Nhiều lao động sau khi chấm dứt hợp đồng đã đề nghị hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Số lao động trong các KCN giảm đáng kể, trong 6 tháng đầu năm 2020 đã giảm gần 4.000 lao động, chủ yếu do đơn phương chấm dứt hợp đồng. Một số doanh nghiệp trong CCN phải cắt giảm quy mô sản xuất hoặc đóng cửa, tạm ngừng sản xuất, kinh doanh ảnh hưởng nhiều đến đời sống việc làm và thu nhập của người lao động.

Ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh kiến nghị UBND tỉnh sớm ban hành Quy chế phối hợp quản lý CCN trên địa bàn tỉnh; xem xét việc thành lập Ban Quản lý các CCN trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố; phê duyệt kế hoạch phát triển các CCN trên địa bàn tỉnh đến năm 2022. Ưu tiên thu hút vào KCN, CCN các dự án đầu tư thứ cấp có kỹ thuật công nghệ cao; tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nhà ở xã hội, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn ưu đãi, đầu tư các dự án nhà ở công nhân... Các sở, ngành, UBND cấp huyện tăng cường rà soát nhu cầu nhà ở, tham mưu bố trí quỹ đất ở trong các KCN, đề xuất cơ chế xây dựng nhà ở cho công nhân các KCN phù hợp với thực tiễn; tăng cường phối hợp quản lý hoạt động của các CCN đã được phê duyệt trên địa bàn; khảo sát, hướng dẫn, khuyến khích các hộ gia đình xây dựng nhà ở cho người lao động, kiến nghị các cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm khi phát hiện các vi phạm...

TRUNG THU - THÀNH CHUNG

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/lao-dong---viec-lam/phu-nu-co-thai-tren-7-thang-va-nuoi-con-nho-duoi-1-tuoi-van-phai-lam-them-gio-142275