Phụ nữ có tuổi và những thách thức về sức khỏe tâm thần

Bốn yếu tố chính gây ra tình trạng sức khỏe tâm thần kém ở phụ nữ lớn tuổi đã được xác định, đó chính là bệnh tật và tàn tật, sự bấp bênh về tài chính, bị ngược đãi, mất mát và đau buồn...

Dân số già ở Úc được ghi nhận rất kỹ lưỡng. Dân số trên 65 tuổi đã tăng từ 12,3% lên 15,9% trong 20 năm qua. Nhóm này được dự đoán sẽ tăng nhanh hơn trong thập kỷ tới, khi các nhóm tuổi khác trong Thế hệ bùng nổ trẻ sơ sinh bước sang tuổi 65. Các thành viên của thế hệ này (sinh năm 1946-1964) hiện đã ở độ tuổi 50, 60 và 70. Thông thường, khái niệm dân số già được hiểu theo nghĩa là xã hội đang đối mặt với sự đi xuống. Việc xã hội hình thành nhiều nhóm dân số già hơn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tâm thần.

Sức khỏe tinh thần tốt là yếu tố cốt lõi để đạt được sự tương tác xã hội tuyệt đối. Nhóm Sức khỏe Phụ nữ và Toàn cầu của Đại học Monash đã thực hiện một nghiên cứu định tính nhằm phỏng vấn các phụ nữ thuộc Thế hệ bùng nổ trẻ sơ sinh để hiểu rõ điều gì giúp ích và cản trở sức khỏe tâm thần của họ(*). Nghiên cứu tập trung chủ yếu vào phụ nữ vì có bằng chứng cho thấy rằng trải nghiệm lão hóa phụ thuộc vào giới tính.

Nghiên cứu của Đại học Monash đã được công bố trên Plos One và đây cũng là nghiên cứu đầu tiên về loại hình này được thực hiện tại Úc.

Những kết quả được nêu ra trong nghiên cứu cho thấy rằng các hoàn cảnh xuất hiện trong suốt cuộc đời có thể ảnh hưởng sâu sắc đến sức khỏe tâm thần của phụ nữ khi về già. Điều này một lần nữa cho thấy sự cần thiết của các chính sách chống phân biệt đối xử, chăm sóc sức khỏe toàn diện, cũng như các cấu trúc xã hội nhằm hỗ trợ và nâng cao cuộc sống của các bé gái và phụ nữ. Mọi lứa tuổi sẽ được hưởng lợi ích từ chính sách này, bao gồm cả phụ nữ lớn tuổi, những người sẽ có khả năng đóng góp ngày càng nhiều hơn cho xã hội.

Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: Stepsgroup

Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: Stepsgroup

Đại học Monash đã thực hiện những cuộc phỏng vấn định tính với 18 phụ nữ đến từ các vùng nông thôn và thành thị ở Úc. Các phụ nữ này thừa hưởng những nền tảng gia đình khác nhau và đa dạng trong trình độ học vấn, tình trạng việc làm, trải nghiệm sống và độ tuổi. Dữ liệu được phân tích theo chủ đề. Sức khỏe tinh thần được tất cả những người tham gia công nhận là quan trọng.

Những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tâm thần

Bốn yếu tố chính gây ra tình trạng sức khỏe tâm thần kém ở phụ nữ lớn tuổi đã được xác định, đó chính là bệnh tật và tàn tật, sự bấp bênh về tài chính, bị ngược đãi, mất mát và đau buồn.

Hầu hết phụ nữ khi được phỏng vấn đều xác định được mối tương quan giữa sức khỏe thể chất và tinh thần. Chẳng hạn, Kay - một người được phỏng vấn, cho biết rằng cô ấy nhận ra bệnh tật có thể khiến bạn lâm vào tình trạng sức khỏe tâm thần yếu kém.

Mối liên hệ thường xuyên được xác định giữa bệnh tật hoặc khuyết tật với sức khỏe tâm thần kém nằm ở việc chúng hạn chế các hoạt động thúc đẩy sức khỏe tâm thần tốt.

Cho dù đã hoặc chưa từng trải qua, tất cả phụ nữ đều tán thành rằng tình trạng bấp bênh về tài chính là mối đe dọa đối với sức khỏe tâm thần.

Một trong những người được phỏng vấn, Dorothy, chia sẻ rằng cô biết về những phụ nữ lớn tuổi “sống trong cảnh nghèo đói” và nhận thấy điều đó “gây tổn hại” đến sức khỏe tâm thần của họ.

Những mối quan hệ thân mật được ghi nhận là có ảnh hưởng sâu sắc đến sức khỏe tinh thần của phụ nữ lớn tuổi.

Một số phụ nữ đã phải trải qua sự ngược đãi đáng kể và điều đó ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của họ. Sự đối xử tệ bạc có thể đến từ việc bị cha mẹ bỏ rơi hoặc ngược đãi khi còn nhỏ, bạo lực tái xuất hiện khi trưởng thành, bạo lực do bạn đời gây ra, lạm dụng tài chính bởi đối tác kinh doanh, bắt nạt hoặc sự cô lập nơi công sở, phân biệt chủng tộc, nỗi sợ hãi, bạo lực chiến tranh lan tràn và hiện tượng bị khủng hoảng dai dẳng khi là một người tị nạn.

Tất cả phụ nữ đều mô tả trải nghiệm mất mát và đau buồn là thách thức đối với sức khỏe tâm thần. Họ nói về những mất mát của riêng họ, và về nỗi đau nói chung. Ngoài việc mất đi niềm vui trong các hoạt động (và có thể là đánh mất bản thân) do bệnh tật và khuyết tật, họ còn nhìn nhận việc nghỉ hưu, sự qua đời hoặc xa cách các thành viên trong gia đình, cùng với việc cộng đồng như là những yếu tố khác.

Hầu hết phụ nữ đều cho rằng hoạt động thể chất góp phần vào sức khỏe tinh thần tốt. Ảnh minh họa

Hầu hết phụ nữ đều cho rằng hoạt động thể chất góp phần vào sức khỏe tinh thần tốt. Ảnh minh họa

Những nhân tố góp phần vào việc xây dựng nên sức khỏe tinh thần tốt

Các mối quan hệ phụ thuộc trong xã hội, cảm giác được coi trọng, hoạt động thể chất, dinh dưỡng tốt, và có đức tin hoặc niềm tin được xác định là những yếu tố chính góp phần tạo nên sức khỏe tinh thần tốt. Các dạng quan hệ phụ thuộc hoặc từ nhiều nguồn khác nhau đều được xác định là quan trọng đối với sức khỏe tâm thần. Phụ nữ nói về việc hỗ trợ và được hỗ trợ bởi người cộng sự, trẻ em, các thành viên khác trong gia đình, bạn bè và cộng đồng lớn hơn.

Những ảnh hưởng xã hội và cá nhân khác lên sức khỏe tâm thần: Những ảnh hưởng khác đến sức khỏe tâm thần bao gồm các mối quan hệ thân mật và tình dục, sự phân biệt tuổi tác, giới tính và văn hóa. Mối quan hệ thân mật được nhìn nhận là có ảnh hưởng sâu sắc đến sức khỏe tinh thần của phụ nữ lớn tuổi.

Một số phụ nữ đề cập đến tính kiến tạo xã hội nằm trong khái niệm lão hóa, và thái độ đối với phụ nữ lớn tuổi cũng như cách mà chúng ảnh hưởng tới sức tâm thần. Olivia chia sẻ rằng việc xã hội phớt lờ những người phụ nữ lớn tuổi là rất dễ xảy ra. Một số phụ nữ cũng cho rằng sự khác biệt về giới trong quá trình lão hóa có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần.

Lời kể của những người tham gia phỏng vấn về những điều khiến họ cảm thấy được trân trọng đã đem đến cái nhìn bổ ích, đặc biệt là khi họ làm sáng tỏ cách trải nghiệm ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần.

Việc cảm thấy bản thân có giá trị đóng góp những điều ý nghĩa có tầm quan trọng rất đặc biệt. Điều này có thể đến từ việc giúp đỡ người khác và hoạt động tình nguyện, tham gia hoặc hỗ trợ nghiên cứu, quyên góp cho những nỗ lực nghệ thuật, hiến máu hoặc làm điều dưỡng viên hoặc tham gia vào một công việc được đánh giá cao mặt giá trị đem lại.

Hầu hết phụ nữ đều cho rằng hoạt động thể chất góp phần vào sức khỏe tinh thần tốt. Các hoạt động mà họ mô tả bao gồm làm vườn, đi bộ, bơi lội, học nhóm, đi bộ trong rừng, khiêu vũ, chạy, đi xe đạp, cưỡi ngựa và trượt tuyết.

Phần lớn phụ nữ đồng ý rằng dinh dưỡng tốt mang một tầm quan trọng đối với phụ nữ lớn tuổi, mặc dù vai trò của họ trong việc duy trì sức khỏe tinh thần tốt là khác nhau.

Một số phụ nữ viện dẫn vai trò của đức tin hoặc niềm tin trong việc góp phần vào sức khỏe tinh thần tốt. Họ đề cập đến tâm linh chung, phong tục tập quán phương Đông và Cơ đốc giáo.

Điều mà những phụ nữ lớn tuổi cần

Để cải thiện sức khỏe tâm thần khi về già, những người tham gia phỏng vấn đã chia sẻ về sự cấp thiết của giáo dục công, đồng thời đảm bảo phụ nữ lớn tuổi luôn có vai trò nhất định trong xã hội, cung cấp đầy đủ các dịch vụ và nguồn lực cũng như sự chăm sóc từ các nhà cung cấp dịch vụ y tế.

Chủ đề xuyên suốt những cuộc phỏng vấn được tóm gọn trong chia sẻ của Joy về yếu tố cốt lõi góp phần tạo nên sức khỏe tinh thần tốt ngay cả khi về già, đó chính là “tìm thấy mục đích sống” và “có khả năng đạt được điều đó”..

Trà My

_______________

(*) Nghiên cứu này được thực hiện nhờ vào một khoản tài trợ lớn đến từ Quỹ Liptember.

Nguồn bài báo nghiên cứu: https://lens.monash.edu/2021/10/21/1383906/the-mental-health-challenges-ageing-women-face-insights-from-female-baby-boomers

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/phu-nu-co-tuoi-va-nhung-thach-thuc-ve-suc-khoe-tam-than-32608.html