Phụ nữ độc thân bị kỳ thị nhiều hơn đàn ông?
Kết hôn muộn và gia tăng tỉ lệ người độc thân là tình trạng chung ở nhiều quốc gia. Thế nhưng, dường như xã hội vẫn chưa có cái nhìn cởi mở với những người chưa tìm được một nửa.
Việc nhiều người lựa chọn sống độc thân, hay kết hôn ở tuổi ngoài 30, thậm chí hơn 40, không còn là câu chuyện ở phương Tây. Từ hơn một thập kỷ qua, điều này đã trở thành vấn đề của các nước châu Á trong đó có Việt Nam. Do ảnh hưởng từ các quan niệm của đạo Phật và Khổng giáo, người độc thân đã phải chịu vô số áp lực từ gia đình và những người xung quanh.
Trong đó, phụ nữ độc thân luôn bị “lép vế” hơn so với đàn ông. Họ thường xuyên phải nghe những "lời khuyên” về chuyện yêu đương và kết hôn. Điều đó khiến cho nhiều cô gái cảm thấy bế tắc. Dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu, tiến sĩ tâm lý Đặng Hoàng Ngân đã đưa ra những lời khuyên hữu ích cho những người phụ nữ còn đang “đi về lẻ bóng” trong cuốn sách Một mình tìm một nửa.
Hãy học cách bình tĩnh khi chỉ có một mình
“Một mình có đáng sợ không?” tác giả Đặng Hoàng Ngân đã mở đầu cuốn sách của mình bằng một câu hỏi như vậy. Ngày nay, khi mà vị thế của người phụ nữ trong xã hội ngày càng được nâng cao, họ có thể tìm được những công việc với mức thu nhập ngang bằng, thậm chí còn cao hơn các đồng nghiệp nam thì việc sống một mình không còn là vấn đề lớn.
Thế nhưng, việc một người “lựa chọn cuộc sống độc thân” hoặc “chưa tìm được đối tượng kết hôn”, vẫn bị những người xung quanh coi là “chuyện không bình thường” vì điều đó đi ngược lại với quy luật tự nhiên đó là: Trưởng thành, sau đó kết hôn và sinh con.
Chuyện người độc thân bị đối xử không công bằng, thậm chí là kỳ thị, có ở khắp nơi trên thế giới. Ở các nước châu Âu vẫn xảy ra tình trạng các nhân viên đang độc thân phải làm tăng ca nhiều hơn so với đồng nghiệp đã có gia đình. Cấp trên cũng như các đồng nghiệp mặc định là họ rảnh rỗi vào dịp cuối tuần. Điều này khiến cho những người độc thân cảm thấy bức xúc, thậm chí là bất mãn.
Ở một số quốc gia, người độc thân bị đánh thuế cao hơn trong một số hạng mục. Vì không sinh ra thế hệ tiếp theo, nên những người chọn cuộc sống độc thân vĩnh viễn bị cho là ít đóng góp cho xã hội hơn so với những người có gia đình. Tương tự như vậy, những người độc thân nhưng “vẫn có ý định kết hôn”, sẽ ít bị kỳ thị hơn so với những người “không có ý định kết hôn”.
Theo tiến sĩ Đặng Hoàng Ngân, ở Việt Nam áp lực lớn nhất đối với người độc thân, đặc biệt là phụ nữ vẫn đến từ gia đình, và những người quen của họ. Nếu đến tuổi mà vẫn chưa kết hôn, các cô con gái sẽ bị xem là “mối lo thường trực” trong lòng cha mẹ. Thậm chí, họ còn bị xem là một người “không bình thường” hoặc “chắc gặp vấn đề nào đó” nên chưa kết hôn.
Trong những dịp gặp gỡ giữa họ hàng, người độc thân hay gặp những câu hỏi như: “Đã yêu ai chưa? Bao giờ định cưới?”, hay những lời khuyên như: “Tuổi không còn trẻ nữa, nên kết hôn đi!” khiến cho người bị hỏi luôn cảm thấy khó chịu và cảm thấy áp lực.
Theo tác giả, vì những “câu hỏi mang tính xâm nhập” đó, nhiều người đã mất đi sự thoải mái vốn có và bắt đầu có cảm thấy bất an. Thay vì sống vui vẻ và lạc quan, họ hình thành những lo lắng về tình trạng độc thân của mình và “phải cố gắng” tỏ ra vui vẻ.
Có quá khó để tìm một nửa?
Ngoài chia sẻ những nỗi niềm và áp lực mà phụ nữ độc thân phải chịu trước sự quan tâm thái quá từ những người xung quanh, tác giả Đặng Hoàng Ngân còn mang đến cho bạn đọc những lời khuyên hữu ích trên hành trình đi tìm một nửa đích thực của đời mình.
Vì áp lực từ những người xung quanh, nhiều phụ nữ độc thân quyết định “hạ thấp tiêu chuẩn” để có được một đối tượng kết hôn, nhằm thoát khỏi cảnh “gái ế”. Thế nhưng, nhiều cô gái đã phải vỡ mộng và luôn cảm thấy thất vọng khi không tìm được tiếng nói chung với người chồng của mình. Đến lúc đó, họ tự trách bản thân vì trước kia đã quyết định thỏa hiệp.
Tất nhiên, trên thế giới này không có ai là hoàn hảo cả. Ai cũng có khuyết điểm. Để chung sống với một người, bạn phải chấp nhận những điều chưa hoàn hảo của đối phương và cùng nhau khắc phục.
Cuốn sách đem tới những câu chuyện rất thật mà chúng ta có thể gặp trong đời sống về những cô gái đang mắc kẹt ở trạng thái “một mình”.
Nhưng nếu đã biết được khuyết điểm của đối phương mà vẫn muốn tiến tới hôn nhân, hay tình yêu lâu dài, các cô gái nên tự hỏi bản thân: “Mình có chấp nhận được khuyết điểm của anh ấy không?”. Nếu bình tĩnh suy xét, mà câu trả lời vẫn là “có” bạn mới có thể tiếp tục.
Hôn nhân là một lựa chọn quan trọng trong cuộc đời, nên luôn phải suy nghĩ kỹ càng trước khi quyết định, theo tiến sĩ Đặng Hoàng Ngân, có khá nhiều “loại” tình yêu. Có những mối tình phù hợp để đi tới hôn nhân, còn một số “kiểu” tình yêu khác chỉ phù hợp để họ hẹn và chưa nên tiến xa hơn. Dù đang ở trong một mối quan hệ yêu đương, chúng ta cũng nên suy nghĩ chín chắn trước khi tiến tới hôn nhân.
Một mình tìm một nửa là một cuốn sách tâm lý được viết công phu và tỉ mỉ. Tiến sĩ Đặng Hoàng Ngân đã đưa ra các nhận định một cách khách quan, dựa trên các số liệu cụ thể mà cô thu thập được sau trong nhiều nguồn tài liệu trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, với cái nhìn mang tính xã hội học, tác giả đã chỉ rõ những khó khăn mà phụ nữ độc thân ở Việt Nam đang phải chịu.
Không chỉ có vậy, cuốn sách còn đem tới những câu chuyện rất thật mà chúng ta có thể gặp trong đời sống về những cô gái đang mắc kẹt ở trạng thái “một mình”. Bạn đọc sẽ cảm nhận được sự đồng cảm khi thấy hình ảnh của mình trong đó. Lật mở từng trang sách, các cô gái có cảm giác như đang nhỏ to tâm sự cùng một người bạn thân.
Tác giả Đặng Hoàng Ngân tốt nghiệp thạc sĩ tâm lý học thát triển trẻ em và thanh thiếu niên tại Toulouse Jaurès, Pháp và tiến sĩ tâm lý học tại Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội. Hiện cô giảng dạy Tâm lý học tại Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn và hỗ trợ tâm lý cho người trưởng thành.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/phu-nu-doc-than-bi-ky-thi-nhieu-hon-dan-ong-post1189658.html