Phụ nữ Đơn Dương tự tin làm chủ kinh tế tập thể
Với sự hỗ trợ, tạo điều kiện của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đơn Dương và sự nỗ lực, mạnh dạn của các hội viên, nhiều mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã, tổ hợp tác… đã được thành lập và gặt hái kết quả khả quan. Nhờ đó, không những đời sống vật chất và tinh thần của chị em được cải thiện, mà vị thế, vai trò của phụ nữ trong gia đình, xã hội cũng được ghi nhận.
Với mục tiêu hỗ trợ phụ nữ nghèo vùng đồng bào DTTS cải thiện hiệu quả sản xuất, phát triển kinh tế, từ đầu năm 2021, Hội Phụ nữ xã Tu Tra thành lập Tổ hợp tác nuôi heo đen với 7 hội viên. Những thành viên ban đầu này đều là những hội viên phụ nữ thuộc diện khó khăn nhất của địa phương. Dù mới hoạt động chưa được một năm, nhưng những kết quả ban đầu của Tổ hợp tác đã giúp các thành viên lạc quan về hướng đi và tự tin đối mặt thách thức, khó khăn trên con đường phát triển sản xuất của mình.
Vượt qua quãng đường đất đỏ ngập đầy bụi đến thôn R’Lơm, chúng tôi cùng với cán bộ Hội Phụ nữ xã tìm đến nhà chị Ma Tiền (45 tuổi) - một trong những hội viên phụ nữ được hỗ trợ nuôi heo đen. Trước đây, gia đình vốn đã nghèo khó, con gái thứ hai của chị lại mắc bệnh thận khiến cuộc sống gia đình lại càng thêm túng quẫn. Mọi tài sản, đất đai, của cải của gia đình cũng lần lượt ra đi theo những lần đưa con đi chạy thận. Để trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày và chăm lo bệnh tình cho con, chị và chồng phải làm thuê và vay mượn khắp nơi. Hội Phụ nữ xã Tu Tra đã vận động chị tham gia vào tổ hợp tác nuôi heo đen để giúp kinh tế gia đình bớt khó khăn. Vừa cho heo ăn, chị Ma Tiền vừa phấn khởi nói: “Việc chăm sóc heo đen khá đơn giản, thức ăn được tận dụng từ rau, củ thừa, sắn, ngô, cám; sức đề kháng heo đen tốt nên cũng ít bệnh hơn. Chỉ còn 2 đến 3 tháng nữa heo cũng đến kỳ nhân giống, có thể tăng đàn, hi vọng, thời gian tới, từ đàn heo này, gia đình sẽ đỡ khó khăn hơn”.
Bà Nguyễn Thị Loan - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tu Tra cho biết, địa phương có hơn 60% dân số là đồng bào DTTS. Heo đen là loài dễ nuôi đối với bà con ở đây. Do đó, Hội đã thành lập Tổ hợp tác nuôi heo đen, với mục đích giúp chị em phụ nữ nghèo vùng DTTS có thêm điều kiện cải thiện thu nhập. Tham gia mô hình, mỗi gia đình hội viên sẽ được hỗ trợ một cặp heo đen, với nguồn kinh phí được trích từ quỹ xã hội hóa của Hội. Trong quá trình triển khai, Hội thường xuyên đến nhà thăm hỏi, hướng dẫn cách chăm sóc, phòng bệnh để heo phát triển tốt nhất. Hội đề ra mục tiêu mỗi năm, tổ hợp tác có thể giúp 3 hộ phụ nữ khó khăn vươn lên thoát nghèo. “Kể từ ngày thành lập đến nay, tổ hợp tác đã giúp cho 7 chị em thoát nghèo; hầu hết hội viên đều phấn khởi, nỗ lực chăm sóc và tăng đàn để cải thiện thu nhập” - bà Loan chia sẻ.
Không riêng gì Tu Tra, các Hội phụ nữ xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đơn Dương những năm gần đây cũng quan tâm và tạo điều kiện cho các mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ làm chủ phát triển. Nhiều hợp tác xã do phụ nữ thành lập đã phát triển lớn mạnh, bền vững, có năng suất cao, đầu ra ổn định. Điển hình như Tổ hợp tác tiết kiệm và vay vốn sản xuất rau công nghệ cao xã Lạc Lâm, Hợp tác xã trùn quế Đơn Dương, Tổ hợp tác nuôi heo Tu Tra và Hợp tác xã rau sạch nông trại xanh Lạc Xuân...
Bà Phan Thị Hoài Thanh - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đơn Dương cho biết, thời gian qua, dưới các hình thức vận động, tuyên truyền, tập huấn, khuyến khích các hội viên tham gia các cuộc thi khởi nghiệp… để nâng cao kiến thức, kỹ năng phát triển kinh tế và trao đổi, giao lưu học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Bà Thanh cho rằng, việc thành lập và phát triển các mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ làm chủ không chỉ góp phần phát triển khả năng tự chủ làm kinh tế của phụ nữ mà con giúp cho các hội viên có cơ hội, điều kiện để liên kết sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, ổn định đầu ra và có thể tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau. Cũng từ các mô hình này mà nhiều phụ nữ tự tin và khẳng định được giá trị của mình.
Mặc dù thời gian triển khai chưa lâu, nhưng theo bà Thanh thì các mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ làm chủ đã có nhiều điểm sáng, lợi thế. Bên cạnh nghị lực vươn lên và tận tâm với công việc, sự đồng cảm chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ lẫn nhau giúp cho mô hình được nhân rộng dễ dàng hơn, thời gian để các thành viên mới bắt nhịp tiến độ chung của tập thể cũng được rút ngắn đáng kể. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất cho các mô hình này vẫn là yếu tố đầu ra cho sản phẩm. “Một số chị em phụ nữ vẫn còn loay hoay trong vấn đề này, làm cho xu hướng thành lập kinh tế tập thể mới, trong thời gian qua, cũng chững đi phần nào” - bà Thanh nói.
Do vậy, để chị em tự tin tham gia các mô hình này, thời gian tới, ngoài tuyên truyền, vận động, đào tạo, tập huấn, Hội sẽ vận động thực hiện các mô hình liên kết tạo thành chuỗi giá trị, nâng cao sức cạnh tranh, hỗ trợ lẫn nhau trong việc thâm nhập nhập và ổn định thị trường.