Phụ nữ đồng bào Bru – Vân Kiều thoát khỏi ràng buộc của hủ tục nhờ sớm triển khai dự án

Những tổ 'Tuyên truyền thông cộng đồng' hoạt động có hiệu quả, phát huy vai trò của già làng trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng. Phụ nữ đồng bào dần cởi bỏ những rào cản, định kiến để có cuộc sống tốt hơn.

Xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình là xã vùng biên, có địa bàn rộng, chủ yếu là đồi núi hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, có những bản cách rất xa trung tâm xã. Hơn 60% dân cư nơi đây là bà con đồng bào Bru – Vân Kiều, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, cuộc sống của người dân chủ yếu dựa vào rừng. Một số hủ tục vẫn tồn tại là rào cản lớn đối với sự phát triển của đời sống, đặc biệt ảnh hưởng lớn tới phụ nữ và trẻ em.

Trường Sơn là xã vùng biên, có địa hình rộng, phức tạp với phần lớn cư dân là đồng bào Bru - Vân Kiều.

Trường Sơn là xã vùng biên, có địa hình rộng, phức tạp với phần lớn cư dân là đồng bào Bru - Vân Kiều.

Đi ngược với số đông, có một người phụ nữ dũng cảm phá bỏ hủ tục. Đó là bà Hồ Thị Con, trú bản Bến Đường, xã Trường Sơn - người phụ nữ Bru- Vân Kiều đầu tiên ở Quảng Bình phá bỏ hủ tục nối dây.

Hủ tục "nối dây" là một luật tục tồn tại lâu đời trong cộng đồng người Vân Kiều. Đây là kiểu hôn nhân mà khi người chồng hoặc vợ qua đời, người còn lại muốn tái hôn buộc phải lấy một người trong gia đình vợ hoặc chồng, có thể là em gái vợ, em trai chồng.

Chồng bà Hồ Thị Con qua đời, bà thành góa phụ ở tuổi 43 với đàn con thơ. Theo phong tục của đồng bào, bà phải làm vợ của em trai ruột người chồng đã mất. Bà Hồ Thị Con không đồng ý và bị họ hàng xa lánh, đưa ra các hình phạt, bắt cúng thần, cúng ma.

Một số hủ tục còn tồn tại sẽ là rào cản lớn đối với sự phát triển của đời sống, đặc biệt ảnh hưởng lớn tới phụ nữ và trẻ em.

Một số hủ tục còn tồn tại sẽ là rào cản lớn đối với sự phát triển của đời sống, đặc biệt ảnh hưởng lớn tới phụ nữ và trẻ em.

Thay vì phải chịu những hình phạt đó, bà Hồ Thị Con nhờ đến chính quyền, cấp hội đoàn thể bằng pháp luật, chính sách để bảo vệ người phụ nữ. Bà xin ra khỏi dòng họ để thoát khỏi hủ tục nối dây và ở vậy nuôi con, thờ chồng.

Sau đó bà Con cũng tham gia và đảm nhận nhiều chức vụ tại các tổ chức chính quyền. Bà tích cực tuyên truyền, vận động bản làng về chính sách, pháp luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, ngăn chặn tảo hôn và hôn nhân cận huyết.

"Tôi đi các bản tuyên truyền vận động về luật pháp. Phải xóa bỏ các hủ tục xưa nay, tất các các phong tục tập quán lạc hậu có hại đến đời sống của gia đình. Mình động viên chị em đừng sợ hủ tục, đừng lo lắng, đừng ép bản thân phải tuân theo hủ tục mà khổ. Phong tục tập quán nhưng phải hợp với pháp luật, phải giải phóng cho người phụ nữ", bà Con cho biết.

Xã Trường Sơn sớm thành lập "Tổ truyền thông cộng đồng" và thực hiện các hoạt động thực tiễn.

Xã Trường Sơn sớm thành lập "Tổ truyền thông cộng đồng" và thực hiện các hoạt động thực tiễn.

Từ cuối năm 2022, Xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh là xã tiên phong trong triển khai Dự án 8 về "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" bằng việc xây dựng và vận hành mô hình "Tổ truyền thông cộng đồng". Tổ truyền thông cộng đồng huy động được lực lượng nòng cốt là cán bộ từ thôn, bản, già làng, người có uy tín trong cộng đồng tham gia.

Bà Hồ Thị Con cũng là một trong những người đi đầu trong thay đổi nếp nghĩ, cách làm, dần xóa bỏ những hủ tục, văn hóa lạc hậu, lan tỏa và giúp cho người dân có thêm sự hiểu biết, sẻ chia, đồng hành, giúp cho phụ nữ và trẻ em phát triển.

Bà Trần Thị Thùy Dung, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh cho biết, nhờ việc tuyên truyền tích cực, mưa dầm thấm lâu, phụ nữ Vân Kiều ở Trường Sơn không còn bó buộc trong những hủ tục lạc hậu. Chị em được "giải phóng" khỏi những khắt khe của tục lệ và được giao lưu với nhau, hội họp ca hát trong những dịp lễ hội.

Các Tổ truyền thông cộng đồng huy động được lực lượng nòng cốt là cán bộ từ thôn, bản, già làng, người có uy tín trong cộng đồng tham gia.

Các Tổ truyền thông cộng đồng huy động được lực lượng nòng cốt là cán bộ từ thôn, bản, già làng, người có uy tín trong cộng đồng tham gia.

"Tổ truyền thông cộng đồng tổ chức các cuộc truyền thông tại thôn, bản nhằm nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, về phòng chống bạo lực gia đình, bảo vệ trẻ em, thay đổi định kiến về giới tính, thậm chí thay đổi tư duy của nam giới chứ không chỉ riêng tuyên truyền cho chị em phụ nữ. Mưa dầm thì thấm lâu, lâu dần tư duy của bà con đồng bào đã khác hơn", bà Dung cho biết.

Bà Châu Thị Định, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Bình cho biết, tỉnh Quảng Bình hiện có 42 tổ truyền thông cộng đồng tại các khu dân cư, bản làng miền núi, biên giới. Mô hình này góp phần xóa bỏ các định kiến giới, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, xóa bỏ những tập tục văn hóa có hại và giải quyết một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em.

Quảng Bình hiện có 42 tổ truyền thông cộng đồng tại các khu dân cư, bản làng miền núi, biên giới. Mô hình này góp phần xóa bỏ các định kiến giới, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, xóa bỏ những tập tục văn hóa có hại...

Quảng Bình hiện có 42 tổ truyền thông cộng đồng tại các khu dân cư, bản làng miền núi, biên giới. Mô hình này góp phần xóa bỏ các định kiến giới, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, xóa bỏ những tập tục văn hóa có hại...

"Tổ truyền thông cộng đồng hoạt động thực sự có hiệu quả, phát huy vai trò của già làng trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng, chia sẻ với các hộ gia đình, tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia vào các hoạt động phát triển kinh tế. Phụ nữ không chỉ quanh quẩn việc bếp núc nội trợ trong gia đình mà có thể dần dần cởi bỏ những rào cản về định kiến, phụ nữ có thể tham gia cả những công việc của xã hội", bà Định chia sẻ.

Video: Đồng bào Bru – Vân Kiều vùng biên viễn tự hào tổ chức lễ hội được công nhân là di sản phi vật thể quốc gia.

Đan Thanh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/phu-nu-dong-bao-bru-van-kieu-thoat-khoi-rang-buoc-cua-hu-tuc-nho-som-trien-khai-du-an-169231115071614945.htm