Phụ nữ gốc Á ở New York bị hành hung nhiều hơn trong đại dịch

Số vụ hành hung người gốc Á ở New York đã tăng gấp nhiều lần kể từ khi có đại dịch. Tuy nhiên, cảnh sát thành phố này vẫn chưa có động thái bảo vệ quyết liệt.

Maggie Cheng chưa bao giờ thấy mình khóc nhiều như lúc cô xem video ghi lại cảnh mẹ mình bị xô ngã xuống đất giữa khu phố xá đông đúc ở khu vực quận Queens (New York, Mỹ).

“Tôi chỉ dám xem cảnh đó một lần. Bà ấy bị xô đẩy, hành xử thô bạo như thể một vật cần vứt bỏ”, Maggie nói với New York Times.

Cùng ngày 19/2, 4 vụ tấn công khác nhằm vào phụ nữ gốc Á xảy ra ở Big Apple (biệt danh của New York). Nỗi lo ngại về làn sóng phân biệt chủng tộc nhắm vào người Mỹ gốc Á trong đại dịch đã xuất hiện trở lại.

 Hai anh em Sam và Maggie Cheng đứng tại góc phố nơi mẹ họ bị kẻ lạ mặt tấn công. Ảnh: NY Times.

Hai anh em Sam và Maggie Cheng đứng tại góc phố nơi mẹ họ bị kẻ lạ mặt tấn công. Ảnh: NY Times.

Phụ nữ gốc Á dễ lọt vào tầm ngắm

Tháng 4 năm ngoái, Crisanna Tang (31 tuổi) đang đi tàu điện ngầm để đi làm vào buổi sáng thì một người đàn ông không đeo khẩu trang tiến lại gần, nhổ nước bọt vào cô và hét lên rằng người Trung Quốc đã gây ra virus. Không ai trong số các hành khách khác làm gì can thiệp.

“Tôi đã thốt lên vì không thể tin rằng điều này đang thực sự xảy ra với mình”, cô kể lại.

Hiện tại, Tang chuyển sang đi xe buýt, chi phí đắt hơn nhưng an toàn hơn tàu điện ngầm. Trong túi cô lúc nào cũng có bình xịt hơi cay dự phòng.

“Tôi chỉ ước những sự cố này sẽ dừng lại. Tôi lo lắng cho cộng đồng người cao tuổi”, cô bày tỏ.

Giống Tang, Yen Yen Pong (37 tuổi), mua bình xịt hơi cay sau khi một người lạ không đeo khẩu trang tình cờ bắt gặp cô trên đường. Kẻ này hét lên nhiều lời lẽ phân biệt chủng tộc. Sau khi Pong cố gắng chụp ảnh lại, kẻ xấu giật điện thoại và đập vỡ nó.

Theo Pong, phụ nữ gốc Á trở thành mục tiêu tiềm năng hơn các đối tượng khác. “Thứ nhất, tôi là người châu Á. Thứ hai, tôi là phụ nữ. Điều gì khiến tôi dễ lọt vào tầm ngắm hơn thế?”, Pong nói.

 Số vụ tấn công vào người gốc Á tại New York đã tăng hơn 9 lần trong năm 2020. Ảnh: Reuters.

Số vụ tấn công vào người gốc Á tại New York đã tăng hơn 9 lần trong năm 2020. Ảnh: Reuters.

28 vụ tấn công nhắm vào người gốc Á được ghi nhận ở New York trong năm 2020, chưa tính đến những trường hợp không báo cáo với cảnh sát. Con số vào năm 2019 chỉ dừng ở mức 3 trường hợp.

Tại New York, nơi người gốc Á chiếm khoảng 16% dân số, bạo lực đã khiến nhiều người lo lắng, sợ hãi và cả tức giận.

“Các cuộc tấn công diễn ra ngẫu nhiên, nhanh chóng và độc ác. Nhiều người e dè, không dám ra khỏi nhà”, Jo-Ann Yoo, giám đốc điều hành của Asian American Federation, một mạng lưới các nhóm cộng đồng phi lợi nhuận, cho biết.

Dẫu vậy, nhiều cuộc tấn công không dẫn đến cáo buộc nào. Cảnh sát cần bằng chứng cho thấy kẻ tấn công có lời nói, hành động hay tiền sử thể hiện sự phân biệt chủng tộc.

Tháng 4 năm ngoái, một phụ nữ gốc Á 39 tuổi bị người lạ tạt axit khi đang đi đổ rác ngoài cửa nhà, khiến vùng mặt, tay và cổ bị bỏng nặng.

Đến tháng 7, hai người đàn ông châm lửa đốt người phụ nữ gốc Á 89 tuổi ở Brooklyn. Cả hai vụ việc đều bị cảnh sát kết luận không đủ cơ sở để liệt vào tội thù hằn, phân biệt chủng tộc.

Trong đầu năm nay, 2 vụ việc hành hung nhằm vào người gốc Á ở New York đang bị xử lý hình sự. Vụ gần nhất được đem ra xét xử liên quan đến việc người đàn ông 36 tuổi bị đâm gần khu Chinatown và được đưa đến bệnh viện trong tình trạng nguy kịch.

 Stewart Loo, người phụ trách nhóm chống nạn hành hung người gốc Á của Sở Cảnh sát New York, phát biểu tại một sự kiện để nâng cao nhận thức về chống phân biệt chủng tộc. Ảnh: NY Times.

Stewart Loo, người phụ trách nhóm chống nạn hành hung người gốc Á của Sở Cảnh sát New York, phát biểu tại một sự kiện để nâng cao nhận thức về chống phân biệt chủng tộc. Ảnh: NY Times.

Các nhà chức trách cho biết ban đầu thủ phạm đối mặt với cáo buộc phân biệt chủng tộc, song cuối cùng lực lượng chức năng đã rút lại.

Một phát ngôn viên của Sở Cảnh sát New York cho biết động cơ của các vụ tấn công không rõ ràng, bao gồm cả vụ mẹ của Cheng. Phản ứng của lực lượng cảnh sát New York cũng bị đánh giá là chậm chạp, hời hợt.

Nạn nhân bị chấn thương tâm lý lâu dài

Cuối tháng 2, thị trưởng Bill de Blasio cho biết thành phố đang nỗ lực tăng cường kết hợp với các nhà lãnh đạo cộng đồng, thành lập trang web để giúp mọi người báo cáo và ứng phó với các cuộc tấn công, đồng thời tập trung tuần tra trên tàu điện ngầm.

Phó thanh tra Stewart Loo giám sát lực lượng bao gồm 25 thám tử tình nguyện có khả năng nói 10 thứ tiếng. Ông cho biết nó được thiết kế để khuyến khích những người gốc Á vốn không tin tưởng cảnh sát sẽ tích cực hợp tác hơn.

“Tâm lý trong cộng đồng người gốc Á là cảnh sát không quan tâm hoặc làm chưa đủ”, Loo nói.

 Nhiều người gốc Á ở New York vẫn cảm thấy rằng các khiếu nại không được xem xét nghiêm túc vì họ luôn bị coi là công dân hạng hai, không phải người Mỹ thực sự. Ảnh: Washington Post.

Nhiều người gốc Á ở New York vẫn cảm thấy rằng các khiếu nại không được xem xét nghiêm túc vì họ luôn bị coi là công dân hạng hai, không phải người Mỹ thực sự. Ảnh: Washington Post.

Sở Cảnh sát New York cho biết họ đã bắt giữ 18 người liên quan đến các vụ tấn công người gốc Á vào năm ngoái và vẫn đang chờ xử lý.

Tuy vậy, một bộ phận vẫn cảm thấy rằng các khiếu nại của họ không được xem xét nghiêm túc vì họ luôn bị coi là công dân hạng hai, không phải người Mỹ thực sự.

“Một số vụ việc được công bố rộng rãi trong thời kỳ đầu của đại dịch không bị coi là phân biệt chủng tộc. Nếu được định nghĩa đúng, nó sẽ gửi đi thông điệp rằng việc tấn công không thể chấp nhận được và sẽ có hậu quả”, Chris Kwok, một thành viên của Hiệp hội Luật sư người Mỹ gốc Á ở New York, cho biết.

Kellina Craig-Henderson, làm việc tại Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ, cho biết những cuộc tấn công này có tác động lâu dài. Những nạn nhân của phân biệt chủng tộc có thể bị mắc chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương.

“Nếu bạn thuộc nhóm người thiểu số và điều tồi tệ xảy ra với bạn, bạn sẽ sợ hãi hơn”, tiến sĩ Craig-Henderson nói.

Hiệp hội Luật sư người Mỹ gốc Á ở New York gần đây đã đưa ra các khuyến nghị về cách giải quyết các vụ tấn công, bao gồm các cơ chế báo cáo rõ ràng hơn cho nạn nhân.

Ngay cả khi cảnh sát đang mở rộng phạm vi điều tra, thông tin chi tiết về các cuộc tấn công và quấy rối có thể không bao giờ đến được với nhà chức trách. Các nhà hoạt động nói rằng nhiều vụ việc không được báo cáo, một phần là do tâm lý kỳ thị vốn có sẵn.

Sam Cheng, anh trai của Maggie Cheng, cho biết mẹ của họ đã phải đến bệnh viện khâu lại vết thương trên trán. Ban đầu, bà không muốn trình báo cảnh sát.

“Bà ấy không muốn gặp rắc rối nào”, Sam nói.

Hai ngày sau vụ tấn công, cảnh sát bắt giữ kẻ hành hung Patrick Mateo (47 tuổi). Người này bị buộc tội nhưng sau đó được thả.

Gia đình nhà Cheng kêu gọi mọi người không trả đũa Mateo. Maggie Cheng cho biết mẹ muốn trở lại với công việc ngay sau vụ tấn công.

“Bà ấy không muốn sống trong sợ hãi hay phải trốn trong nhà”, Maggie nói.

Hiền Thy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/phu-nu-goc-a-o-new-york-bi-hanh-hung-nhieu-hon-trong-dai-dich-post1189367.html