Phụ nữ góp phần gìn giữ hòa bình khu vực ASEAN
Tại Đối thoại cấp Bộ trưởng ASEAN về tăng cường vai trò của phụ nữ đối với hòa bình và an ninh bền vững tối 10/9, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga - Cố vấn cao cấp Ban Thư ký Quốc gia ASEAN 2020, đại diện Việt Nam tại Nhóm Phụ nữ ASEAN vì hòa bình - nhấn mạnh, phiên đối thoại là một trong những sáng kiến nổi bật của nước ta với vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020.
Một trong những sáng kiến khởi đầu và quan trọng là Phiên họp đặc biệt của các Nhà lãnh đạo ASEAN về tăng quyền năng cho phụ nữ trong kỷ nguyên số tại Hội nghị Cấp cao 36 diễn ra ngày 26/6/2020. Về vấn đề bình đẳng giới và nâng cao quyền năng của phụ nữ, trong năm nay chúng ta sẽ có rất nhiều hoạt động để đóng góp vào nỗ lực này của ASEAN và trên toàn cầu. Hoạt động thứ hai có thể nói là quan trọng diễn ra ngày 10/9 là Đối thoại cấp Bộ trưởng ASEAN về tăng cường vai trò của phụ nữ đối với hòa bình và an ninh bền vững. Trong quý 4 tới, chúng ta sẽ có những hoạt động tiếp theo như tổ chức hội thảo nâng cao năng lực của phụ nữ trong hòa giải, hòa bình và cũng sẽ có một số hình thức hoạt động để các lãnh đạo nữ của ASEAN có thể giao lưu, gặp gỡ. ASEAN coi trọng hoạt động này trong năm nay bởi đó là nhu cầu tất yếu: Khi ứng phó những thách thức mới, cần phải phát huy vai trò phụ nữ.
"Hoạt động của ngày hôm nay không chỉ có ý nghĩa kỷ niệm 20 năm đánh dấu và đánh giá Nghị quyết 1325 của Liên hợp quốc thông qua tháng 10/2000 về phụ nữ, hòa bình, hòa giải mà còn có ý nghĩa lớn hơn nữa. Đó là định hướng cho các hoạt động sắp tới của ASEAN trong thời gian tới về phát huy vai trò của phụ nữ trong đóng góp cho hòa bình, hòa giải của khu vực khi có rất nhiều vấn đề mới đặt ra", Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga cho biết.
Tuyên bố của lãnh đạo ASEAN về phụ nữ, hòa bình và an ninh tại Manila (Philippines) năm 2017 có có tầm quan trọng và ý nghĩa rất lớn đối với khu vực. Hội nghị nhất trí cần xây dựng cách tiếp cận toàn diện, tổng thể, sáng tạo và bền vững về phụ nữ, hòa bình và an ninh, trên cơ sở xác định các nhu cầu chung của khu vực, các thế mạnh và đóng góp của mỗi nước. Bên cạnh đó, tăng cường chia sẻ chính sách, trao đổi tình hình khu vực và quốc tế, thúc đẩy việc triển khai và gắn kết giữa Nghị quyết số 1325 của Liên hợp quốc và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh với các kế hoạch liên quan ở cấp quốc gia và khu vực. Qua đó, tăng cường liên kết giữa các mạng lưới hoạt động về phụ nữ, đẩy mạnh nâng cao nhận thức và hiểu biết của người dân về vai trò, ý nghĩa, sự tham gia của phụ nữ trong các khía cạnh của hòa bình và an ninh.
Việc quan tâm đến lợi ích của phụ nữ đã được ASEAN chú trọng trong 30, 40 năm qua nhưng cần khẳng định vai trò của người phụ nữ không chỉ trong kinh tế, không chỉ trong xã hội, không chỉ trong phát triển mà cả vấn đề hòa bình, an ninh. Tháng 12/2018, Nhóm các chuyên gia nữ của ASEAN về hòa bình và hòa giải đã được thành lập theo sáng kiến của Phillipines - Chủ tịch ASEAN 2017, một trong những nước đi đầu ASEAN về vấn đề bình đẳng giới hiện nay khu vực. Trong vòng gần 3 năm, Nhóm đã triển khai khá nhiều hoạt động rất thiết thực, xác định nhiệm vụ, vai trò; đặc biệt là trao đổi kinh nghiệm để nâng cao năng lực, đóng góp vào hoạt động hòa bình và an ninh của khu vực. Những thành viên đại diện của Việt Nam cũng tham gia xác định các ưu tiên các hoạt động chính sách mà nhóm phụ nữ, chuyên gia ASEAN có thể tham gia đóng góp trong thời gian tới như: Thúc đẩy luật lệ chung, thực hiện luật pháp quốc tế, hoạt động ngoại giao, phòng ngừa... Đặc biệt, để xác định vai trò của phụ nữ, các nhóm chuyên gia cần phải đóng vai trò nòng cốt trong giáo dục nền văn hóa hòa bình, nhân văn nhân ái và hòa giải, bao dung độ lượng. Điều này là cực kỳ quan trọng trong hợp tác quốc tế, trong xây dựng Cộng đồng ASEAN.
Phiên đối thoại sẽ định hướng cho ASEAN đóng góp vào nội dung đánh giá, kiến nghị các hoạt động và giải pháp thúc đẩy việc phát huy vai trò của phụ nữ trong hòa bình và an ninh của thế giới. Liên hợp quốc trong năm nay đang rà soát lại Nghị quyết 1325 và đưa ra các giải pháp mới sau 20 năm thực hiện.
Còn theo bà Nguyễn Phương Nga - Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam - chiếm 50% dân số thế giới, phụ nữ đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu về phát triển bền vững cũng như duy trì hòa bình và an ninh trong khu vực và trên thế giới.
Tuy nhiên, hiện nay trong bối cảnh tình hình quốc tế diễn biến rất phức tạp, đại dịch Covid-19 là cú sốc lớn kể cả về chính trị, kinh tế và xã hội. Những tác động sâu sắc với đại dịch cũng đặt những tiến bộ trong lĩnh vực bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ trước thách thức mới cũng như đe dọa hòa bình, an ninh và phát triển. Tại Đối thoại cấp Bộ trưởng ASEAN về tăng cường vai trò của phụ nữ đối với hòa bình và an ninh bền vững, các Bộ trưởng ASEAN sẽ trao đổi cụ thể về vấn đề này. Qua đó, vai trò của phụ nữ đối với hòa bình và an ninh sẽ đặc biệt có ý nghĩa rất quan trọng và kịp thời.
Trong các trong chương trình nghị sự sắp tới của ASEAN cũng như của Liên hợp quốc, cần phải tính tới tất cả những quan tâm, những kinh nghiệm, những góc nhìn của phụ nữ. Để từ đó có thể tăng cường được vai trò của phụ nữ trong việc tham gia vào mọi giai đoạn, mọi khâu của tiến trình hòa bình: Từ giải quyết xung đột, ngăn chặn xung đột cho đến là gìn giữ hòa bình; xây dựng hòa bình và phát triển, khắc phục các hậu quả do xung đột mang lại; xây dựng và phát triển bền vững.