Phụ nữ Hàn Quốc bị ví như 'nước rửa chén'
Từ 'cô gái tương đậu' cho đến 'quý bà Pongpong', nhóm nam giới trẻ tuổi xứ củ sâm đang sử dụng những thứ thấp kém để mô tả phụ nữ cũng như phong trào bình đẳng giới.
"Quý bà Pongpong" (Pongpong là nhãn hiệu nước rửa chén thông dụng ở Hàn Quốc) xuất phát từ "lý thuyết rửa chén" (seolgeojiron) bắt đầu lan truyền cuối tháng 10/2021.
Theo Korea Expose, đây là cách gọi mỉa mai những người phụ nữ dành cả thanh xuân để hẹn hò, quan hệ tình dục bừa bãi và sau đó kết hôn với một người đàn ông giàu có để tẩy sạch quá khứ, tận hưởng cuộc sống thoải mái.
"Quý bà Pongpong" được cho đối xử với chồng của họ như máy ATM. Còn đàn ông mắc kẹt trong những cuộc hôn nhân như vậy thường phải làm nhiều việc nhà, trong đó có cả rửa chén.
Lee Hyun-jae, nhà triết học nữ quyền và là giáo sư tại Đại học Seoul, cho rằng "quý bà Pongpong" vừa không có cơ sở thực tế vì không phải cô gái nào kết hôn cũng vì tiền, vừa cho thấy tiêu chuẩn kép.
"Việc đàn ông khao khát phụ nữ hấp dẫn rồi lại tìm người 'trong trắng' làm vợ đã được xã hội chấp nhận. Nhưng khi phụ nữ làm điều tương tự - hẹn hò với những người đàn ông hấp dẫn rồi kết hôn với một người thành đạt - điều đó đột nhiên trở nên phi đạo đức".
Cuộc tranh luận để ủng hộ hoặc chống lại "quý bà Pongpong" vẫn đang diễn ra sôi nổi ở Hàn Quốc. Tuy nhiên, khác với sự quyết liệt trên không gian mạng, như rất nhiều thứ liên quan đến nữ quyền khác, đây lại là chủ đề cấm kỵ trên các phương tiện chính thống.
Hàn Quốc có khoảng cách về lương theo giới cao nhất trong số các quốc gia phát triển. Phụ nữ chỉ chiếm 5,2% thành viên hội đồng quản trị của các doanh nghiệp niêm yết công khai, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 28% ở Mỹ.
Dù vậy, trong thời gian chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 3, đại diện của những đảng phái lớn đều đã tách mình ra khỏi các vấn đề phụ nữ.
Từ "cô gái tương đậu" cho đến "phụ nữ kim chi"
"Quý bà Pongpong" chắc chắn không phải cụm từ đầu tiên dùng để tấn công nữ giới trên các diễn đàn trực tuyến với đa số người dùng là đàn ông trẻ tuổi.
Trong nhiều năm qua, phụ nữ Hàn Quốc đã bị gắn mác bằng rất nhiều từ ngữ xấu xí, mang ý mỉa mai, miệt thị.
Đầu những năm 2000, doenjangnyeo (hay "những cô gái tương đậu") được sử dụng để mô tả những phụ nữ trẻ thích sống xa hoa, phù phiếm.
Ý tưởng đằng sau cụm từ này là một cô gái có thể ăn một bữa ăn giá rẻ (doenjang jjigae hay canh tương đậu là món ăn bình dân ở Hàn Quốc) để mua một ly cà phê đắt tiền tại Starbucks.
Vào những năm 2010, doenjangnyeo đã hết mốt, được thay thế bằng kimchinyeo (phụ nữ kim chi) và seonggue.
Phụ nữ kim chi ám chỉ các cô gái "đào mỏ" tham lam quá mức và coi đàn ông chỉ là công cụ để thăng tiến xã hội. Còn cụm từ seonggue chế giễu những người đã trải qua cuộc phẫu thuật thẩm mỹ lớn.
Nghiên cứu của Viện Phát triển Phụ nữ Hàn Quốc cho thấy hơn một nửa nam giới xứ củ sâm không phản đối việc sử dụng những cụm từ được cho là xúc phạm phụ nữ kể trên.
Khảo sát được thực hiện với 1.200 nam giới và 300 phụ nữ trong độ tuổi 15-34 để xem xét bình đẳng giới và các xung đột nảy sinh từ nhận thức, vai trò giới.
Nghiên cứu cho thấy rằng đàn ông càng trẻ tuổi càng có xu hướng đồng ý với việc sử dụng các thuật ngữ như vậy. "Những lời chỉ trích xã hội đối với phụ nữ ở nam giới có xu hướng bắt đầu từ tuổi thiếu niên. Đàn ông tiếp tục tin rằng phụ nữ trẻ nhận được nhiều lợi thế xã hội hơn", nghiên cứu cho biết.
Vấn đề của phong trào nữ quyền ở Hàn Quốc
Bất bình đẳng giới trong xã hội Hàn Quốc đã được công nhận rộng rãi và là một vấn đề cần giải quyết.
Kim Ji-young, Born 1982, tiểu thuyết kể về những khó khăn của một phụ nữ ở độ tuổi 30 được xuất bản vào năm 2016, thành công về mặt thương mại và được đón nhận rộng rãi, đặc biệt với độc giả nữ.
Tháng 5/2017, Tổng thống đương nhiệm Moon Jae-in lên nắm quyền với lời hứa cải thiện các vấn đề bình đẳng giới.
Đầu năm 2018, phong trào #Metoo bùng nổ với hàng loạt cuộc biểu tình chống spycam, tội phạm tình dục quay lén.
Tuy nhiên, ở phía ngược lại, đàn ông trẻ tuổi đang cảm thấy bất công cho chính mình. Họ cho rằng những thay đổi được tạo ra từ phong trào nữ quyền chỉ đem lại lợi ích cho phụ nữ.
Theo nghiên cứu của Viện Phát triển Phụ nữ Hàn Quốc, đàn ông xứ kim chi đang đi làm có xu hướng cảm thấy áp lực hơn trong việc hỗ trợ gia đình, thành công trong xã hội, cạnh tranh và chịu gánh nặng không kém trong việc duy trì “sự vượt trội của nam giới”.
Jeong Hee-jin, học giả nghiên cứu về phụ nữ và là tác giả của cuốn sách The Challenge of Feminists, nói rằng không gian trực tuyến khiến phụ nữ bình đẳng với nam giới.
"Tuy nhiên, xã hội đã không dạy họ cách phá vỡ bức tường và không có sự thay đổi hành vi cá nhân ở những người đàn ông. Còn nhiều điều để nói về giới tính và nữ quyền chỉ là khởi đầu của vấn đề phức tạp này. Nhưng trong những năm gần đây, diễn ngôn về nữ quyền chủ yếu vẫn nằm trong khuôn khổ phân định nam và nữ".
Tác giả Jeong giải thích diễn ngôn về nữ quyền không chỉ về phụ nữ mà còn về tất cả các giới. Đó không phải là một cuộc đấu, mà chính là phương thức chung sống của những người thuộc các giới tính và hoàn cảnh khác nhau.
"Theo nghĩa đó, đàn ông và phụ nữ không nên chiến đấu chống lại nhau, mà hãy chiến đấu cùng với nhau, chấp nhận những giới tính khác nhau, để đánh bại kẻ thù chung gọi là 'chế độ gia trưởng', nơi cả đàn ông và phụ nữ đều bị ràng buộc bởi định kiến", tác giả nói.