Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh

Chuyển đổi xanh có thể hiểu là thay đổi quy trình sản xuất kinh doanh theo hướng không gây hại tới môi trường và bảo vệ sức khỏe con người. Trên tinh thần đó, cuộc thi 'Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh' năm 2024 đã khẳng định sự năng động, đổi mới không ngừng của hội viên, phụ nữ trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Không chỉ là điểm tựa tinh thần vững chắc, chăm lo xây dựng gia đình hạnh phúc, với đức tính chịu thương, chịu khó, bền bỉ, nỗ lực phấn đấu vươn lên và tinh thần năng động, đổi mới, dám nghĩ, dám làm nhiều hội viên, phụ nữ trong tỉnh đã khẳng định mình trong hành trình khởi nghiệp. Những đóng góp của phụ nữ không chỉ nâng cao thu nhập cho gia đình mà còn có những tác động tích cực vào giải quyết lao động việc làm ở nông thôn, đầu ra sản phẩm, ổn định chính trị - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Những sản phẩm nông nghiệp do phụ nữ sản xuất ra.

Những sản phẩm nông nghiệp do phụ nữ sản xuất ra.

Cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp trong những năm qua là điều kiện để đẩy mạnh khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh trong giai đoạn hiện nay, đáp ứng theo nguyên tắc: Bình đẳng, bao trùm, góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 của Chính phủ.

Bằng chứng năm 2024, trong 46 ý tưởng/dự án khởi nghiệp từ cơ sở gửi về Hội LHPN tỉnh đều mang đặc trưng riêng của vùng đất, địa phương, thân thiện môi trường, hướng đến tạo ra những sản phẩm có tính bền vững, phát triển. Các ý tưởng đều xuất phát từ nhu cầu thực tiễn từ gia đình, người thân đến cộng đồng và bắt đầu có chỗ đứng trên thị trường. Có thể kể đến ý tưởng táo xanh sấy dẻo ít đường của chị Nguyễn Thị Ngọc Ánh (Tuy Phong), chăn nuôi gà ri Hải Phòng thương phẩm trên sân cát theo hướng an toàn sinh học của chị Nguyễn Thị Xuân Thảo (Hàm Thuận Bắc), tre tứ quý của chị Phan Cao Hồng Cẩm (Bắc Bình), sản xuất bột gia vị ăn liền từ chất nền bột gạo của chị Lê Thị Ngọc Ánh (Đức Linh), mỹ phẩm sản xuất từ vỏ thanh long do chị Đoàn Thị Kiều Vân (Phan Thiết) sản xuất…

Các sản phẩm trưng bày tại gian trưng bày được nhiều người quan tâm, đón nhận.

Các sản phẩm trưng bày tại gian trưng bày được nhiều người quan tâm, đón nhận.

Điều ấn tượng là không chỉ sôi nổi, gay cấn trong khán phòng tổ chức hội thi khi cả 10 ý tưởng được chọn thuyết trình đều bám đúng các tiêu chí đánh giá về tính sáng tạo, hiệu quả dự án, tin cậy về nguồn gốc và phương thức sản xuất, tiệm cận yêu cầu của “chuyển đổi xanh”… mà bên ngoài gian trưng bày của 10 cơ sở Hội huyện, thị, thành phố cũng nhộn nhịp không kém. Rất nhiều trong số đó đã tham gia dự thi các năm trước, hiện đã có chỗ đứng trên thị trường, trở thành sản phẩm OCOP 2 sao, 3 sao ở địa phương. Bởi vậy ai cũng tranh thủ tham quan, đặt mua một sản phẩm mang về.

Qua các hoạt động đó cho thấy phong trào phụ nữ khởi nghiệp và hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp của các cấp Hội Phụ nữ đã làm thay đổi nhận thức của hội viên, tự vượt qua giới hạn bản thân để nghiên cứu, học hỏi, tự tin, mạnh dạn đề ra những ý tưởng. Một khi có chiến lược kinh doanh rõ ràng thì sẽ sớm thành công.

Năm 2025 là năm kết thúc Đề án 939 về “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”. Vì vậy, để thực hiện đạt các mục tiêu, chỉ tiêu đề án, bà Lê Thị Hải Yến – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh yêu cầu Hội LHPN các huyện, thị, thành phố tiếp tục chủ động, tập trung khuyến khích, động viên, hỗ trợ hội viên, phụ nữ viết và hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp. Cùng với đó có những hoạt động phối hợp kết nối với các ngành, các doanh nghiệp tổ chức diễn đàn giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm với phụ nữ khởi nghiệp/kinh doanh thành công. Tổ chức các lớp tập huấn hỗ trợ kiến thức, kỹ năng cho phụ nữ có ý tưởng khởi nghiệp để các chị tự tin tham gia, nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trên lĩnh vực kinh tế.

THÙY LINH

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/phu-nu-khoi-nghiep-sang-tao-va-chuyen-doi-xanh-123550.html