Phụ nữ mượn rượu giải sầu vì dịch bệnh

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều phụ nữ có xu hướng tìm đến rượu bia để giải tỏa khó khăn, căng thẳng trong cuộc sống.

Zing trích dịch bài đăng trên ABC News NBC News, nói về sự thay đổi thói quen sử dụng đồ uống có cồn của phụ nữ. Vì áp lực từ dịch bệnh, họ có xu hướng "mượn rượu giải sầu", xoa dịu căng thẳng trong cuộc sống.

Dưới sức ép của dịch Covid-19, ngày càng nhiều người tìm đến bia rượu để giải tỏa áp lực, đặc biệt là phụ nữ - nhóm đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề về tâm lý.

Ngày 29/9, RAND Corporation và Viện quốc gia về Nghiện rượu và Lạm dụng đồ uống có cồn (NIAAA) đã công bố kết quả nghiên cứu thói quen sử dụng rượu bia của 1.540 người trưởng thành trong năm 2019-2020 tại Mỹ.

Kết quả, tỷ lệ tiêu thụ đồ uống cồn trong năm 2020 đã tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này thể hiện xu hướng tìm đến rượu bia để làm dịu tâm trạng căng thẳng, bồn chồn trong mùa dịch đang trở nên phổ biến.

Nhà xã hội học Michael Pollard, tác giả của nghiên cứu trên, cho biết sự thay đổi trong tần suất sử dụng đồ uống cồn rất đáng lo ngại. "Khi sợ hãi và lo âu gia tăng, con người thường tìm đến rượu bia như một giải pháp. Tuy nhiên, việc lạm dụng chúng cũng tác động ngược lại, khiến sức khỏe thể chất và tâm lý của họ thêm bất ổn", ông nói.

Từ năm 2019 đến 2020, trung bình cứ cách vài giờ, nam giới uống hơn 5 chai bia, rượu và nữ giới là khoảng 4 chai. Đáng chú ý, lượng đồ uống cồn do nữ giới tiêu thụ trong năm nay đã tăng gấp đôi năm ngoái.

"Con số đó cho thấy hành vi lạm dụng rượu bia của người Mỹ đang tăng mạnh. Đặc biệt với phụ nữ, đây thực sự là một vấn đề đáng lưu tâm", Pollard giải thích.

 Ngày càng nhiều phụ nữ tìm đến rượu, bia để giảm bớt căng thẳng trong mùa dịch. Ảnh: Getty.

Ngày càng nhiều phụ nữ tìm đến rượu, bia để giảm bớt căng thẳng trong mùa dịch. Ảnh: Getty.

Một nghiên cứu khác của Lindsey Rodriguez, phó giáo sư Tâm lý học tại ĐH South Florida (bang Florida, Mỹ), công bố trên tạp chí Addictive Behaviors hồi tháng 6 cũng khẳng định tình trạng này.

Cô đánh giá thói quen sử dụng đồ uống cồn của 754 người tham gia khảo sát, gồm cả nam và nữ, gia tăng đáng kể vào khoảng tháng 3-4 khi nước Mỹ tiến hành phong tỏa và cách ly xã hội.

Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng tỷ lệ phái mạnh "mượn rượu giải sầu" mùa dịch tương đối ổn định, trong khi ở phái đẹp lại tăng mạnh. Càng sợ hãi, áp lực, các chị em càng uống nhiều rượu bia, thậm chí bắt kịp lượng tiêu thụ của "cánh mày râu".

Sarah Hepola, tác giả cuốn tự truyện về hành trình cai nghiện rượu của chính mình Blackout: Remembering the Things I Drank to Forget, lý giải nguyên nhân khiến nhiều người dựa dẫm vào loại đồ uống này để giải tỏa tâm trạng.

"Khi không còn cách nào để đối phó với khó khăn trước mắt, người ta thường tìm đến rượu. Tôi từng không thể kìm lòng trước cảm giác nó mang lại và liên tục tới cửa hàng để mua thêm", cô trải lòng.

Natalie Crawford, phó giáo sư về Hành vi xã hội và Giáo dục sức khỏe tại trường Y tế Công cộng Rollins, thuộc ĐH Emory (bang Georgia, Mỹ), giải thích rằng đồ uống cồn có tác dụng kích thích hệ thần kinh và làm dịu trạng thái căng thẳng. Nhưng cô cũng nhấn mạnh, lạm dụng rượu bia có thể dẫn đến hàng loạt chứng bệnh như ngộ độc rượu, xơ gan, tim mạch và ung thư.

 Càng sợ hãi, áp lực, phái đẹp càng uống nhiều và bắt kịp lượng tiêu thụ của cánh mày râu. Ảnh: Getty.

Càng sợ hãi, áp lực, phái đẹp càng uống nhiều và bắt kịp lượng tiêu thụ của cánh mày râu. Ảnh: Getty.

Phụ nữ chịu ảnh hưởng nặng nề vì đại dịch

Thực tế, phụ nữ là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19, bên cạnh trẻ em và người cao tuổi. Sự xáo trộn gây ra bởi virus corona đã đẩy phái đẹp rơi vào cảnh thiệt thòi về nhiều mặt, từ gia đình cho đến công việc, từ thể chất cho đến tinh thần.

Suốt nhiều tháng cách ly xã hội, cha mẹ, vợ chồng và con cái phải ở nhà cùng nhau 24/7. Điều này đồng nghĩa với việc các chị em phải đảm đương lượng việc nhà gấp đôi, gấp ba lần so với bình thường. Áp lực từ chuyện chồng con và công việc đè nặng lên vai, khiến nhiều phụ nữ cảm thấy mệt mỏi, bế tắc.

Tại Nhật Bản, quốc gia nổi tiếng với nạn phân biệt giới tính trong gia đình, đa số người vợ phải quán xuyến chuyện nhà cửa một mình, trong khi vẫn làm việc trực tuyến. Nhiều người dùng mạng xã hội đã bày tỏ sự bất mãn với bạn đời trong những ngày cách ly xã hội lên Twitter.

Một người dùng chia sẻ: "Chồng tôi đang có thời gian nghỉ ngơi dưới danh nghĩa 'làm việc từ xa', trong khi tôi vẫn làm 6 ngày một tuần. Nhưng khi tôi về nhà, không có bữa tối, anh ấy đang uống rượu. Và giờ, anh ta ngủ rồi".

 Làm việc nhà, chăm sóc chồng con và làm việc trực tuyến là những áp lực đổ dồn lên người phụ nữ trong mùa dịch. Ảnh: Forbes.

Làm việc nhà, chăm sóc chồng con và làm việc trực tuyến là những áp lực đổ dồn lên người phụ nữ trong mùa dịch. Ảnh: Forbes.

Khi phải ở nhà 24/7 cùng bạn đời và con cái với vô vàn áp lực, mâu thuẫn giữa các đôi xảy ra thường xuyên hơn và nhanh chóng trở thành bạo lực.

Trên toàn thế giới, tình trạng phụ nữ bị bạn trai hoặc chồng đánh đập đạt mức báo động chỉ trong vài tháng giãn cách xã hội. Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, 12 tháng qua, 243 triệu phụ nữ trong độ tuổi 15-49 là nạn nhân của bạo hành gia đình. Con số thực tế có thể nhiều hơn bởi thói quen "không kể chuyện nhà" của các chị em.

Lele, một phụ nữ người Mỹ, kể lại rằng cô đã bị chồng mình bạo hành suốt 6 năm qua nhưng đại dịch Covid-19 đã khiến tình hình thêm tồi tệ.

"Chúng tôi không thể ra ngoài vì lệnh phong tỏa, các cuộc xung đột thì ngày một căng thẳng và thường xuyên hơn. Mọi chuyện đều vỡ lở vì dịch bệnh", cô nói.

Mặt khác, phụ nữ, đặc biệt là những người đã làm mẹ, có nguy cơ cao bị sa thải vì cắt giảm nhân sự. Theo số liệu của Viện Nghiên cứu Tài chính và Viện Giáo dục UCL (Anh quốc), 47% các bà mẹ có nguy cơ mất việc, 14% bị đảo lộn cuộc sống kể từ khi đại dịch bùng phát.

"Trong thời kỳ khó khăn, các nhà tuyển dụng có xu hướng coi phụ nữ mang thai là gánh nặng cản trở công việc, còn nhân viên nữ trong thai kỳ thì làm việc kém hiệu quả, mất tập trung. Khả năng gắn bó dài hạn của họ với công ty cũng bị nghi ngờ", Joeli Brearley, người sáng lập dự án bảo vệ các bà mẹ sinh con khi đi làm văn phòng Pregnant Then Screwed, cho biết.

 Phụ nữ, đặc biệt là những người đã làm mẹ, là đối tượng có nguy cơ cao bị sa thải lý do cắt giảm nhân sự. Ảnh: RenŽe C. Byer.

Phụ nữ, đặc biệt là những người đã làm mẹ, là đối tượng có nguy cơ cao bị sa thải lý do cắt giảm nhân sự. Ảnh: RenŽe C. Byer.

Các nghiên cứu cho thấy đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý của phụ nữ hơn đàn ông. Điều này là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng trong tần suất sử dụng bia rượu của nhóm đối tượng này.

"Với nhiều phụ nữ, đó là 'liều thuốc' họ tìm đến khi gặp rắc rối. Nó khiến họ cảm thấy can đảm hơn, đỡ đau đớn hơn, giúp họ tạm quên những khó khăn trước mắt. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi các chị em phải cùng một lúc gồng gánh áp lực từ gia đình, con cái và công việc. Tuy nhiên, chỉ một hoặc hai ly là đủ, đừng lạm dụng nó", nữ nhà văn Hepola chia sẻ.

Trang Minh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/phu-nu-muon-ruou-giai-sau-vi-dich-benh-post1138308.html