Phụ nữ Mỹ và nỗi lo ở tuổi xế chiều

Trong một bức tranh đáng lo ngại tại Mỹ, những người phụ nữ đang nhìn thấy một con đường vô cùng trắc trở trong việc đảm bảo đời sống hưu trí cho bản thân.

Susan Hartt tự nhận xét bản thân là người lạc quan một cách cố chấp, luôn thích sự thay đổi và những thử thách. Sau một thời gian thành công trong lĩnh vực tiếp thị và quan hệ công chúng, bà cảm thấy tự tin về tài chính cho những năm tháng tuổi già.

Tuy nhiên, ba năm trước, một ngân hàng đã tịch thu ngôi nhà nhỏ của bà ở Hamden, Conn. Bà cho biết: “Tôi chưa bao giờ phải lo lắng như vậy trong cuộc đời mình”.

Những khó khăn khi về hưu

Ở tuổi 79, bà Hartt đã trải qua nhiều cảnh éo le. Sau cuộc ly hôn “thân thiện và bình đẳng” ở tuổi xế chiều, bà đã không có kế hoạch nghỉ hưu. Thế nhưng, trong suốt thời kỳ suy thoái ấy, những công việc dần ít lợi nhuận hơn và các công việc tự do cũng ít đi. Tạm thời bà đang sống trong căn hộ của bạn bè và bán bớt tài sản, như bộ sưu tập đèn kính màu, những cuốn sách xuất bản lần đầu tiên, chiếc đàn piano... để chuyển đến một nơi nhỏ hơn và tích cóp thêm tiền.

Bà Susan Hartt. (Nguồn: The New York Times)

Bà Susan Hartt. (Nguồn: The New York Times)

Khảo sát gần đây của AARP (một nhóm lợi ích tại Mỹ tập trung vào các vấn đề ảnh hưởng đến những người trên 50 tuổi) cho thấy: gần 30% phụ nữ trên 65 tuổi cảm thấy lo lắng cho tình trạng kinh tế hiện tại, trong khi con số này ở nam giới cùng độ tuổi là 20%.

Thực tế, dù có nhiều tiến bộ về mặt giáo dục, việc làm và thu nhập trong những thập kỷ gần đây, phụ nữ Mỹ vẫn đối mặt với một con đường trắc trở hơn cánh mày râu trong việc đảm bảo đời sống sau khi về hưu. Họ cũng sống lâu hơn, nhiều khả năng gặp phải bệnh tật hơn, cùng nhu cầu chăm sóc dài hạn tốn kém.

Richard Johnson - nhà nghiên cứu kinh tế tại Viện Đô thị của thủ đô Washington, nói rằng: “Nữ giới có nhiều nguy cơ lâm vào nghèo khó khi nghỉ hưu hơn nam giới”.

Theo nghiên cứu của ông vào năm 2020, 10% phụ nữ trên 65 tuổi chịu cảnh đói nghèo trong khi tỷ lệ này ở đàn ông là 8%. Con số cũng cao hơn nhiều ở phụ nữ lớn tuổi, da màu hoặc không kết hôn. Ví dụ tỷ lệ nghèo ở phụ nữ da màu trên 65 tuổi chưa kết hôn lên đến 20%. Thậm chí, những người phụ nữ không thuộc ngưỡng nghèo của liên bang cũng đối mặt với tình trạng kinh tế bấp bênh.

Năm ngoái, 25% lao động nữ trên 55 tuổi có nguy cơ thuộc nhóm lao động nghèo - tức là những người thu nhập dưới 2/3 mức lương trung bình hàng giờ hay 15,29 USD/giờ. Trong khi đó, theo nghiên cứu của The New School - một trường đại học tư nhân ở New York, chỉ 15% đàn ông rơi vào trường hợp đó.

Anne Turley, 68 tuổi, là nhà biên tập video và phim kỳ cựu đang gặp khó khăn sau nhiều năm thiếu việc làm trầm trọng. Bà sống dựa vào khoảng 1.200 USD tiền trợ cấp an sinh xã hội hàng tháng từ năm 62 tuổi, một khoản thế chấp dự phòng ngôi nhà tại Los Angeles và tiền cho thuê một studio nhỏ ở sân sau nhà.

Tuy nhiên, gần đây bà cần mua một thiết bị đun nước nóng mới và khoảng 4.000 USD để làm răng. Bà nói: “Mỗi tháng đều phải băn khoăn làm thế nào để chi trả khoản này và làm thế nào để kiếm tiền bù vào".

Các nhà kinh tế học cho rằng, khoảng cách giới khi nghỉ hưu được tạo ra phần lớn là do hậu quả từ việc làm mẹ. Những người phụ nữ phải nuôi con có số năm làm việc ít hơn và được trả lương thấp hơn đàn ông hoặc những người phụ nữ không có con.

Matthew Rutledge - thuộc Trung tâm nghiên cứu Hưu trí ở đại học Boston, nói: “Những người phụ nữ này chẳng bao giờ được bù đắp hoàn toàn cho những khoản thâm hụt”.

Ông chỉ ra rằng an sinh xã hội thường tính toán trợ cấp dựa trên những năm có thu nhập cao nhất và các bà mẹ lại có những năm không có thu nhập và những năm làm việc bán thời gian. Điều này đã làm giảm mức trợ cấp trung bình của họ.

Rào cản khi ly hôn

Bà I-Fen Lin - nhà xã hội học của đại học Bowling Green State tại bang Ohio cho biết, xu hướng ly hôn tuổi xế chiều giữa những cặp đôi ngoài 50 tuổi đã tăng gấp đôi trong khoảng thời gian từ năm 1990-2010, chiếm khoảng 1/3 số cuộc ly hôn ở Mỹ. Mặc dù nghiên cứu của bà thể hiện tỷ lệ này vẫn ổn định, nhưng số lượng người lớn tuổi đã ly hôn vẫn không ngừng tăng lên khi dân số già đi.

Ly hôn ở giai đoạn cuối của tuổi trung niên có thể cải thiện cảm xúc hạnh phúc cho người phụ nữ nhưng cũng thường tàn phá sức khỏe của chính họ.

Theo Tiến sĩ Rutledge: "Kết hôn giúp hợp nhất thu nhập, giảm chi phí sinh hoạt và làm việc để giải quyết những bất ổn, mất việc làm, những giai đoạn ốm yếu, những năm phải nghỉ việc để chăm sóc cha mẹ già. Nó gần giống như nhận được một hợp đồng bảo hiểm. Đánh mất khoản bảo hiểm đó sẽ khiến người phụ nữ ở bất kỳ độ tuổi nào cũng phải chịu tổn thất về tài chính, và sau tuổi 50 càng có ít thời gian để bù lại hơn”.

Bà Lin cũng giải thích thêm: “Rất khó để tham gia vào lực lượng lao động khi bạn không còn nhiều năm để làm việc cũng như phục hồi. Thêm nữa, phụ nữ lớn tuổi đi làm sẽ vấp phải sự phân biệt đối xử cả về tuổi tác lẫn giới tính".

Cynthia Palazzo, 61 tuổi, dành cả những năm tháng hôn nhân để nuôi dạy 3 người con trai tại Akron, Ohio. Khi vợ chồng bà thành lập công ty sản xuất, bà đã được trả lương cho công việc của mình, nhưng chưa bao giờ mở một tài khoản hưu trí bởi vì tất cả số tiền sẽ quay trở lại công việc kinh doanh.

Sau gần 30 năm chung sống, bà ly hôn và may mắn tìm được công việc thu ngân liên quan đến y tế với mức lương 17 USD/giờ. Tháng 6 vừa qua, bà bị sa thải và nhanh chóng tìm một công việc khác. Bà cũng đã mua một căn hộ chung cư và vô cùng kinh ngạc khi biết mình phải thế chấp nó đến khi 80 tuổi.

Tiến sĩ Lin và cộng sự của bà cũng thấy rằng sau khi ly hôn ở tuổi xế chiều, chất lượng cuộc sống của phụ nữ giảm xuống 45% trong khi đàn ông chỉ giảm 21%. Tái hôn đã giúp phụ nữ lớn tuổi lấy lại chỗ đứng về tài chính nhưng chỉ có 22% phụ nữ tái hôn trong khi ở nam giới là 37%.

Hiện bà Hartt đang sống giản dị với khoản trợ cấp an sinh xã hội 2.500 USD. Bà lái chiếc xe Nissan đời 2001 cũ gỉ và không có khả năng thay thế nếu nó hỏng hóc.

Bà chia sẻ: “Bởi vì tôi không có gia đình và không có khoản tiết kiệm nên điều khiến tôi lo lắng là những lúc đau ốm về thể chất hoặc tinh thần”.

Thật may mắn, vào tháng 9/2020, bà đã chuyển đến một chung cư vui vẻ tại khu nhà ở dành cho người già và người khuyết tật được trợ cấp với giá thuê là 670 USD/tháng, đã bao gồm cả điện nước. Bà cảm thấy an toàn và bình yên. Nhưng chẳng thể gạt bỏ tất cả để lạc quan, bà vẫn mua vài tờ vé số hàng tuần.

(theo The New York Times)

Đoàn Hương Sen

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/phu-nu-my-va-noi-lo-o-tuoi-xe-chieu-169489.html