Phụ nữ - Nhân tố quan trọng trong hoạt động giảm nghèo bền vững
Thực hiện công cuộc giảm nghèo, đóng vai trò là đối tượng được đặc biệt quan tâm, phụ nữ còn là nhân tố quan trọng trong việc nâng cao quyền năng kinh tế hướng tới giảm nghèo bền vững, đa chiều.
Thông tin từ Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội, Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 đã đưa ra mục tiêu tổng quát giảm nghèo đa chiều có tính bao trùm hướng tới sự bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Theo đó, giảm nghèo đa chiều hướng tới các tiêu chí đảm bảo mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, gồm: việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin; gắn với mục tiêu phát triển bền vững của mỗi quốc gia.
Phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong giảm nghèo bền vững
Trong 4 năm triển khai Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam đã tích cực triển khai nhiều hoạt động góp phần khẳng định vai trò giảm nghèo của nữ giới; giúp phụ nữ vươn lên phát triển kinh tế.
Nhằm giúp đỡ chị em phát huy nội lực, giảm nghèo bền vững và thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ giai đoạn 2022 - 2027, Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức tập huấn cho cán bộ Hội LHPN 63 tỉnh, thành phố về nội dung thực hiện đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025.
Đồng thời, đưa ra hướng dẫn, giải pháp nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn mà Hội LHPN các tỉnh, thành đang triển khai hoạt động tại địa phương.
Đặc biệt, trên hành trình giảm nghèo bền vững, một trong những giải pháp, nhiệm vụ được Hội chú trọng chính là công tác vận động và hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế. Từ đó, nhiều mô hình phát triển kinh tế do phụ nữ làm chủ đã mang lại hiệu quả, thành tựu cao, tạo việc làm cho nhiều lao động, góp phần giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội tại các địa phương.
Nâng cao quyền năng kinh tế bền vững cho nữ giới
Nhận thức rõ về hành trình giảm nghèo bền vững, đa chiều từ Trung ương Hội LHPN, trong năm qua, Hội LHPN tỉnh Kon Tum đã nghiên cứu, triển khai, áp dụng hiệu quả giải pháp của 2 sáng kiến "Hỗ trợ phụ nữ xây dựng ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh" và sáng kiến "Một số giải pháp hỗ trợ phụ nữ Dân tộc thiểu số (DTTS) khởi nghiệp, xây dựng thương hiệu gắn với sản xuất sản phẩm OCOP" trong hệ thống Hội từ tỉnh đến cơ sở.
Đồng thời, Hội đã kết nối, vận động và tận dụng nguồn lực từ các chương trình, dự án, các tổ chức, cá nhân để hỗ trợ hội viên, phụ nữ về vốn, kiến thức, khoa học kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh; ưu tiên thành lập các mô hình phát triển kinh tế tập thể để trở thành hạt nhân trong tổ chức và triển khai các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế, giúp phụ nữ nghèo thoát nghèo bền vững.
Đến nay, thực hiện Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, giai đoạn 2017-2025" của Chính phủ, Hội LHPN tỉnh đã hỗ trợ thành lập 56 mô hình phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, phát triển dược liệu với tổng số thành viên là hơn 1.000 phụ nữ DTTS và trực tiếp kết nối, kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh hỗ trợ, huy động vay vốn ưu đãi với tổng nguồn vốn hơn 38 tỷ đồng.
Còn tại Ninh Bình, từ đầu năm tới nay, Hội LHPN tỉnh đã đưa hỗ trợ xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) vào nội dung thi đua và ký giao ước thi đua tại các huyện, thành phố nhằm thực hiện hiệu quả việc hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế.
Theo đó, Hội LHPN tỉnh đã đề xuất cấp kinh phí 3.000 triệu đồng từ ngân sách nhà nước cho phụ nữ vay vốn khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, phát triển kinh tế; cấp 130 triệu đồng cho các cấp Hội để tổ chức thực hiện các hoạt động Đề án 01 "Hỗ trợ HTX do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030".
Ngoài ra, bắt kịp xu thế chuyển đổi xanh, bền vững của nền kinh tế, Hội đã tích cực hưởng ứng Cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh" năm 2024 do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức với 30 dự án đăng ký.
Toàn bộ cơ sở Hội có nhiều hoạt động thiết thực hướng dẫn, hỗ trợ các HTX, Tổ hợp tác (THT) tiếp cận công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh, xây dựng sản phẩm OCOP.
Kế tiếp là hỗ trợ tiếp cận vay vốn an toàn, từ Ngân hàng chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, khai thác và quản lý hiệu quả nguồn vốn 3.809 tỷ đồng cho 43.916 hội viên, phụ nữ, thành viên các Tổ hợp tác (THT), HTX vay vốn phát triển kinh tế gia đình, mở rộng sản xuất kinh doanh hữu cơ; hỗ trợ xây dựng sản phẩm OCOP, trong đó 3 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao;...
Thực tế cho thấy, những hoạt động đa dạng, phong phú của Hội LHPN đã và đang có sức lan tỏa, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho gia đình hội viên phụ nữ. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức và năng lực của phụ nữ trong quá trình giảm nghèo đa chiều, cải thiện cuộc sống và thúc đẩy sự phát triển bền vững cộng đồng.
Phát huy từ những kết quả đã đạt được, các cấp Hội LHPN đều xác định kế hoạch năm tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các chính sách giảm nghèo đến hội viên; phát huy nội lực, khai thác, hướng dẫn tiếp cận vốn; nâng cao chất lượng, nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế; ứng dụng khoa học kỹ thuật; tăng cường các hình thức hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh.