Phụ nữ Nhật Bản vẫn yếu thế từ thời cựu Thủ tướng Abe

Ông Shinzo Abe để lại di sản dang dở cho phụ nữ Nhật Bản khi số lượng gia nhập lực lượng lao động cao kỷ lục đã che đậy sự vắng mặt của họ trong những vị trí quản lý của đất nước.

Trong số những điều cố Thủ tướng Abe để lại, người ta nhớ nhất đến kế hoạch tăng trưởng đầy táo bạo dành cho Nhật Bản trong thời kỳ dân số giảm và nền kinh tế đình trệ. Một phần cốt lõi của kế hoạch này là “Womenomics” (tạm dịch: Nền kinh tế dựa vào phụ nữ), sáng kiến nhằm khuyến khích phụ nữ tham gia lực lượng lao động, theo Bloomberg.

Chính sách “Womenomics” yêu cầu các công ty lớn tại Nhật Bản tuyển dụng nhiều nữ giới hơn và gây sức ép trả lương cho nhân viên nữ ngang bằng nhân viên nam. Chính phủ dưới thời ông cũng chú trọng việc mở rộng dịch vụ chăm sóc trẻ em.

Chính sách này đạt được những thành công nhất định. Trong 8 năm đương nhiệm của cựu Thủ tướng Abe, hàng triệu phụ nữ Nhật Bản đã tham gia lực lượng lao động. Theo Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ nữ giới tham gia lao động trong độ tuổi lao động đạt 73% vào năm 2019, năm cuối cùng ông giữ chức vị Thủ tướng. Con số này tăng từ 64% vào năm 2012 khi ông bắt đầu nhiệm kỳ.

“Những gì ông Abe làm đã nâng cao quyền kinh tế cho phụ nữ. Ông góp phần tạo ra các cuộc thảo luận xoay quanh vấn đề bình đẳng giới như trụ cột của kinh tế vĩ mô và khả năng cạnh tranh của Nhật Bản trên toàn cầu”, Jackie Steele, nhà khoa học chính trị, người sáng lập công ty bình đẳng giới ở Nhật Bản, cho biết.

 Chính sách “Womenomics” đạt được những thành công nhất định. Ảnh: Bloomberg.

Chính sách “Womenomics” đạt được những thành công nhất định. Ảnh: Bloomberg.

Nhiều lao động nữ đang làm công việc bán thời gian, tạm thời hoặc theo hợp đồng. Những công việc trở nên bấp bênh khi kinh tế sụt giảm vì đại dịch, đồng nghĩa phụ nữ chiếm phần lớn số lao động bị mất việc.

Nhìn từ bức tranh toàn cảnh, chính sách của ông Abe lại gây thất vọng. Cựu Thủ tướng Nhật Bản từng đặt mục tiêu có 30% phụ nữ ở các vị trí lãnh đạo. Tuy nhiên, từ khi ông từ chức vào tháng 9/2020, phụ nữ chỉ chiếm 258 trên tổng số 2,410 (khoảng 14%) vị trí hội đồng quản trị Nikkei 225 Index.

Con số này là rất nhỏ so với 32% ở Mỹ và 17% ở Hong Kong (Trung Quốc).

“Phụ nữ chỉ làm những công việc lương thấp và bán thời gian, liệu họ có thực sự tỏa sáng được không?”, Kumiko Nemoto, giáo sư tại Đại học Senshu, nhận xét về cam kết nổi tiếng của ông Abe.

Thậm chí, Nhật Bản đứng thứ 116 trong số 146 quốc gia trong bảng xếp hạng bình đẳng giới năm nay.

 Nhật Bản đứng gần cuối trong bảng xếp hạng bình đẳng giới. Ảnh: The Japan Times.

Nhật Bản đứng gần cuối trong bảng xếp hạng bình đẳng giới. Ảnh: The Japan Times.

GS Nemoto cho rằng cách thăng tiến truyền thống dựa trên độ tuổi là nguyên nhân chính khiến phụ nữ vắng bóng ở các vị trí điều hành. Theo thông lệ, nhân viên phải làm việc từ 15-20 năm tại công ty trước khi được thăng cấp lên quản lý, trong khi 2 thập kỷ trước đó, họ chỉ tuyển dụng 4-5 nhân viên nữ, so với 200 nhân viên nam.

“Các công ty Nhật Bản lấy lý do nhân viên nữ không đủ tiêu chuẩn để vào hội đồng quản trị trong khi 20 năm trước họ chẳng tuyển dụng ai cả. Thật may là gần đây họ tuyển nhiều phụ nữ hơn”, Nemoto chỉ ra các công ty cần nới lỏng hệ thống thăng chức cứng nhắc.

Cả thế giới đang chờ đợi ông Fumio Kishida, đương kim Thủ tướng Nhật Bản, tiếp nối sáng kiến bình đẳng giới của ông Abe. 9 tháng kể từ khi nhậm chức, ông thực hiện một số biện pháp, bao gồm buộc các công ty lớn tiết lộ khoảng cách lương theo giới. Những động thái này được cho là kém hiệu quả.

Bà Steele cho biết đương kim Thủ tướng có thể phát triển cụ thể hơn chính sách “Womenomics” hiện có. Điều này sẽ góp phần xóa bỏ định kiến đã ăn sâu vào xã hội Nhật Bản, như coi nam giới là trụ cột gia đình và luôn nắm giữ vị trí lãnh đạo.

“Womenomics chỉ bề nổi của tảng băng chìm, còn rất nhiều sự bất bình đẳng trong xã hội Nhật cần giải quyết”, bà nói.

Phương Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/phu-nu-nhat-ban-van-yeu-the-tu-thoi-cuu-thu-tuong-abe-post1338487.html