Phụ nữ Quảng Trị chung tay vì một cộng đồng không có nạn nhân mua bán người

Với vị trí địa lý nằm trên tuyến hành lang kinh tế Đông -Tây, có trục đường Xuyên Á đi qua, Quảng Trị trở thành địa bàn có nguy cơ cao về các loại tội phạm hình sự, kinh tế, ma túy, mua bán người… gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống dân cư, đến sức khỏe, phẩm hạnh và cơ hội phát triển của phụ nữ, trẻ em. Trước tình hình đó, các cấp Hội phụ nữ trong toàn tỉnh đã nỗ lực cùng với các ban, ngành, đoàn thể có nhiều hành động chung tay vì một cộng đồng không có nạn nhân mua bán người.

Các đại biểu tham gia diễu hành hưởng ứng Ngày Toàn dân phòng, chống mua bán người. Ảnh: Phương Thiện

Các đại biểu tham gia diễu hành hưởng ứng Ngày Toàn dân phòng, chống mua bán người. Ảnh: Phương Thiện

Những năm trước đây, trên địa bàn tỉnh cũng đã từng có tình trạng chiếm đoạt, bắt cóc trẻ em, đưa người trái phép ra nước ngoài, xảy ra tại một số huyện như: Đakrông, Hướng Hóa, Cam Lộ, thị xã Quảng Trị, Hải Lăng, Gio Linh... Một số phụ nữ và trẻ em của tỉnh Quảng Trị và một số tỉnh khác bị đưa sang Lào với nhiều mục đích khác nhau như: Làm nghề cắt tóc, gội đầu, mại dâm, tiếp viên nhà hàng, khách sạn, quán ba...

Để công tác phòng, chống mua bán người đạt hiệu quả cao, các cấp hội phụ nữ trong toàn tỉnh đã nỗ lực cùng các ban, ngành, đoàn thể có nhiều hành động chung tay vì một cộng đồng không có nạn nhân mua bán người.

Xác định phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong gia đình và xã hội; sự phát triển, tiến bộ của phụ nữ được gắn liền với sự phát triển bền vững của mỗi gia đình, hỗ trợ phụ nữ nâng cao kiến thức phòng, chống tội phạm mua bán người, xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Vì thế các cấp hội phụ nữ trong toàn tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho con em, hội viên phụ nữ và người thân trong gia đình.

Từ năm 2010 đến nay, hội đã tổ chức nhiều hoạt động trong công tác phòng, chống mua bán người như: Lễ phát động “Toàn dân phòng, chống mua bán người”, hội nghị, tập huấn, tuyên truyền, lồng ghép tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt hội, các câu lạc bộ, nhóm “Phụ nữ tiết kiệm, tín dụng”, nhóm “Tiết kiệm vốn vay thôn bản”... nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng về phòng, chống mua bán người cho hơn 300 nghìn lượt cán bộ, hội viên phụ nữ và người dân, góp phần thực hiện hiệu quả dự án “Đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em, người chưa thành niên vi phạm pháp luật và phòng, chống bạo lực gia đình, mua bán người” tỉnh Quảng Trị năm 2020.

Hưởng ứng Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người, chiến dịch truyền thông phòng, chống mua bán người tại biên giới Việt - Lào, các cấp hội phụ nữ trong toàn tỉnh tập trung nhiều hoạt động thiết thực như: Phối hợp xây dựng thực hiện chiến dịch, triển khai sâu rộng trong các tầng lớp phụ nữ và người dân trong cộng đồng về công tác phòng, chống mua bán người; phối hợp, tổ chức phát động chiến dịch truyền thông phòng, chống mua bán người tại các huyện: Hướng Hóa, Cam Lộ, Đakrông...

Tổ chức các điểm truyền thông, tập huấn, hội thảo, liên hoan văn nghệ, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, bản tin Bình đẳng giới của Hội, tuyên truyền trực quan, các hoạt động sân khấu hóa... Ký kết thực hiện biên bản ghi nhớ giữa phụ nữ 3 tỉnh thuộc 3 nước: Quảng Trị (Việt Nam), Savannakhet (Lào), MucĐaHán (Thái Lan) về công tác phòng, chống mua bán người.

Ngoài công tác tuyên truyền, Hội cũng tổ chức ký giao ước thi đua với các huyện, thị, thành phố năm 2020, trong đó có nội dung triển khai chủ đề thi đua năm 2020 “An toàn cho phụ nữ, trẻ em”, chỉ đạo mỗi cơ sở Hội lựa chọn và đăng ký ít nhất 1 hành động thiết thực vì an toàn của phụ nữ, trẻ em, tạo sự lan tỏa, thực hiện trong các tầng lớp hội viên, phụ nữ; đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, trong đó có tiêu chí không phạm tội và tệ nạn xã hội.

Hội LHPN các cấp đã tăng cường hoạt động tuyên truyền, phòng ngừa, phát hiện tố giác tội phạm, chủ động nắm tình hình, tích cực phát hiện, tố giác và cung cấp cho các lực lượng chức năng các nguồn tin về các hành vi vi phạm pháp luật trên địa bàn, chú trọng ở các địa bàn vùng biên. Chỉ đạo Hội LHPN thị trấn Lao Bảo phát huy hiệu quả “Tổ Xe kéo”, cung cấp nguồn tin về tội phạm ma túy, mua bán người cho lực lượng chức năng, góp phần cùng với địa phương ngăn chặn tội phạm mua bán người và tệ nạn xã hội; tập trung xây dựng, nhân rộng mô hình phòng, chống mua bán người.

Nhiều mô hình mới về phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội đã góp phần trong công tác phòng, chống mua bán người như: Mô hình “Không có con em và người thân vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội”, mô hình “Thôn không có tội phạm” , “Quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội”, “Gia đình hội viên phụ nữ không vi phạm pháp luật”, “Phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em”, "Phụ nữ nói không với đưa người đi lao động nước ngoài trái phép"...

Hội đã xây dựng được 610 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, được chính quyền công nhận, duy trì hoạt động của 4 nhà tạm lánh tại thư viện phụ nữ xã Triệu Đông (huyện Triệu Phong), xã Mò Ó (huyện Đakrông), xã Tân Thành và Hướng Tân (huyện Hướng Hóa).

Hội cũng đã đẩy mạnh thực hiện mô hình kết nghĩa bản - bản, chú trọng thực hiện công tác phòng, chống mua bán người. 23 cặp bản đối diện hai bên biên giới giữa tỉnh Quảng Trị, (Việt Nam) và Salavan, Savannakhet (Lào) đã tổ chức kết nghĩa như: bản Ka Tăng (thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa) - bản Densavan (huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet); La Lay (xã A Ngo, huyện Đakrông) - A Sói (huyện Sa Muồi, tỉnh Salavan); Long Thành (xã Tân Long, huyện Hướng Hóa) - Bản Húc (huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet)… đã kết nghĩa và chung tay thực hiện công tác phòng, chống mua bán người.

Mỗi phụ nữ là nạn nhân bị mua bán trở về thường bị ảnh hưởng đến tâm lý, cuộc sống. Nắm bắt được điều đó, Hội đã đến thăm, động viên, chia sẻ, tư vấn tâm lý, hỗ trợ những phụ nữ trên địa bàn bị mua bán trở về, hỗ trợ họ vay vốn hoặc sinh kế giúp phụ nữ bị mua bán sớm ổn định cuộc sống.

Lãnh đạo Hội LHPN tỉnh Quảng Trị trao quà hỗ trợ hội viên phụ nữ nghèo có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Phương Thiện

Lãnh đạo Hội LHPN tỉnh Quảng Trị trao quà hỗ trợ hội viên phụ nữ nghèo có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Phương Thiện

Trong thời gian tới, các cấp Hội tiếp tục tổ chức các hoạt động trong công tác phòng, chống mua bán người như: Tiếp tục tổ chức các hoạt động tuyên truyền, thực hiện cuộc vận động “Rèn luyện phẩm chất đạo đức tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”; hướng dẫn hội viên phụ nữ thực hiện nội dung mỗi cơ sở đăng ký một hành động cụ thể trong thực hiện cuộc vận động gắn với Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tuyên truyền nội dung tiêu chí cuộc vận động xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch, có các biện pháp giúp đỡ các gia đình đăng ký thực hiện tiêu chí “không phạm tội và tệ nạn xã hội”.

Đồng thời, phối hợp với nhà trường tuyên truyền, vận động trẻ em gái, nữ học sinh, sinh viên rèn luyện theo 4 phẩm chất đạo đức: “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”; tuyên truyền học sinh, sinh viên về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người; phối hợp tổ chức các hoạt động tập huấn, hội thảo, tuyên truyền, sân khấu hóa, phát động toàn dân phòng, chống mua bán người.

Tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động các mô hình, câu lạc bộ phòng, chống mua bán người... nâng cao chất lượng, hiệu quả các địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, nhà tạm lánh. Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, biểu dương điển hình trong công tác phòng, chống mua bán người...

Phương Thiện

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/phu-nu-quang-tri-chung-tay-vi-mot-cong-dong-khong-co-nan-nhan-mua-ban-nguoi-post436203.html