Phụ nữ Quảng Trị phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội

Thực hiện khâu đột phá 'Nâng cao hiệu quả thực chất công tác giám sát, phản biện xã hội, tham mưu đề xuất chính sách của các cấp hội', Hội LHPN tỉnh tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội của các cấp hội, đặc biệt là cấp cơ sở. Thông qua giám sát, phản biện xã hội, các cấp hội phụ nữ toàn tỉnh thực hiện tốt hơn chức năng đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho phụ nữ và trẻ em, khẳng định vị thế, vai trò của tổ chức hội trong đời sống xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

 Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm sự tham gia của người dân trong quản lý ngân sách nhà nước -Ảnh: N.K

Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm sự tham gia của người dân trong quản lý ngân sách nhà nước -Ảnh: N.K

Nét mới trong hoạt động của các cấp hội phụ nữ tỉnh là phát huy vai trò chủ động của hội viên phụ nữ và cộng đồng trong giám sát thông qua triển khai, chia sẻ sáng kiến giám sát cộng đồng, nhóm giám sát cộng đồng, thúc đẩy chất lượng giám sát của hội cơ sở. Chủ tịch Hội LHPN xã Hải Định, huyện Hải Lăng Phạm Thị Kim Liên cho biết: “Xuất phát từ thực tế của địa phương khi Nhà văn hóa cộng đồng thôn Trung Đơn đưa vào hoạt động tháng 2/2020, sau 5 tháng một số hạng mục đã xuống cấp, Hội LHPN xã phối hợp triển khai sáng kiến “Thúc đẩy công khai minh bạch và sự tham gia của người dân vào quản lý ngân sách nhà nước” do Tổ chức Oxfam tài trợ thông qua Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI). Qua giám sát phát hiện công trình chưa tổ chức họp dân để thông qua kế hoạch xây dựng, nhiều người dân chưa rõ hoặc không biết dự toán công trình; việc hệ thống cửa đóng mở khó khăn, nền nhà và tường bị nứt nẻ, kết cấu không đảm bảo, gây hoang mang, lo lắng cho người dân; công trình không có hạng mục nhà vệ sinh nên bất tiện trong quá trình sử dụng. Từ đó, nhóm giám sát đề xuất với chủ đầu tư khắc phục, sửa chữa để phát huy hiệu quả công trình. Qua hoạt động giám sát và khuyến nghị của nhóm cộng đồng do Hội LHPN xã hỗ trợ về kỹ thuật đã nâng cao vai trò trách nhiệm của người dân trong việc tham gia giám sát quản lý ngân sách nhà nước liên quan đến cộng đồng”.

Nhằm thúc đẩy công khai minh bạch, sự tham gia của người dân vào quản lý ngân sách nhà nước, Hội LHPN tỉnh phối hợp với CDI phát động sáng kiến giám sát cộng đồng, chỉ tính trong năm 2020 đã tiếp nhận 10 sáng kiến để thẩm định và hỗ trợ thực hiện. Cùng với phát động sáng kiến giám sát cộng đồng, Hội LHPN các huyện, thị xã, thành phố tiến hành giám sát các nội dung đã được cấp ủy phê duyệt. Hội LHPN tỉnh tham gia đoàn giám sát của Ủy ban MTTQVN tỉnh giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do COVID-19; chỉ đạo các cấp hội tiếp tục phối hợp Ủy ban MTTQVN cùng cấp thực hiện nhiệm vụ giám sát đảm bảo quy trình và hiệu quả.

Trong phản biện xã hội, Hội LHPN tỉnh, huyện, thị xã, thành phố tham gia góp ý 533 dự thảo văn bản với 754 ý kiến, trong đó cấp tỉnh đã góp ý 73 văn bản với 185 ý kiến góp ý dự thảo các đề án, chương trình, kế hoạch của UBND tỉnh và các ban, ngành. Về tham mưu đề xuất chính sách, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, các cấp hội đã chủ động tham gia, xây dựng, đề xuất các nội dung liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới trong các nghị quyết, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tếxã hội địa phương; tham mưu UBND tỉnh, huyện ban hành kế hoạch thực hiện 2 đề án của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 938 “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017- 2027” và Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”) đã tạo cơ hội và nguồn lực để các cấp hội triển khai các hoạt động tham gia phát triển kinh tế-xã hội và giải quyết các vấn đề thiết thực của phụ nữ. Chủ động tổ chức được 54 cuộc đối thoại giữa hội viên phụ nữ với lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương và các ngành chức năng về các chủ trương, chính sách, dịch vụ công có liên quan đến phụ nữ, trẻ em, giúp hội viên phụ nữ nắm bắt được chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế-xã hội; đồng thời giúp cấp ủy, chính quyền nắm bắt và giải quyết kịp thời các kiến nghị chính đáng của hội viên phụ nữ, tạo sự đồng thuận trong triển khai các chủ trương, chính sách, chương trình, dự án tại địa bàn.

Có thể khẳng định, các hoạt động giám sát, phản biện xã hội của các cấp hội phụ nữ tỉnh đã phát huy được quyền làm chủ, sự tham gia và trí tuệ của cán bộ, hội viên phụ nữ, góp phần đẩy mạnh thực hành dân chủ xã hội, thực sự là tiếng nói đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ toàn tỉnh.

Thanh Hải

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=162530&title=phu-nu-quang-tri-phat-huy-vai-tro-giam-sat-phan-bien-xa-hoi