Phụ nữ quê tôi
Quê tôi ở miệt rừng U Minh Thượng, một vùng quê Anh hùng nhưng còn nghèo khó. Ở nơi đó, rất nhiều người trong tuổi lao động đã bỏ ruộng rẫy lên các trung tâm kinh tế lớn lao động, trong số đó có rất nhiều phụ nữ. Các mẹ, các chị mỗi người rời quê mang theo một số phận, nhưng tựu chung ra đi là vì miếng cơm, manh áo.
NDĐT - Quê tôi ở miệt rừng U Minh Thượng, một vùng quê Anh hùng nhưng còn nghèo khó. Ở nơi đó, rất nhiều người trong tuổi lao động đã bỏ ruộng rẫy lên các trung tâm kinh tế lớn lao động, trong số đó có rất nhiều phụ nữ. Các mẹ, các chị mỗi người rời quê mang theo một số phận, nhưng tựu chung ra đi là vì miếng cơm, manh áo.
Quốc lộ 63 đưa tôi trở lại vùng U Minh Thượng (Kiên Giang), nơi tôi cất tiếng khóc chào đời. Qua cầu Vĩnh Tiến, xe rẽ vào con lộ nhựa rộng khoảng 3m, xây dựng cách đây khoảng 15 năm từ nguồn vốn của Chương trình 135 để về xã Vĩnh Hòa và Hòa Chánh, huyện U Minh Thượng. Đây là một trong những con lộ nhựa được khởi công đầu tiên ở vùng này, “ưu tiên” cho xã Anh hùng Vĩnh Hòa (gồm Vĩnh Hòa và Hòa Chánh bây giờ). Con lộ xuống cấp nhiều, lề lở, ổ gà chằng chịt. Cặp lộ là con kênh đào tên Sáu Sanh (tên một địa chủ thời Pháp thuộc), dẫn nuớc từ sông Cái Lớn nhập vào những dòng kênh khác, rồi hòa vào dòng Trèm Trẹm chảy qua địa phận tỉnh Cà Mau.
Tôi ghé nhà chú Út - Nguyễn Thanh Cần, phụ trách công tác Mặt trận, kiêm Chủ tịch Chi hội Cựu chiến binh của ấp Vĩnh Thạnh, xã Vĩnh Hòa. Gia đình chú Út có năm người, đang sở hữu đến 30 công ruộng, nhưng căn nhà tôn, vách lá không lành. Nhà không có bộ bàn ghế tươm tất, cái ti-vi cũ đã hỏng. Chú Út có smartphone nhưng không dám chi hơn trăm nghìn mỗi tháng lắp đặt mạng internet. Chú bảo, vẫn còn nhiều chi phí khác cần đến tiền, nên chưa vội! Nói vậy, nhưng chú rất muốn sắm những vật dụng, hạ tầng thiết yếu, nhưng thu nhập của 30 công ruộng chỉ đủ trang trải cái ăn, cái mặc và cái học của thằng em - con trai út của chú, đang học cử nhân ở Đại học Cần Thơ.
Hai em một trai, một gái (con chú), sau khi tốt nghiệp cao đẳng đã theo những người trong xóm rời quê, xa ruộng, lên Bà Rịa - Vũng Tàu làm công nhân. Em Nguyễn Thị Hồng Nhung cả tuổi thơ chưa ra đến chợ tỉnh. Học hết THPT ở xã, lần đầu tiên lên TP Rạch Giá là nhập học vào Trường Cao đẳng Cộng đồng Kiên Giang. Khoảng cách từ nhà đến trường không xa, nhưng mỗi tháng, thím Út phải mua đủ thứ vật dụng từ quê mang lên cho con gái. Em hiền đến độ, chỉ biết đường từ nhà đến trường và từ trường đến phòng trọ. Vậy mà, học xong trở về quê, Nhung cũng theo anh lên tận miền Đông lao động, kiếm tiền phụ mẹ nuôi em. Nhung rất muốn có một công việc gần nhà, đúng ngành nghề đã học, nhưng thời buổi người đông, việc ít, quá khó! Mà có việc làm ở huyện hay ở tỉnh, cũng chỉ đủ nuôi thân, không đỡ đần được gia đình. Còn hiện tại với mức thu nhập khoảng bảy triệu đồng/tháng, Nhung đã gửi về cho mẹ một nửa.
Tôi hỏi chị Trần Thu Ba (người cùng xóm với chú Út) Đảng ủy viên của xã Vĩnh Hòa về những người phụ nữ đã rời quê. Chị Thu Ba kể ra rất nhiều cái tên, từ người chưa đủ tuổi thành niên đến những người quá lục tuần, “đó là chỉ những người trong ấp Vĩnh Thạnh, còn nếu cả xã lên đến nghìn người”. Những người mà chị Thu Ba nhắc, mỗi người có một hoàn cảnh, nhưng tựu chung nghèo, chán ruộng rẫy. “Cậu cứ đi từng nhà trong xóm này hỏi thăm, nhà nào cũng có người đi làm ở miền đông và TP Hồ Chí Minh” - chị Thu Ba quả quyết.
Căn nhà của chị Phạm Thị Kim T 34 tuổi, ở ấp Vĩnh Thạnh chỉ là một cái chòi, nằm sâu trong xóm, chờ cơn gió mạnh là sập. Đời phụ nữ như chị T đáng thương. Chị và chồng lấy nhau ăn ở được hai con gái. Cha mẹ hai bên nghèo, anh chị sống cảnh làm thuê nay đây mai đó. Quê ít việc, chị một mình lên tận Đồng Nai phụ hồ, gửi tiền về phụ chồng nuôi con. Đi làm xa, giỗ, Tết mới về quê thăm chồng, con. Những tháng năm đầu vợ chồng xa nhau vẫn chắt chiu tình cảm, tiền bạc lo cho con. Hai đứa con của chị thường xuyên sống cảnh xa mẹ cha nên chẳng được học hành. Lâu ngày dài tháng, vợ chồng có sự rạn nứt tình cảm. Rồi chị phát hiện chồng mình có con riêng với người phụ nữ khác. Chẳng ầm ĩ, chị dắt hai con lên Đồng Nai và lâu lắm rồi hàng xóm không thấy chị về…
Còn với bà Huỳnh Thị H năm nay 60 tuổi, ngụ cùng ấp với chị T lại có một hoàn cảnh khác. Trước, vợ chồng bà H thuộc hàng khá giả trong ấp, chồng bà là con út được thừa hưởng khối tài sản của cha. Nhà có đất đai, ruộng rẫy nhiều, chồng bà H còn làm ăn kinh doanh bách nghệ. Hai đứa con đến tuổi dựng vợ, gả chồng đều có cuộc sống ổn định. Nhưng không biết tự lúc nào, chồng bà H có mối quan hệ bên ngoài. Không hàn gắn được, bà và chồng phải ra tòa ly dị, chia tài sản. Một thời gian, đất đai, ruộng rẫy bà H đã cầm cố hết. Ở cái tuổi “hưu” nhưng do túng thiếu, bà H cũng khăn gói lên tận Đồng Nai tìm việc làm.
Rời Vĩnh Hòa, cũng trên con đường nhựa, cạnh kênh Sáu Sanh, tôi thẳng về xã Hòa Chánh, đi qua những ấp như Vĩnh Hưng, Vĩnh Trung, Vĩnh Lập, Vĩnh Tân, Vĩnh Chánh, Vĩnh Hiệp… Chị Út Mẫn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã đưa tôi đến một số gia đình mà Hội đã hỗ trợ, níu được “chân” các chị ở lại quê phát triển kinh tế.
Đến nhà của chị Phùng Thị Hiệp, 38 tuổi, ngụ ấp Vĩnh Lập. Căn nhà quay mặt ra kênh, tuy nhỏ nhưng gọn gàng, mát mẻ. Cách đây chục năm, đồng áng thất bát, nợ nần chồng chất, chị cùng chồng lên Bình Dương “lập nghiệp” bằng nghề phụ hồ. Với chị khi đó, đi là để lánh nợ, nhưng với quyết tâm làm lại từ đầu. Năm rồi, chị cùng chồng trở lại quê thanh toán hết nợ nần, sửa sang lại căn nhà, mua hơn mẫu ruộng trồng khóm, làm vườn. Chị khoe, khóm đang phát triển tốt, chuẩn bị thu hoạch. Với giá khóm khá cao như hiện tại, chị Hiệp hy vọng sang năm sẽ đủ tiền cất căn nhà mới khang trang. Chị Hiệp tâm sự: “Nếu có điều kiện về đất đai thì ở quê phát triển tốt hơn. Đi làm, có tiền nhưng vất vả, có khi tủi nhục, lại không có điều kiện chăm sóc con cái”.
Chị Lê Thị Ngọc Thuyền, 39 tuổi, ngụ ấp Vĩnh Hiệp cũng đã có thời gian xa quê đi làm ở Bình Dương. Vợ chồng chị Thuyền có ba con, trong đó hai đứa còn nhỏ, đứa lớn học hết lớp 10 phải nghỉ phụ cha mẹ. Gia đình hoàn cảnh nên lúc đi làm xa, bỏ con lại nhà không yên tâm, chị thường xuyên về nên công việc không ổn định, tiền bạc không có dư. Đầu năm nay, chị Thuyền được Hội hỗ trợ vay 40 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Có vốn, chị khôi phục lại nghề làm bánh mì, vợ chồng con cái lấy công làm lãi và thu nhập của gia đình dần đã ổn định. Hiện mỗi ngày trừ chi phí, gia đình chị Thuyền có mức lãi khoảng 250 nghìn đồng. Hộ chị Thuyền đang chờ xét để đưa ra khỏi diện cận nghèo. Chị nhỏ nhẹ rằng, “được ở tại quê, làm tại nhà cùng chồng con, có mức thu nhập như vầy thì còn gì bằng!”.
Niềm vui nhân lên, Út Mẫn đưa tôi đến gia đình chị Giang Thị Xuân, 56 tuổi, ngụ ấp Vĩnh Hưng. Nhà chỉ ba khẩu, chị và hai con trai, đứa đang học đại học năm cuối, đứa học lớp 12. Chị Xuân kể, trước đây gia đình chỉ có hai công ruộng. Chị là lao động chính, quyết tâm cho hai con ăn học nên phải bán đất. Không còn tư liệu sản xuất, chị Xuân đi làm thuê. Rồi chị được Hội quan tâm tư vấn, giúp đỡ vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để chuyển từ làm thuê sang mua bán nhỏ. Chị Xuân mua chiếc xe đẩy cùng hàng hóa làm một sạp hàng di động đẩy khắp xóm. Chắt chiu dành dụm, chị vừa đầu tư cất lại căn nhà hơn 50 triệu đồng kiên cốg, rộng rãi, đẹp. Cuối năm rồi, chị Xuân được xã bình xét ra khỏi danh sách hộ nghèo. “Giờ của lớn nhất của tôi là hai đứa con trai” - chị Xuân nói.
Hiện hội viên nữ của xã Hòa Chánh là 3.434 chị, trong số này có hơn một nghìn chị đã rời quê. Còn tại xã Vĩnh Hòa đang cũng có 1.064 phụ nữ đang tạm trú đâu đó ở các thành phố lớn. Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện U Minh Thượng cho biết, thời gian qua, các cấp hội phụ nữ đã phát động nhiều chương trình, phong trào, vận động, tuyên truyền, hỗ trợ chị em khởi nghiệp, phát triển kinh tế. Cụ thể, Hội cơ sở đã triển khai hiệu quả phong trào “phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình” bằng nhiều hình thức như khai thác các nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, duy trì triển khai các hình thức tiết kiệm tại chi hội, góp vốn xoay vòng tại các tổ phụ nữ, tiết kiệm giúp nhau giảm nghèo, trang bị thêm các vật dụng gia đình. Chị Phạm Thị Ánh Xuân, Chủ tịch Hội LHPN xã Vĩnh Hòa nói “hằng năm mỗi chi hội đăng ký giúp từ hai hộ phụ nữ thoát nghèo và số hộ phụ nữ thoát nghèo luôn đạt hơn 50% chỉ tiêu đã đăng ký. Trong năm nay, Hội đăng ký giúp 14 hộ phụ nữ thoát nghèo”.
Thực tế, qua các chương trình, phong trào, mô hình của các cấp hội phụ nữ đã hỗ trợ, giúp đỡ cho rất nhiều phụ nữ từ nghèo vươn lên thoát nghèo, khá giả, nhưng việc Hội giúp để các chị từ chỗ rời quê đi làm ăn xa quay về phát triển kinh tế tại địa phương thì chưa nhiều. Chị Ánh Xuân và Út Mẫn đều nhìn nhận, ở quê chỉ có ruộng rẫy, ngoài ra là chăn nuôi, mua bán nhỏ nên thu nhập không cao. Trong khi lên Đồng Nai, Bình Dương một phụ nữ không có tay nghề cũng có thể thu nhập mỗi tháng bốn, năm triệu đồng…
Thống kê cho thấy, trong số 1.064 phụ nữ ở Vĩnh Hòa đi làm ăn xa, có đến 959 chị làm ăn có hiệu quả với mức thu nhập từ bốn triệu đồng/tháng trở lên, có nhiều chị thu nhập mỗi tháng khoảng 10 triệu đồng. Vì vậy, dù biết phụ nữ đi làm ăn xa chịu thiệt thòi, có khi phải đánh đổi tương lai con cái, hạnh phục gia đình, nhưng do áp lực cuộc sống, nhiều chị phải cam chịu.
Cấp ủy, chính quyền và các cấp Hội phụ nữ cũng thấy được những mặt trái của “phong trào” phụ nữ xa quê đi làm ăn, nhưng khi địa phương, cơ sở chưa có mô hình kinh tế nào hiệu quả và những công việc tốt để thu hút phụ nữ tham gia tạo ra thu nhập thì đành chấp nhận, bởi từ “phong trào” không phát động này mà nhiều chị, hộ gia đình đã ổn định thu nhập, thoát nghèo, vươn khá…
Ở lại quê một đêm, sáng tôi trở về tỉnh lỵ. Trên xe có thêm hai phụ nữ lạ - họ quá giang đến bến xe Rạch Sỏi để đón xe đò lên Bình Dương. U Minh Thượng lại có thêm hai phụ nữ rời quê.
Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/phong-su-ky-su/item/43504302-phu-nu-que-toi.html