Phụ nữ Thanh Hóa với khát vọng vươn lên, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX

Ở bất cứ thời kỳ nào, phụ nữ Việt Nam nói chung, phụ nữ Thanh Hóa nói riêng cũng luôn mang trong mình khát vọng vươn lên mạnh mẽ. Nguồn năng lượng tiềm tàng ấy tạo thành sức mạnh vĩ đại, giúp phụ nữ có những cống hiến, đóng góp to lớn, góp phần xây dựng, bảo vệ non sông gấm vóc của Tổ quốc trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước.

Kỷ niệm 113 năm ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3-1910 - 8-3-2023)

Đồng chí Lê Đức Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thăm, động viên phụ nữ tham gia ngày phụ nữ sáng tạo năm 2022. Ảnh: P.V

Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng đã nêu rõ: Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ; xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế... Đây chính là sự tiếp nối, phát triển quan điểm của Đảng về phụ nữ và công tác phụ nữ trong các kỳ đại hội trước, đồng thời, khẳng định sự quan tâm, trách nhiệm cũng như những nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đặt ra để giải quyết các vấn đề về công tác phụ nữ trong giai đoạn hiện nay. Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc không thể không bao hàm khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ. Bởi lẽ, phụ nữ chiếm hơn một nửa dân số và gần một nửa lực lượng lao động cả nước, có mặt trong tất cả các lĩnh vực, ngành, nghề, khắp các vùng, miền của Tổ quốc. Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, phụ nữ Việt Nam nói chung, phụ nữ Thanh Hóa nói riêng đã có những cống hiến, đóng góp to lớn, góp phần xây dựng và bảo vệ non sông gấm vóc của Tổ quốc, tạo dựng nên truyền thống vẻ vang: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Tiếp tục khơi dậy khát vọng vươn lên của cán bộ, đảng viên, hội viên, phụ nữ và toàn thể Nhân dân tỉnh Thanh trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội, là một trong những điểm mới, nổi bật trong Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025.

Phát huy truyền thống vẻ vang của phụ nữ Việt Nam, bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh, nhiệm kỳ 2021-2026, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện nội dung, phương thức hoạt động hội, lấy nhu cầu thiết thân của phụ nữ làm cơ sở để xác định các nội dung, hình thức hoạt động, xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh. Mở rộng kết nối, đề cao tính chủ động, trách nhiệm của từng cấp và người đứng đầu trong công tác hội và phong trào phụ nữ. Các hoạt động chăm lo, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc tiếp tục được quan tâm cả về chất và lượng. Tập trung tham mưu, đề xuất cơ chế, chính sách, thực hiện có hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội. Chăm lo, bảo vệ lợi ích chính đáng của phụ nữ, động viên các tầng lớp phụ nữ tích cực, chủ động, năng động, sáng tạo tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, góp phần xây dựng Thanh Hóa trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc.

Để thực hiện mục tiêu, khát vọng đó, Hội LHPN tỉnh chỉ đạo các cấp hội đẩy mạnh phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Thanh Hóa thời đại mới, yêu nước, nhân ái, tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên” gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện 4 nhiệm vụ trọng tâm công tác hội và cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch góp phần vun đắp giá trị tốt đẹp gia đình Việt Nam”... Qua đó, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực trong giải quyết những vấn đề liên quan đến phụ nữ, đồng thời khẳng định khả năng, sức sáng tạo trên mọi lĩnh vực.

Nổi bật là: Thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, kinh tế tập thể. Năm 2021-2022, hội chỉ đạo xây dựng 12 mô hình kinh tế tập thể, nâng tổng số mô hình kinh tế tập thể do nữ làm chủ toàn tỉnh lên 351 mô hình; tổ chức nhiều hình thức giúp phụ nữ nghèo, phụ nữ dân tộc thiểu số về vốn, giống, ngày công, con giống, chuyển giao khoa học - kỹ thuật... riêng năm 2022, các cấp hội đã giúp khoảng 2.800 hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo.

Với khát vọng vươn lên phát triển về mọi mặt, khẳng định vai trò, vị trí của phụ nữ trong gia đình và xã hội, Hội LHPN tỉnh duy trì tổ chức cuộc thi “Ý tưởng, sản phẩm khởi nghiệp” và “Ngày phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp” nhằm mở rộng thị trường, kết nối tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy chị em khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Đặc biệt, Hội LHPN tỉnh đã xây dựng, đề xuất và được UBND tỉnh phê duyệt thực hiện Đề án “Hỗ trợ HTX do phụ nữ tham gia quản lý và tạo việc làm cho lao động nữ giai đoạn 2022-2030”; triển khai thực hiện Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” và Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025”... mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho hội viên, phụ nữ, tạo điều kiện, cơ hội cho hội viên phấn đấu thực hiện mục tiêu đặt ra.

Tiếp tục nâng cao vị thế, mở rộng ảnh hưởng của tổ chức hội trong quan hệ đối ngoại, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức các sự kiện đối ngoại quan trọng được các tổ chức trong nước và bạn bè quốc tế đánh giá cao: Đón và làm việc với đoàn thực địa các đối tác quốc tế gồm đại diện các đại sứ quán, cơ quan ngoại giao, tổ chức Liên hợp quốc và Phái đoàn Liên minh châu Âu; phối hợp với ban quốc tế Trung ương Hội, Hiệp hội Doanh nhân nữ tỉnh làm việc với đại biểu Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Việt Nam; đón tiếp và chia sẻ kinh nghiệm trong triển khai thực hiện hoạt động hội với Đoàn đại biểu học viên lớp bồi dưỡng cán bộ Hội LHPN Lào đang theo học tại Học viện Phụ nữ Việt Nam; ký kết Biên bản ghi nhớ giai đoạn 2022-2024 với Hội LHPN tỉnh Hủa Phăn (Lào)... Những hoạt động trên đã và đang mở ra cơ hội cho phụ nữ Thanh Hóa trên con đường hội nhập và phát triển.

Nhiệm kỳ 2021-2026, Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ xác định thực hiện khâu đột phá: “Hỗ trợ phụ nữ nâng cao năng lực, ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp cận chính quyền số, kinh tế số, xã hội số”, các cấp hội đã ứng dụng công nghệ thông tin trong truyền thông, tổ chức các hoạt động, hội nghị, sự kiện, cuộc thi trực tuyến trên các nền tảng số; tập trung tập huấn nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ hội các cấp... Cùng với đó, công tác cán bộ hội được quan tâm cả về quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và bổ nhiệm cán bộ đáp ứng nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Nhiều cán bộ hội đã được luân chuyển sang công tác Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể... và giữ vai trò, vị trí quan trọng trong lãnh đạo, điều hành. Các chị ngày càng khẳng định được năng lực, sở trường, bản lĩnh của cán bộ nữ trong công việc, thể hiện khát vọng vươn lên về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, góp phần thực hiện bình đẳng giới.

Hội viên phụ nữ xã Phú Lệ (Quan Hóa) được Hội LHPN tỉnh hỗ trợ con giống, xây dựng tổ hợp tác chăn nuôi lợn nái đen bản địa sinh sản. Ảnh: P.V

Hội viên phụ nữ xã Phú Lệ (Quan Hóa) được Hội LHPN tỉnh hỗ trợ con giống, xây dựng tổ hợp tác chăn nuôi lợn nái đen bản địa sinh sản. Ảnh: P.V

Có thể nói, hoạt động hội và phong trào của phụ nữ Thanh Hóa ngày càng mang đậm dấu ấn riêng và trên các lĩnh vực, công trình, phần việc. Trong đó có 6 công trình/phần việc quy mô cấp tỉnh tham gia chào mừng Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc được Trung ương Hội LHPN Việt Nam ghi nhận, đánh giá cao, tiếp tục được thực hiện đến nay, góp phần khẳng định vai trò của tổ chức hội, trách nhiệm người đứng đầu các cấp hội trong tổ chức, triển khai thực hiện. Đó là công trình “Biến rác thải thành tiền”, xây dựng “Đường hoa - đường tranh - hàng cây - hàng rào xanh”, “Nhà sạch - vườn mẫu”, “Nhà sạch - vườn đẹp” được gắn biển, “sản phẩm do phụ nữ sản xuất được giới thiệu trên không gian mạng” “Áo dài – sắc phục dân tộc ngày tết” và công trình “Ảnh gia đình Việt - sum vầy ngày tết”. Ngoài ra, nhiều chương trình hoạt động của hội còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, như: “Mẹ đỡ đầu, hỗ trợ, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mô côi”, “Triệu phần quà san sẻ yêu thương”, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, tri ân gia đình chính sách, gia đình quân, dân huyện đảo Trường Sa và cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1, thăm, tặng quà, hỗ trợ hội viên, trẻ em đặc biệt khó khăn.

Phát huy những kết quả đạt được, Hội LHPN tỉnh tiếp tục tăng cường hỗ trợ, hướng dẫn và khơi dậy khát vọng vươn lên của phụ nữ các dân tộc, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIX của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa; tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục các tầng lớp phụ nữ thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chăm lo bảo vệ phẩm giá, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ; đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua, trọng tâm là: “Xây dựng người phụ nữ Thanh Hóa thời đại mới, yêu nước, nhân ái, tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên” gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh...; không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của tổ chức hội theo phương châm “Trung ương định hướng chiến lược, tỉnh vận dụng sáng tạo, huyện đồng hành cơ sở, xã nắm chắc hội viên, chi thấu hiểu phụ nữ”, xây dựng tổ chức hội vững mạnh, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả, nâng cao vị thế, mở rộng ảnh hưởng của tổ chức hội và tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, thực hiện hiệu quả chức năng đại diện của tổ chức hội.

Ngô Thị Hồng Hảo

Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/xay-dung-dang/phu-nu-thanh-hoa-voi-khat-vong-vuon-len-quyet-tam-thuc-hien-thang-loi-nghi-quyet-dai-hoi-dang-bo-tinh-lan-thu-xix/180500.htm