Phụ nữ Tung Chung Phố khẳng định quyền năng kinh tế

Nhiều hội viên phụ nữ xã Tung Chung Phố (huyện Mường Khương) đã thay đổi định kiến giới, mạnh dạn tìm hướng phát triển kinh tế, đưa gia đình thoát nghèo bền vững.

Trước kia, kinh tế gia đình chị Hà Thúy Nghiệm, dân tộc Pa Dí, thôn Lũng Pâu rất khó khăn do ít đất sản xuất nông nghiệp và thiếu vốn. Được Hội phụ nữ xã định hướng, với quyết tâm thoát nghèo, năm 2016, chị mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư nuôi trâu sinh sản. Với số vốn vay cùng tiền tích lũy, chị mua 1 cặp trâu về nuôi. Vừa chú trọng chăm sóc, chị vừa tự học hỏi, cập nhật kiến thức chăn nuôi để trâu sinh sản. Chỉ trong 3 năm đầu, trâu mẹ đã sinh được 2 nghé con, gia đình xuất bán và trả hết nợ ngân hàng, có nguồn vốn tái sản xuất.

Năm 2022, nhận thấy nhu cầu của thị trường đối với lợn đen bản địa ngày càng cao, chị Nghiệm tiếp tục đề nghị và được Hội Phụ nữ xã nhận ủy thác vay 100 triệu đồng vốn chính sách để làm chuồng, mua 2 lợn nái, thức ăn để phát triển chăn nuôi theo quy mô hàng hóa. Nhờ chăm sóc tốt, đàn lợn sinh sản đều, mỗi năm xuất bán 3 lứa lợn thịt, sản lượng hơn 4,3 tấn, giá bán từ 60 - 65 nghìn đồng/kg, cho nguồn thu hơn 240 triệu đồng/năm. Có nguồn thu từ chăn nuôi lợn đen, gia đình chị có điều kiện nuôi con ăn học, cuộc sống ổn định, kinh tế phát triển.

Chị Sùng Thị Trà, dân tộc Mông, cùng thôn Lũng Pâu cũng là điển hình về phát triển kinh tế ở địa phương. Chị Trà tâm sự: Trước kia, gia đình tôi chỉ sản xuất nông nghiệp theo hướng tự cấp, tự túc. Từ khi được cán bộ phụ nữ thôn, xã tuyên truyền, vận động, tôi đã thay đổi tư duy sang sản xuất hàng hóa. Tôi được Hội Phụ nữ xã hướng dẫn làm thủ tục vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với số tiền 100 triệu đồng để mua giống, phân bón trồng chè. Hiện, gia đình có hơn 1 ha chè đang trong giai đoạn thu hoạch, đàn lợn hơn 20 con, cuộc sống dần ổn định.

Hội Phụ nữ xã Tung Chung Phố có 8 chi hội cơ sở trực thuộc, với 515 hội viên, trong đó 98,6% hội viên nông thôn, chủ yếu là dân tộc Mông, Nùng, Pa Dí, Tu Dí, Dao, Phù Lá, Thu Lao.

Thời gian qua, Hội Phụ nữ xã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp. Theo đó, ngay từ đầu năm, hội đã rà soát, thống kê số hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ để xây dựng kế hoạch giúp đỡ. Trong năm 2024 đã có trên 100 lượt hội viên tham gia giúp đỡ 10 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ về vốn, ngày công lao động, nhờ đó các hội viên nghèo có thêm động lực để phát triển kinh tế.

Cùng với đó, hội còn vận động phụ nữ tích cực lao động, sản xuất, chuyển diện tích đất trồng cây hằng năm kém hiệu quả sang trồng các cây lâu năm khác có giá trị kinh tế cao, bền vững như cây quýt, chè, lê, hồng giòn…; hỗ trợ phụ nữ kết nối tiêu thụ sản phẩm qua các kênh mạng xã hội; tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ tham gia học tập kiến thức phát triển kinh tế trên Fanpage của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Hội Phụ nữ xã đẩy mạnh hướng dẫn hội viên sử dụng nguồn vốn chính sách ưu đãi để đầu tư phát triển kinh tế. Năm 2024 có 74 hội viên vay vốn, tổng dư nợ hơn 4,4 tỷ đồng để phát triển sản xuất, kinh doanh và sử dụng vốn hiệu quả. Cùng với đó, việc nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả do phụ nữ làm chủ đã tiếp thêm động lực cho phụ nữ trên địa bàn xã nỗ lực vươn lên, phát triển kinh tế gia đình, góp phần giảm nghèo bền vững. Năm 2024, có hơn 10 gia đình hội viên phụ nữ thoát nghèo, nhiều gia đình hội viên có mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

Không chỉ tập trung phát triển kinh tế, hội viên phụ nữ xã Tung Chung Phố còn tích cực tham gia các phong trào thi đua, cuộc vận động, như phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc; xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”...

Kim Thoa - Khánh Ly

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/phu-nu-tung-chung-pho-khang-dinh-quyen-nang-kinh-te-post395284.html