Phụ nữ Việt Nam ngày càng vươn lên, khẳng định trong mọi lĩnh vực

Nữ giới Việt Nam đã và đang thoát khỏi những định kiến trước đây và ngày càng khẳng định bản thân; không chỉ làm tốt nhiệm vụ của người vợ, người mẹ mà nhiều phụ nữ đang dần khẳng định thành công trong sự nghiệp. Báo Quân đội nhân dân giới thiệu một số ý kiến chia sẻ về nội dung này.

Đồng chí PHẠM THỊ THANH, Phó trưởng ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam:

Phụ nữ ngày càng khẳng định vị thế

Dù ở bất cứ nơi đâu, từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi đến miền ngược, mỗi người phụ nữ đều mang trong mình tình yêu sâu sắc với quê hương và niềm tự hào về bản sắc dân tộc. Họ không ngừng nỗ lực, sáng tạo để vươn lên, vừa phát huy truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, vừa mở rộng tầm nhìn mới, khẳng định dấu ấn trong xã hội hiện đại.

Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam hiện đại không chỉ đơn thuần là giỏi việc nhà mà còn là người dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo và luôn tràn đầy khát vọng cống hiến. Dù là các chị em trẻ hay trung niên, dù là người nội trợ hay doanh nhân, họ đều mang trong mình niềm tự hào và ý chí vượt qua mọi khó khăn để đạt được thành công trong cuộc sống. Đặc biệt, những người phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa, những người thuộc nhóm yếu thế đều không ngừng nỗ lực khắc phục khó khăn, vươn lên xây dựng kinh tế gia đình cũng như đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của xã hội.

Hành trình vươn lên của phụ nữ Việt Nam hiện đại không hề dễ dàng, họ thường xuyên phải đối mặt với những thách thức và áp lực. Đó là việc cân bằng giữa trách nhiệm gia đình và công việc, là những định kiến xã hội về giới tính và đôi khi là cả sự hạn chế trong việc tiếp cận thông tin và cơ hội phát triển. Những yếu tố này không chỉ là rào cản đối với cá nhân mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển chung của phụ nữ, gây cản trở cho những ước mơ và khát vọng của họ.

Trước những khó khăn đó, các tổ chức đã và đang từng bước đồng hành với phụ nữ, mở ra nhiều cơ hội để họ khởi nghiệp và phát triển toàn diện. Các chương trình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, các lớp đào tạo kỹ năng, kết nối với doanh nghiệp, cộng đồng đã và đang giúp chị em ngày càng tự tin hơn trên con đường của mình. Việc xây dựng một xã hội công bằng, nơi phụ nữ có thể phát triển bản thân, theo đuổi đam mê và đóng góp cho đất nước chính là sứ mệnh mà các tổ chức luôn hướng tới.

----------

Thiếu tá, bác sĩ chuyên khoa I LẠI THANH THÙY, Chủ nhiệm khoa Tiêu hóa-Bệnh máu (Bệnh viện Quân y 17, Cục Hậu cần Quân khu 5):

Tự tin, nỗ lực và không ngừng hoàn thiện bản thân

Là Bí thư chi bộ, Chủ nhiệm Khoa Tiêu hóa-Bệnh máu, tôi phải chịu trách nhiệm trước cấp trên về mọi mặt công tác của khoa; phụ trách điều trị cho bệnh nhân và trực tiếp thực hiện các kỹ thuật nội soi, đo độ đàn hồi gan, các kỹ thuật can thiệp điều trị nội soi cắt polyp, thắt tĩnh mạch thực quản, nội soi gây mê.

Xác định mỗi người bệnh là một cá thể riêng biệt, có hoàn cảnh, tâm lý, thể trạng khác nhau, tôi và các thầy thuốc trong khoa luôn kết hợp toàn diện các phương pháp theo phương châm “điều trị người bệnh chứ không điều trị bệnh”, áp dụng phác đồ điều trị linh hoạt tùy theo từng bệnh nhân, từng tình huống, giai đoạn bệnh cụ thể. Đồng thời, nắm bắt tâm lý, diễn biến, hoàn cảnh cụ thể của người bệnh để tư vấn điều trị sát. Trong bối cảnh khó khăn chung của toàn ngành, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế đôi lúc làm người bệnh hiểu sai lệch về nhân viên y tế, đòi hỏi các thầy thuốc phải khéo léo, giải thích cụ thể, tỉ mỉ để người bệnh hiểu, chia sẻ, tin tưởng nhân viên y tế.

Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của công tác nghiên cứu khoa học, phát triển kỹ thuật, tôi luôn chú trọng định hướng, tạo điều kiện cho cán bộ, nhân viên tham gia các đề tài khoa học, tích cực đề xuất gửi cán bộ, nhân viên đi đào tạo kỹ thuật mới; triển khai phát triển kỹ thuật tại khoa. Tôi đã trực tiếp chủ trì 2 đề tài khoa học cấp cơ sở (2021-2023), 1 đề tài cấp quân khu (2020), đoạt giải khuyến khích Cuộc thi "Đề tài, sáng kiến trong tổ chức công đoàn Quân đội" giai đoạn 2016-2021... Khoa Tiêu hóa-Bệnh máu luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, trở thành địa chỉ uy tín, tin cậy đối với hàng nghìn bệnh nhân. Tôi và nhiều cán bộ, nhân viên nhiều năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, Chiến sĩ thi đua toàn quân.

Để hoàn thành tốt thiên chức của một người phụ nữ, cả trong công việc và cuộc sống hằng ngày, theo tôi, mỗi chị em cần gìn giữ, phát huy hơn nữa truyền thống “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” của phụ nữ Việt Nam xưa và phẩm chất cao đẹp “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” của phụ nữ Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Việc nước-việc nhà, gia đình-xã hội đan xen, sự tự tin, nỗ lực phấn đấu vươn lên, nỗ lực hoàn thiện bản thân chính là bí quyết để tôi có thể làm tròn vai.

Bà Lê Thị Thà (thứ hai, từ trái sang), Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao Hoa Phong tại Lễ trao bằng khen của Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, năm 2023.

Bà Lê Thị Thà (thứ hai, từ trái sang), Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao Hoa Phong tại Lễ trao bằng khen của Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, năm 2023.

Bà LÊ THỊ THÀ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao Hoa Phong (thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh):

Luôn trau dồi, kiên định, linh hoạt và biết cân bằng

Năm 2010, xuất phát từ ý tưởng hình thành hợp tác xã để cùng nhau sản xuất, kinh doanh, tôi cùng một nhóm chị em tham gia sản xuất và tìm được đầu ra cho sản phẩm. Thấy công việc mình làm đem lại hiệu quả, tôi mạnh dạn xin ý kiến lãnh đạo các cấp và được sự đồng thuận, ủng hộ, tiến tới xây dựng hợp tác xã với số thành viên và hộ gia đình tăng lên. Tôi đã vận động các hộ có ruộng cùng xứ đồng ký hợp đồng cho hợp tác xã thuê lại đất.

Hợp tác xã vừa trả sòng phẳng giá thuê ruộng mỗi năm, vừa thu hút hàng trăm bà con đến làm việc ngay trên xứ đồng đó. Người nông dân ở đây phần lớn là nữ có độ tuổi trên 50 và hầu hết thuộc gia đình khó khăn nên cần "cầm tay chỉ việc" để tiếp cận với khoa học kỹ thuật tiên tiến. Để giúp được bà con, tôi đã đến nhiều nơi, học hỏi nhiều mô hình, cách làm hay ở các tỉnh bạn, gặp gỡ nhiều thầy giỏi, có kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp xin tư vấn; tiếp xúc với các doanh nghiệp để xin làm đại lý tiêu thụ con giống và thức ăn chăn nuôi, giới thiệu quảng bá sản phẩm...

Đến nay, các sản phẩm nông nghiệp của Hợp tác xã Hoa Phong đã đứng vững trên thị trường và được nhiều người tin dùng. Tôi vinh dự được tôn vinh là Sao Thần Nông, Nông dân Việt Nam xuất sắc và nhiều giải thưởng cao quý khác.

Phụ nữ ngày nay có nhiều cơ hội nhưng cũng nhiều thách thức khi muốn vươn lên và khẳng định bản thân, đặc biệt trong vai trò nữ doanh nhân. Để thành công, theo tôi, phụ nữ cần phải trau dồi để có kiến thức, chuyên môn sâu rộng và tự tin, kiên định nhưng cũng cần linh hoạt, sáng tạo, đồng thời cần có kỹ năng giao tiếp và xây dựng mạng lưới rộng trong công việc. Đặc biệt, cần phải biết cân bằng giữa công việc và cuộc sống để giữ lửa hôn nhân trong gia đình.

----------

Chị NÔNG THỊ QUỲNH, Chủ tịch Công đoàn Hợp tác xã Trà Sơn Dung (phường Quang Trung, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên):

Dám ước mơ, hành động để vươn lên

Là người con đồng bào dân tộc Tày, trước đây, đời sống của người dân quê tôi gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt những định kiến xã hội chính là rào cản đối với sự phát triển của phụ nữ. Quyết tâm phá vỡ những định kiến ấy, tôi cố gắng học tập để thực hiện ước mơ được đi du học của mình.

Thế nhưng, gia đình lại lo lắng, cho rằng phụ nữ dân tộc thiểu số không cần phải học quá nhiều, mà nên sớm lập gia đình và tìm một công việc ổn định. Tôi đã kiên trì, nỗ lực thuyết phục người thân và cuối cùng được gia đình đồng ý cho đi du học. Sau khi trở về, tôi lập gia đình và với sự hỗ trợ của người thân, tôi cùng mọi người phát triển thương hiệu trà, đây không chỉ mở ra hành trình kinh doanh, mà còn để khẳng định vị trí và sức mạnh của phụ nữ trong xã hội.

Trước đây, nhiều phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ vùng dân tộc thiểu số thường bị gò bó bởi quan niệm “trọng nam khinh nữ”, họ cho rằng phụ nữ chỉ cần đạt trình độ học vấn cơ bản rồi ở nhà lấy chồng, sinh con, còn việc phát triển kinh tế là của người đàn ông.

Tuy nhiên, thời đại ngày nay đã chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của những người phụ nữ dám mơ ước và hành động. Họ không chỉ nỗ lực trau dồi kiến thức mà còn đầu tư vào việc phát triển kỹ năng và tham gia các hoạt động kinh tế, từ khởi nghiệp đến quản lý các tổ chức. Những phụ nữ đó dần trở thành người tiên phong dẫn dắt các phong trào và khẳng định rằng phụ nữ hoàn toàn có thể đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội.

Tuy nhiên, để đạt được điều đó là một hành trình không hề dễ dàng. Để thúc đẩy bình đẳng thực sự, xã hội cần tạo ra những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ, từ việc nâng cao nhận thức đến việc xây dựng các chương trình đào tạo và phát triển nghề nghiệp cho phụ nữ. Cùng với đó, sự hỗ trợ từ gia đình và cộng đồng cũng đóng vai trò quyết định trong việc khuyến khích phụ nữ phát triển kinh tế, khẳng định giá trị bản thân, góp phần xây dựng một xã hội bình đẳng hơn, nơi mọi cá nhân đều có cơ hội thực hiện ước mơ của mình.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/phu-nu-viet-nam-ngay-cang-vuon-len-khang-dinh-trong-moi-linh-vuc-799340