Phụ nữ Việt thời đại mới

Vị thế của phụ nữ trên thế giới nói chung, ở Việt Nam nói riêng đã được cải thiện rất nhiều trong thời gian qua. Tại Việt Nam, chúng ta đã chứng kiến những tiến bộ rõ rệt đã đạt được về quyền và sự lãnh đạo của phụ nữ trong một số lĩnh vực, đáng chú ý nhất là quyền tiếp cận giáo dục, cải thiện sức khỏe bà mẹ, sự tham gia của phụ nữ trong lực lượng lao động... Vì thế, 'Xây dựng phụ nữ Việt Nam thời đại mới' là phong trào thi đua đang được thực hiện trong nhiệm kỳ 2022 - 2027 của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam.

Cô gái Triệu Thị Thanh Trúc (người ngoài cùng bên phải) nhận Giải Tác động xã hội trong khuôn khổ Giải thưởng Study UK Alumni Awards 2023-24. (Nguồn ảnh: Hội đồng Anh)

Cô gái Triệu Thị Thanh Trúc (người ngoài cùng bên phải) nhận Giải Tác động xã hội trong khuôn khổ Giải thưởng Study UK Alumni Awards 2023-24. (Nguồn ảnh: Hội đồng Anh)

Những câu chuyện truyền cảm hứng

Đầu tháng 3/2014, Hội đồng Anh (British Council) vừa trao Giải thưởng Study UK Alumni Awards 2023-24 Việt Nam. Năm 2024 là năm thứ mười Hội đồng Anh tìm kiếm và vinh danh các thành tích xuất sắc của cựu du học sinh Vương quốc Anh trên toàn thế giới với giải thưởng Study UK Alumni Award và đây là năm thứ tư, cựu du học sinh Anh tại Việt Nam tham gia giải thưởng này.

Cô gái Triệu Thị Thanh Trúc, cựu sinh viên Trường University of Manchester đã nhận Giải Tác động xã hội trong khuôn khổ Giải thưởng Study UK Alumni Awards 2023-24 Việt Nam, mang đến một câu chuyện đầu cảm hứng của người nỗ lực trở về từ “cửa tử” và không chỉ thế còn không ngừng phấn đấu cống hiến để trao cơ hội cho những người cùng cảnh ngộ.

Triệu Thị Thanh Trúc đón nhận kết quả mắc căn bệnh ung thư quái ác khi tuổi đời mới đôi mươi, cô thạc sĩ ngành Dược tại Anh coi đó như điểm bắt đầu cho một hành trình sống tự tin hơn, tích cực hơn để không chỉ vực dậy chính mình, mà còn trở thành điểm tựa vững vàng cho người thân và cộng đồng chung cảnh ngộ. Ý chí kiên cường ấy đã đưa Thanh Trúc trở thành đại sứ của Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam. Đối mặt với sự kỳ thị dành cho bệnh nhân ung thư, với kinh nghiệm của một thạc sĩ dược sĩ, Trúc đã chia sẻ câu chuyện của mình trên nhiều nền tảng truyền thông để nâng cao nhận thức về bệnh ung thư. Số tiền 20.000 đô la Mỹ đã được quyên góp vào năm 2020 và đóng góp cho các thư viện tóc trên toàn quốc.

Năm 2022, cô bắt đầu dự án của riêng mình, Trookies, một dự án làm bánh thuần chay và đóng góp lợi nhuận vào các chương trình giáo dục ung thư. Cùng năm đó, cô đã tặng mái tóc của mình nuôi dưỡng ba năm sau hóa trị và truyền cảm hứng cho nhiều phụ nữ trẻ khác. Ba năm vào năm 2023, Trúc tự hào bước đi trên sàn diễn thời trang nhân dịp ra mắt Pinkmate, thương hiệu áo lót dành cho bệnh nhân ung thư vú. Tháng 10 năm ngoái, cô trở lại chạy 3km cùng 5.000 người ủng hộ khác tham gia Pinkrun, một sự kiện gây quỹ cho Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam. Nuôi dưỡng tinh thần vững vàng cùng niềm tin vào tương lai, Trúc vẫn tiếp tục hành trình nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân ung thư tại Việt Nam và hy vọng câu chuyện của mình sẽ truyền cảm hứng cho nhiều người khác.

Cùng với Thanh Trúc, các hạng mục giải thưởng còn được trao cho 2 cô gái Việt nữa là PGS.TS. Lê Kim Phụng hiện là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ Lọc hóa dầu (RPTC), kiêm Trưởng nhóm Nghiên cứu Kỹ thuật Bền vững, Đại học Bách khoa TP HCM (HCMUT) và Nguyễn Thị Hải Thanh hiện đang giữ cương vị Phó Chủ tịch khu vực ASEAN của Global Impact Fintech Forum. Đây là những người phụ nữ đã và đang có nhiều đóng góp cho tiến trình phát triển bền vững tại Việt Nam cũng như đẩy mạnh hợp tác công nghệ giữa Việt Nam và thế giới.

Không chỉ ở những lĩnh vực khoa học, mà trong đời sống hàng ngày, phụ nữ Việt Nam cũng đã và đang đóng góp rất nhiều nỗ lực cho đất nước và cộng đồng xã hội. Những ngày đầu năm 2023, Numbeo - trang mạng chuyên đánh giá chất lượng sống ở các thành phố trên thế giới, xếp hạng Hà Nội là thành phố an toàn thứ 5 ở Đông Nam Á. Danh sách đánh giá mức độ an toàn của Numbeo tính đến những yếu tố như tỷ lệ tội phạm, mức độ gia tăng tội phạm trong 3 năm gần đây, nỗi lo lắng về trộm cướp, cướp có vũ trang, vấn đề về hành vi sử dụng chất cấm... Trong đó, chỉ số tội phạm của Hà Nội ở mức thấp với 33,14 điểm. Ngoài ra, khách du lịch có thể an tâm đi bộ một mình vào ban ngày và ban đêm.

Đã từ lâu hoạt động phụ nữ nỗ lực vì không gian sống an toàn cho cộng đồng đã không còn xa lạ nữa. Theo thống kê, từ năm 2019 đến nay, các cấp Hội LHPN Thành phố Hà Nội đã triển khai gần 500 điểm sân chơi, sinh hoạt cộng đồng. Đây thực sự trở thành nơi giao lưu, vui chơi, luyện tập thể thao an toàn cho phụ nữ, trẻ em và người dân. Ngoài ra, sáng kiến biến những đồ tái chế thành dụng cụ có ích trên sân chơi còn góp phần xây dựng khu dân cư thêm xanh, sạch, đẹp, văn minh, hiện đại.

Từ năm 2018 đến nay, Hội LHPN Thành phố Hà Nội đã phối hợp với Tổ chức Plan International Việt Nam thực hiện dự án "Thành phố an toàn, thân thiện đối với trẻ em gái" tại 5 quận, huyện, gồm: Bắc Từ Liêm, Đống Đa, Thanh Xuân, Long Biên, Ứng Hòa, hướng tới nhóm học sinh từ 12 đến 15 tuổi. Dự án nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức và đưa ra những đề xuất, kiến nghị với chính quyền địa phương nhằm cải thiện môi trường an toàn cho trẻ em gái nơi công cộng. Những dự án này đã tập huấn nâng cao năng lực bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng cho hàng nghìn cán bộ giao thông; trang bị kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại, quấy rối tình dục ở nơi công cộng cho hàng vạn phụ nữ, trẻ em gái...

Khẳng định vị thế trong sự nghiệp xây dựng quốc gia phồn thịnh

Nội hàm của người phụ nữ Việt Nam thời đại mới được xác định là có tri thức, có đạo đức, có sức khỏe, có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước. (Ảnh minh họa -Nguồn: Sở Nội vụ tỉnh Bình Định)

Nội hàm của người phụ nữ Việt Nam thời đại mới được xác định là có tri thức, có đạo đức, có sức khỏe, có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước. (Ảnh minh họa -Nguồn: Sở Nội vụ tỉnh Bình Định)

Bước vào thời kỳ xây dựng và phát triển đất nước, phụ nữ Việt Nam ngày càng khẳng định tiềm năng, vai trò, vị thế quan trọng trong gia đình và xã hội với tỷ lệ 50,2% dân số cả nước, 47,4% lực lượng lao động xã hội và 46% đội ngũ nghiên cứu và phát triển, hơn 40% các nhà khoa học ở Việt Nam… Vì thế, nội hàm của người phụ nữ Việt Nam thời đại mới được xác định theo các tiêu chí của con người Việt Nam trong Văn kiện Đại hội Đảng XIII là có tri thức, có đạo đức, có sức khỏe, có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước.

Tại Hội thảo khoa học quốc gia “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới: Thực trạng và giải pháp” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức gần đây, bà Nguyễn Thị Minh Hương - Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Khoa học cơ quan Trung ương Hội LHPN Việt Nam nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng công tác xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa hiện nay. Xây dựng người phụ nữ Việt Nam không nằm ngoài định hướng xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện của Đảng. Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 20/01/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới tiếp tục xác định nhiệm vụ quan trọng mang tầm chiến lược “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới”. Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng khẳng định quan điểm: “Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ. Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế...”.

“Với các nội hàm của người phụ nữ Việt Nam thời đại mới bước đầu được định hình là “có tri thức, có đạo đức, có sức khỏe, có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước”, vẫn rất cần xác định cụ thể nội dung trong từng giai đoạn, phù hợp với sự đa dạng của các nhóm phụ nữ ngày nay, từ đó đề ra các giải pháp cụ thể. Quá trình xây dựng người phụ nữ Việt Nam phát triển toàn diện đáp ứng thời đại mới phải gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại” - bà Minh Hương nhấn mạnh.

Theo Báo cáo phát triển con người toàn cầu năm 2020, chỉ số phát triển con người năm 2019 của Việt Nam là 0,704, xếp vị trí 117/189 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong những năm gần đây, tỷ lệ nữ sinh viên đại học ở Việt Nam trội hơn so với nam sinh viên. Chỉ số phát triển giới của Việt Nam đạt được khá cao so với các nước trong khu vực, khoảng cách bất bình đẳng giới được thu hẹp đáng kể trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Điều này cho thấy tác động của các chính sách bảo đảm bình đẳng, công bằng đối với tiếp cận giáo dục. Lao động nữ ngày càng khẳng định vị thế trong sự nghiệp xây dựng quốc gia phồn thịnh, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, là nền tảng tiến tới bình đẳng giới, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội và góp phần trực tiếp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở Việt Nam...

Hồng Minh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/phu-nu-viet-thoi-dai-moi-post505910.html