Phụ phẩm nông nghiệp từ sầu riêng: 'Mỏ vàng' bị bỏ quên?
Là nước nông nghiệp, hàng năm theo số liệu của Tổng cục Thống kê, ước tính tổng khối lượng phụ phẩm nông nghiệp của Việt Nam là khoảng 160 triệu tấn. Trong đó, có khoảng 90 triệu tấn phụ phẩm sau thu hoạch từ cây trồng. Khi quản lý không phù hợp phế phụ phẩm sẽ gây ô nhiễm môi trường và lãng phí nguồn chất hữu cơ.
Và thực tế phải thừa nhận rằng việc tận dụng nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp tại các địa phương hiện vẫn còn nhiều hạn chế.
Là tỉnh có diện tích đất nông nghiệp lớn nhất trong cả nước, với khoảng hơn 650.000ha, với nhiều nông sản có sản lượng và diện tích đứng đầu như: sầu riêng, cà phê, hồ tiêu, ngô bắp…hàng năm, Đắk Lắk dư thừa hàng chục triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp sau mỗi mùa vụ.
Được xem là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh Đắk Lắk, ngoài việc xuất nguyên trái sầu riêng tươi, nhiều doanh nghiệp cơ sở còn chế biến cơm sầu riêng để xuất bán ra thị trường. Điều này khiến cho, sau mỗi vụ thu hoạch, hàng trăm nghìn tấn vỏ sầu riêng sẽ bị thải bỏ ra môi trường. Với 70% trọng lượng của trái sầu riêng là vỏ, mỗi mùa vụ, vỏ trái sầu riêng tồn đọng rất lớn phải bỏ phế ngoài vườn, nơi công cộng, hoặc được tập kết lại thành cả một bãi rác rộng lớn như thế này... gây ô nhiễm môi trường, phát sinh mầm bệnh, và nhiều loại khí độc.
Với diện tích cây sầu riêng đứng đầu cả nước với khoảng hơn 15.000ha, sản lượng khoảng 200.000 tấn/ năm và dự kiến sang năm 2024 có thể lên 300.000 tấn, thải ra hàng trăm nghìn tấn vỏ hàng năm. Trong khi thực tế phải ghi nhận, phần lớn các phụ phẩm nông nghiệp ở đây vẫn đang bị bỏ phí và gây ô nhiễm môi trường. Đây thực sự là một thách thức lớn cho môi trường.
Nếu như hầu hết các nông hộ có thể xử lý tốt nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp như vỏ sầu riêng, vỏ cafe...thì sẽ có thể mang lại nguồn lợi kinh tế và môi trường rất hiệu quả cho ngành nông nghiệp của địa phương. Mô hình sản xuất phân vi sinh hữu cơ từ vỏ sầu riêng được các doanh nghiệp phối kết hợp nghiên cứu thành công trong PS của chúng tôi dưới đây có hiệu quả giảm ô nhiễm môi trường,
giúp tận dụng được nguồn phế phụ phẩm trong trồng trọt một cách hiệu quả.
Chỉ tính mùa sầu riêng năm 2022, công ty Ban Mê Green Farm – đơn vị chế biến tiêu thụ xuất khẩu nông sản lớn của tỉnh Đắk Lắk đã gia công hơn 2.000 tấn trái, thải ra hơn 1.300 tấn vỏ. Để xử lý lượng vỏ sầu riêng này sao cho không ảnh hưởng đến môi trường là vấn đề không hề đơn giản. Trước thực tế đó, trong 2 năm qua, công ty đã tiến hành nghiên cứu, thử nghiệm mô hình ủ vỏ sầu riêng thành phân hữu cơ vi sinh kết hợp thực hiện cùng công ty CP GATS BMT chuyên phân bón vi sinh hữu cơ V.Mona.
Để thực hiện mô hình này, công ty đã tiến hành đầu tư hệ thống máy móc, thiết bị ban đầu, gồm máy băm công suất lớn, băng chuyền băng tải…
Vỏ sầu riêng sau khi băm nhỏ, sẽ được vận chuyển tới bãi tập kết của Nhà máy phân bón. Tại đây, vỏ sầu riêng được ủ nóng để tiêu diệt các vi sinh vật và nấm có hại. Khi nguyên liệu ổn định, tiếp tục đưa vào nhà xưởng để ủ cùng chế phẩm men vi sinh công nghệ mới trong 35-45 ngày. Sau đó thực hiện các công đoạn như nghiền thô, nghiền tinh, sàng lọc tạp chất, đảo trộn cùng các nguyên liệu vi sinh vật khác để đạt nguồn dinh dưỡng đạt tiêu chuẩn đầu ra của sản phẩm.
Sau hơn 1 năm thực nghiệm mô hình biến vỏ sầu riêng thành phân vi sinh hữu cơ, không chỉ giúp cho doanh nghiệp xử lý được hơn 1300 tấn vỏ sầu riêng thải ra mà còn có được một lượng lớn phân hữu cơ vi sinh bón cho các loại cây trồng như cà chua, cà phê, cây rau…Phân đạt tiêu chuẩn giúp tăng độ mùn và hữu cơ cho đất, có các hàm lượng đạm, lân, kali…tỷ lệ khá cao, tốt cho cây trồng và giúp phục chế dinh dưỡng đất.
Sau khi nghiên cứu thành công, doanh nghiệp dự định sẽ đưa sản phẩm phân bón này ra bán thị trường, và tiếp tục phát triển các vùng trồng liên kết với người nông dân, xây dựng chuỗi liên kết giá trị đồng hành cùng nông hộ đưa sản phẩm phân bón hữu cơ vào sản xuất, để hướng tới nền nông nghiệp tuần hoàn.
Để đánh giá được chất lượng phân bón hữu cơ nói chung và đặc biệt là phân hữu cơ vi sinh làm từ vỏ sầu riêng trước khi đưa sản phẩm phân bón này ra thị trường cho các hộ nông dân sử dụng, công ty phân bón đã triển khai thử nghiệm thực tế trên nhiều loại cây trồng khác nhau tại các vùng trồng thực nghiệm của công ty. Từ đó trên cơ sở thổ nhưỡng của đất và tùy vào giống cây trồng khác nhau để nghiên cứu tăng giảm hàm lượng thích hợp, giúp mang lại hiệu quả cao nhất cho cây trồng.
Trong 1 năm thử nghiệm và sử dụng thực tế của các hộ nông dân ở đây kết quả ban đầu cho thấy, việc bón phân hữu cơ được làm từ vỏ sầu riêng đều tốt cho đất và các loại cây trồng nhưng tốt nhất vẫn là bón cho chính cây sầu riêng.
Còn tại hệ thống trang trại thuộc công ty CP Ban Mê Green Farm, sản phẩm phân vi sinh hữu cơ từ vỏ sầu riêng cũng được công ty thực hiện thử nghiệm. Hiệu quả cho thấy, tại trang trại cà chua trái cây này, việc sử dụng phân bón giúp cho cây trồng khỏe hơn, năng suất cao mà lại còn chống lại được các loại sâu bệnh tốt hơn.
Việc sử dụng phân bón hóa học về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng độ phì nhiêu của đất, làm xói mòn đất và ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường. Do đó, phân bón hữu cơ vi sinh được ủ từ phụ phẩm nông nghiệp được coi là lựa chọn thay thế hàng đầu cho phân hóa học khi cho hiệu quả cao hơn mà không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường và sức khỏe người dùng.
Thưa quý vị, trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều thách thức về ô nhiễm môi trường, ngành nông nghiệp Việt Nam cần phải thay đổi mô hình phát triển, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, thúc đẩy việc quản lý, sử dụng phụ phẩm nông nghiệp một cách hiệu quả, nhân rộng các mô hình nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn. Điều này được xem là chìa khóa, động lực tiến tới nền nông nghiệp xanh.
Còn bây giờ xin được chuyển sang các thông tin tiếp theo.
Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/phu-pham-nong-nghiep-tu-sau-rieng-mo-vang-bi-bo-quen