'Phù phép' ong kịch độc thành đặc sản để kiếm tiền triệu
Ong vò vẽ là một loài nguy hiểm, ai cũng khiếp sợ nhưng nhộng ong lại là một món đặc sản được nhiều người săn lùng và rất đắt đỏ.
Năm nào cũng vậy, từ nửa cuối tháng 7, đầu tháng 8 là Nguyễn Thiện Quyền, (26 tuổi, ở Hạ Hòa, Phú Thọ) lại chuẩn bị đồ nghề, dao rựa lên đồi tìm ong vò vẽ. Đây là một loại ong khá phổ biến tại nơi Quyền sống, cứ cuối mùa hạ, đầu mùa thu là mùa ong ở tổ, tổ to bằng cả cái mũ cối, toàn nhộng chắc nịch. Thời điểm này cũng là thời cơ hội "vàng" để thu hoạch các tổ ong rừng, khi tổ ong chắc nhộng nhất.
“Nếu lấy tổ ong sớm hơn một chút thì là tổ nhỏ, nhộng còn non và không được nhiều. Nếu lấy muộn một chút thì nhộng lại nở thành ong hết, coi như công cốc”, anh Quyền nói.
Người đàn ông 26 tuổi này học được kỹ năng tìm kiếm và bắt ong vò vẽ từ khi còn là trẻ chăn trâu, nhìn những đứa trẻ khác tìm ong, bắt ong rồi làm theo. “Làm công việc này nguy hiểm. Không cẩn thận là bị ong đốt, nhẹ thì sưng tấy mấy ngày mà nặng thì phải đi cấp cứu là bình thường”.
Hiện tại, đã có kinh nghiệm hàng chục năm bắt ong vò vẽ nên rất ít khi Quyền để xảy ra sơ xuất. Hàng ngày, Quyền vào rừng lùng sục, tìm kiếm những tổ ong tự nhiên. Cách tìm ong của Quyền cũng lạ. Ngoài việc bằng mắt thường thì có khi Quyền bắt một con ếch hay một con rắn nhỏ treo lên cây để dụ ong đến. Sau đó theo hướng ong tha mồi mà tìm đến tổ ong. Có khi là giữa trưa nắng, Quyền tìm đến con suối nguồn, nơi mạch nước chảy ra từ lòng đất. Ở đó đôi khi cũng xuất hiện những chú ong đến lấy nước tha về tổ. Cứ thế lần theo hướng bay của ong mà tìm được tổ.
Tìm được tổ ong rồi, Quyền ghi nhớ vị trí và chờ đến khi màn đêm buông xuống. Đây là thời điểm thích hợp nhất để “thu hoạch” ong vò vẽ. Dụng cụ mà Quyền mang theo là một chiếc kéo tỉa cảnh, bao tải, túi nilon hoặc túi lưới mắt siêu nhỏ.
“Đến tổ ong, mình dùng lá cây bịt cửa tổ lại để cho ong không thể bò ra ngoài, sau đó dùng kéo cắt tỉa những cành lá vướng víu quanh tổ. Khi đã dọn dẹp xung quanh, chỉ cần lồng túi vào rồi cắt cành cuối cùng. Như vậy là tổ ong đã nằm gọn trong bao, cứ thế mang về thôi”, anh Quyền chia sẻ.
Đối với những tổ ong to, nhiều ong thợ, nhiều nhộng, sáng hôm sau Quyền sẽ bán luôn cho thương lái với giá khoảng 150.000 - 180.000/kg nhộng (cả tổ), còn ong thợ thì đếm số tính tiền.
“Cứ 1.000 - 1.500 đồng mỗi con, người ta mua về chủ yếu để ngâm rượu, làm thuốc chứ ong thợ già rồi, người ta không ăn. Thuận lợi mà kiếm được 2, 3 tổ to, thì có khi một ngày cũng kiếm được 600.000 đồng tiền bán ong thợ và bán nhộng”, Quyền cho biết.
Nếu như cách đây khoảng chục năm, trong làng nhà nhà săn ong, người người săn ong thì hiện tại, thanh niên trai tráng đều bỏ quê đi làm xa, chỉ còn Quyền và một vài người nữa ở lại. Do ít người khai thác nên việc săn ong vì thế cũng thuận lợi hơn.
Còn đối với những tổ ong còn nhỏ, chưa đến độ thu hoạch, Quyền cũng như một vài người khác sẽ mang về treo gần nhà, thuận lợi chờ tổ ong lớn lên từng ngày.
Anh Ngô Văn Đoàn, 24 tuổi, cùng làng với Quyền cho biết: “Mình phát hiện ra tổ ong trên rừng thì dù lớn nhỏ thế nào đến tối cũng phải đi bắt mang về nhà không là người khác bắt mất ngay. To thì mình bán, nhỏ thì mình treo gần nhà chờ nó đủ lớn thì bán sau”.
“Từ đầu mùa đến nay, được khoảng 1 tháng, nếu tính tổng tiền bán ong và nhộng ong vò vẽ tôi áng chừng mình kiếm được khoảng 6 triệu đồng”, anh Đoàn nhẩm tính.
Những tổ ong vò vẽ được người dân tại khu vực này bắt mang về nhà treo còn tiếp tục phát triển cho đến đầu mùa Đông (khoảng đầu tháng 11). Khi ấy, tổ ong có thể đạt kích thước to gấp đôi, thập chí gấp 3 lúc mới bắt về.
“Tới lúc đó, tổ nào muốn bán thì bán, không muốn bán thì bắt ngâm rượu, nhộng thì chế biến thành mồi nhậu, là được bữa ngon ngay”, anh cười nói.
Tuy là một món ăn đặc sản, thơm ngon và bổ dưỡng, nhưng theo anh Đoàn, vẫn có một số người bị dị ứng với món nhộng ong. Vì vậy, nếu ăn lần đầu tiên nên ăn thử một, hai con trước rồi từ từ để ý xem xét phản ứng cơ thể ra sao rồi mới ăn tiếp.
Ong vò vẽ có nọc độc khá mạnh nhưng nhộng ong thì không có độc, ngược lại còn hàm chứa lượng chất dinh dưỡng rất cao. Vì thế theo y học dân gian ấu trùng con ong vò vẽ còn được dùng làm thuốc.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/phu-phe-p-ong-kich-doc-tha-nh-da-c-sa-n-de-kiem-tien-trieu-ar697645.html