Phú Quốc xử lý nghiêm tình trạng 'xã hội đen' về đất đai
Công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng tại Phú Quốc đang bị buông lỏng dẫn đến xảy ra nhiều vi phạm cần xử lý dứt điểm.
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận, chỉ đạo của Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại cuộc họp xử lý các vi phạm trong lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng và đấu tranh với các băng, nhóm tội phạm hoạt động trên địa bàn huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Theo đó, công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng và an ninh trật tự tại Phú Quốc đang bị buông lỏng dẫn đến xảy ra nhiều vi phạm. Cụ thể, lĩnh vực đất đai đã xử lý 231/308 vụ (đạt 75%), còn 77/308 vụ đang xác minh, củng cố hồ sơ tiếp tục xử lý theo quy định; lĩnh vực xây dựng đã xử lý 189/229 vụ (đạt 82,5%), còn 40/229 vụ đang củng cố hồ sơ để tiếp tục xử lý theo quy định; lĩnh vực lâm nghiệp đã xử lý 33/33 vụ (đạt 100%).
UBND huyện Phú Quốc cũng đã xử lý, luân chuyển nhiều cán bộ, công chức. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều trường hợp vi phạm chưa được xử lý dứt điểm, xử lý cán bộ vi phạm chưa nghiêm và tình hình an ninh trật tự mới tạm ổn định.
Trước thực trạng này, Phó thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Kiên Giang tiếp tục kiểm tra, rà soát và xử lý dứt điểm các vi phạm còn tồn đọng theo đúng quy định của pháp luật. Vi phạm nào có dấu hiệu tội phạm thì chuyển cơ quan điều tra xử lý. Các vi phạm mới phải kịp thời phát hiện, xử lý ngay, không để phát sinh thêm vi phạm.
Theo đó, Phó thủ tướng yêu cầu tiếp tục xử lý nghiêm các trường hợp lấn, chiếm, phá rừng, chuyển nhượng đất rừng quốc gia, rừng phòng hộ trái pháp luật. Trong quá trình xử lý cần rà soát, phân loại rõ trường hợp người dân đã đến sinh sống ổn định lâu dài với trường hợp người dân từ nơi khác đến phá rừng, chiếm đất bất hợp pháp, có biện pháp xử lý phù hợp theo đúng quy định của pháp luật; vi phạm nào có dấu hiệu tội phạm, phải xem xét, xử lý hình sự, nhất là đối với các đối tượng băng, nhóm "xã hội đen".
Đồng thời, UBND tỉnh Kiên Giang cần chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về đất đai, trật tự xây dựng, an ninh trật tự và kiện toàn, củng cố bộ máy chính quyền, nhất là công tác cán bộ. Phát huy mô hình tổ liên ngành, trong đó lực lượng công an làm nòng cốt để ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm trên địa bàn huyện Phú Quốc, không để các đối tượng "xã hội đen" lộng hành nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về an ninh trật tự.
Bên cạnh đó, cần tổ chức kiểm điểm, xử lý nghiêm đối với các tập thể, cá nhân liên quan đến các vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn huyện Phú Quốc trong thời gian vừa qua. Phó thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Kiên Giang báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện các nội dung chỉ đạo này trước ngày 1/7/2020.
Được biết, tính đến cuối năm 2019, huyện đảo Phú Quốc có khoảng 300 dự án, với tổng vốn đăng ký, cam kết đầu tư hơn 370.000 tỷ đồng, phần lớn dự án đầu tư lĩnh vực du lịch. Nhiều nhà đầu tư tiềm lực tài chính mạnh, tầm cỡ quốc gia, quốc tế trên lĩnh vực du lịch đã và đang đầu tư vào Phú Quốc.
Song, do quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh và phát triển quá nóng, rất nhiều công trình của hộ gia đình và tổ chức đang xây dựng đều có dấu hiệu vi phạm Luật Xây dựng. Đáng chú ý nhất là thực trạng phân lô bán nền trái phép trên đất rừng, xây dựng trái phép trên đất Nhà nước giao cho doanh nghiệp.
Trong đó, khu vực Bãi Trường, xã Dương Tơ hiện là một trong những điểm nóng vi phạm đất đai, trật tự xây dựng tại Phú Quốc. Cuối tuần qua, Phú Quốc đã phát hiện 40 căn nhà phố, biệt thự xây dựng không phép.
Báo cáo kết quả kiểm tra của Đoàn thanh tra 1581, khi kiểm tra 570 công trình tại xã Cửa Cạn, Cửa Dương, Gành Dầu, Dương Tơ cho thấy, có 358 công trình vi phạm. Đoàn thanh tra đã kiểm tra, lập biên bản 76 công trình của các hộ dân lấn chiếm, tái lấn chiếm trên đất các dự án đã được phê duyệt như: Dự án khu du lịch nghỉ dưỡng Sunset Sanato; Khu biệt thự cao cấp Bà Kèo; Khu dân cư và đô thị Suối Lớn.
Đoàn cũng ghi nhận 3.918 trường hợp tách thửa đất nông nghiệp từ 100m2 đến 11.000m2 tại các xã Cửa Dương, Cửa Cạn, Gành Dầu, Dương Tơ.