Phủ Quỳ Châu - Những câu chuyện chưa có hồi kết
Đá đỏ có một vẻ đẹp mê hoặc và giá trị của nó vẫn là nỗi ước ao của bao người. Nhưng cơn bão đá đỏ đi kèm với máu và nước mắt đã hủy hoại cuộc sống bình yên của người dân nơi đây. Từ bỏ giấc mơ giàu lên nhanh chóng, tìm kiếm một cuộc sống yên ổn bằng chính sức lao động của mình, xem ra gần hơn và vững bền hơn.
Bão lắng xuống, nổi lên đói nghèo
Đến năm 2000, một lần nữa, Châu Bình lại nóng lên vì một mỏ đá lộ thiên được phát hiện. Theo ông Lê Hữu Khẩn (nguyên Phó Giám đốc Xí nghiệp Đá quý và Khoáng sản Nghệ An), thực ra là người dân theo dấu vết thăm dò, tìm kiếm đá đỏ của cán bộ, công nhân kỹ thuật xí nghiệp nên phát hiện ra. Ngay lập tức, thông tin loang ra, hàng nghìn người khắp nơi đổ xô lên đồi Tỷ, tái hiện cảnh đào xới tung từng tấc đất để tìm kiếm đá quý.
Ông Lang Thanh Hoài – Trưởng công an xã Châu Bình nhớ lại: Năm đó, có một nhóm hơn 80 người của một bản tổ chức cố thủ trong “đồi điên” để đào đá đỏ. Họ canh gác vòng trong vòng ngoài, trang bị đầy đủ vũ khí, không cho bất cứ ai ra vào. Dù lô đất trên thuộc quản lý của Xí nghiệp Đá quý và Khoáng sản Nghệ An. “Đồi điên” cũng chỉ là cái tên truyền miệng của dân để chỉ việc có nhiều người lao vào đá đỏ như điên thuộc khu vực đồi Tỷ.
“Tôi khi ấy là công an viên, nhưng thuyết phục mãi họ mới cho vào xem đúng 10 phút rồi áp giải quay ra”, ông Hoài kể. Sau đó, lực lượng cơ động, công an tỉnh Nghệ An được tăng cường, cùng với công an huyện, địa phương từng bước thuyết phục, vận động, trấn áp đã phá được tụ điểm trên; Đồng thời ổn định an ninh trật tự tại đồi Tỷ và bàn giao đất cho đơn vị quản lý.
Hòn Mồ Côi nằm trên đồi Tỷ vẫn còn xơ xác với những dấu tích của một thời “đá đỏ”
Cũng trong năm 2000, Xí nghiệp Đá quý và Khoáng sản Nghệ An đóng tại Châu Bình khai thác được 18kg đá đỏ. Những năm sau, xí nghiệp đi vào cổ phần hóa. Từ năm 2013 đến nay thì dừng khai thác, sản xuất vì chưa gia hạn được giấy phép. Vì thế, 9 anh em công nhân tại đây chủ yếu làm nhiệm vụ canh gác, bảo vệ mỏ đá.
Cơn sốt đá đỏ dần lắng xuống, Châu Bình lại chứng kiến những người từng phất lên từ đá đỏ nay trắng tay, làm lại từ đầu. Ông Đỗ Văn H. là một trong những người đầu tiên đi đào đá đỏ tại Châu Bình. Sau khi bán được viên đá với giá gần 20 triệu đồng, ông bỏ nghề phu đá, trở thành đầu nậu thu mua đá đỏ. Có tiền, ông sa vào cờ bạc, say máu đỏ đen khiến của nả trong nhà tiêu tán hết. Cũng may trước đó, ông kịp cất căn nhà cho vợ con. Giờ, hai vợ chồng mở hàng ăn bên quốc lộ 48 làm kế sinh nhai.
“Của trời cho thì mau hết. Tiền kiếm được quá nhanh chóng, họ tiêu pha vung vãi, ít lâu sau lại trắng tay. Đất rẫy, thậm chí nhà cửa cũng dỡ đi, bán hết cho người ta về xới tung lên tìm đá đỏ. Có người, từng giàu có nhất xã nhờ đá đỏ, nhưng nay là trở thành nghèo nhất. Giờ chẳng còn lại gì, sống cô đơn, buồn bã”, một người dân Châu Bình nói.
Ông Lương Văn Đại - Chủ tịch UBND xã Châu Bình cũng thông tin: “Thủ phủ chính của đá đỏ là ở bản Khoang, nơi của những đồi Tỷ, đồi Triệu, nhưng đến giờ, nghèo vẫn hoàn nghèo, thậm chí còn khổ hơn trước khi có đá đỏ. Toàn bản có 138 hộ dân nhưng có tới 97 hộ (chiếm 70%) nghèo và cận nghèo”.
Hồi sinh đất từ mỏ hoang
Người ta bảo nhau, dưới những rẻo đất quanh đồi Tỷ, đồi Triệu, vẫn chưa hết đá đỏ. Cuối năm 2017, Ngô Trí Quảng (SN 1974), trú tại bản Bình 2, xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An trong lúc đi lấy củi đã nhặt được viên hồng ngọc. Lúc đầu anh tưởng là mảnh vỡ đèn xi nhan xe máy, nhưng khi đem vứt xuống khe thì sáng lấp lánh mới biết là đá quý. Thông tin về việc nhặt được đá đỏ cũng nhanh chóng lan ra. Người dân tò mò kéo đến xem, thương lái các nơi cũng đánh đường tìm đến tranh nhau ngã giá. Cả gia đình anh Quảng phải thức trắng đêm canh chừng. Cuối cùng, sợ sự dòm ngó của người khác, anh Quảng nhanh chóng bán trao tay viên với giá 1,1 tỷ đồng cho một thương lái trong vùng.
Ông Lê Hữu Khẩn đứng trên khu vực mỏ đá lộ thiên vốn được phát hiện vào năm 2000
Nhưng người may mắn như anh Quảng không nhiều, và người dân Quỳ Châu bây giờ cũng không lao vào đá đỏ như thiêu thân nữa. Để ổn định cuộc sống cho bà con, chính quyền xã Châu Bình và huyện Quỳ Châu đã mở cuộc vận động phục hóa đất đai lớn với mục tiêu “không bỏ hoang miếng đất nào”. Bắt đầu từ năm 2003, hầm hố được san lấp, cải tạo, giao đất rừng cho bà con canh tác. Đến nay, 96 ha đất rừng được giao cho người dân trồng mía, trồng keo… Châu Bình cũng là xã có tốc độ và diện tích phủ xanh đồi trọc lớn nhất huyện Quỳ Châu, ông Lương Văn Đại - Chủ tịch UBND xã Châu Bình vui mừng nói.
Ông Lang Văn Đàn, Trưởng bản Khoang cho biết: “Tính đến thời điểm này mới có 24 hộ dân được giao rừng trồng cây keo nguyên liệu. Keo đã thu hoạch lứa thứ 2, trung bình đạt 80 triệu đồng/ha. Điều đáng mừng là chỉ có 3/24 hộ canh tác trồng rừng là cận nghèo, còn lại là hộ khá. Người khá nhất trong bản, lại không phải người giàu có từ đá đỏ trước kia, mà bằng lao động, chăm chỉ làm ăn hiện tại”.
Ông Lang Thái Sơn là người hiếm hoi giữ lại chút “lộc” từ đá đỏ. Năm 2003, Nhà nước thực hiện chính sách giao đất, ông xin nhận đất và dùng tiền tích lũy được từ bán đá đỏ mua thêm của bà con trong bản, tổng cộng được 8ha. “Ban đầu tôi trồng mía, trồng sắn bán cho các nhà máy chế biến lân cận, nhưng không có lời nhiều nên bỏ. Tôi chuyển sang trồng keo. Cây keo thì phải 4 - 5 năm mới cho gỗ được, nhưng có giá cao hơn, ổn định hơn” - ông Sơn kể. Không nhận mình giàu mà chỉ khá hơn chút so với bàn con xung quanh, tài sản lớn nhất của ông là 4 đứa con đều đi học đại học để sau này có nghề nghiệp, tự lo cho cuộc sống của mình.
“Hiện tại, phần lớn diện tích đồi Triệu đã được phủ xanh, trong đó có 8ha đất được cải tạo, xây dựng mô hình trạng trại bò sữa với quy mô 20 con. Đây được xem là mô hình thí điểm, hi vọng sẽ mang lại hướng đi mới để phát triển kinh tế địa phương. Riêng đồi Tỷ thì còn rất khó khăn vì địa hình bị đào xới quá nhiều, chưa thể san lấp hết. Dù vậy, hướng đi chính của địa phương vẫn là trồng rừng, vừa để tái tạo môi trường, vừa tạo thu nhập ổn định, xóa đói giảm nghèo cho bà con” - ông Lương Văn Đại, Chủ tịch UBND xã Châu Bình, Quỳ Châu cho biết.