Phú Quý đang dần hoàn thiện hạ tầng

Tháng 5, biển gợn sóng nhẹ. Chiếc tàu cao tốc Phú Quý Express chở hơn 400 hành khách từ cảng Phan Thiết hành trình khoảng hơn 2 tiếng rưỡi đã cập cảng Phú Quý. Nhiều người hôm ấy cảm thấy thoải mái khi việc đi lại giữa đảo và đất liền đã thuận tiện, dễ dàng hơn. Họ hân hoan xách hành lý bước xuống cầu tàu để hòa mình với đảo nhỏ cách thành phố Phan Thiết 56 hải lý đang dần thay đổi.

Những nét khởi sắc

Các thành viên của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh ra công tác ở đảo hôm ấy cũng cảm thấy thoải mái, việc ra tiếp xúc cử tri ở đảo không còn trở ngại như những năm về trước. Chiều hôm ấy đông đảo cử tri 3 xã Tam Thanh, Ngũ Phụng, Long Hải đến sớm, ngồi chật kín hội trường Huyện ủy Phú Quý tham dự Hội nghị đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri. Không như những lần trước, cử tri huyện đảo kiến nghị nhiều vấn đề; lần này cử tri tập trung phản ánh về lĩnh vực đất đai, như cần có quy định cấp quyền sử dụng đất nông nghiệp cho công chức, viên chức khi họ nhận thừa kế, chuyển nhượng loại đất này từ những năm trước đây; cá nhân nhận sang nhượng đất tự ý di dời mồ mả trên đất nông nghiệp không hỏi ý kiến người có liên quan; các hộ sản xuất nông nghiệp xây rào chắn trên đất gây cản trở đi lại; quy hoạch đất quốc phòng trên địa bàn cho phù hợp với sản xuất của người dân.

Đại biểu Quốc hội Lê Quang Huy (thứ 3 bên phải ảnh) khảo sát sơ đồ bãi biển Long Hải.

Các ý kiến ấy hầu hết thuộc quyền giải quyết của các cấp chính quyền địa phương đã được lãnh đạo huyện Phú Quý trả lời cặn kẽ với cử tri. “Tuy nhiên việc cấp giấy sử dụng đất nông nghiệp cho viên chức chưa nằm trong Luật Đất đai năm 2013, Chính phủ đang xúc tiến sửa đổi, bổ sung luật này, trình Quốc hội khóa XV xem xét một số điều khoản cho phù hợp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn”, đại biểu Quốc hội Lê Quang Huy giải thích thêm với cử tri.

Kè Ngũ Phụng đảo Phú Quý.

Trong khuôn khổ ấy, một lãnh đạo HĐND huyện cho chúng tôi hay: “Một số lĩnh vực kinh tế - xã hội cử tri kiến nghị trước đây đã được Trung ương, địa phương đầu tư xây dựng cơ bản, bây giờ họ không nêu ra nữa”. Báo cáo của UBND huyện gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cho thấy rõ thêm điều này. Điển hình giao thông đường biển phát triển mạnh, với năng lực hiện có, sắp xếp tài chuyến linh hoạt, cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển của người dân, hành khách. Hiện với 3 tàu cao tốc hoạt động xuyên suốt: Supperdong I, II và Phú Quý Express đều hoạt động được trong điều kiện gió cấp 7, 8 đã hạn chế tình trạng kẹt tàu trước đây. Đang có thêm 2 dự án tàu trung, cao tốc đầu tư tuyến vận tải Phú Quý.

Tàu cao tốc cập cảng Phú Quý.

Ở trên đảo, hạ tầng giao thông đường bộ gần như khép kín, với gần 80 km đường nội huyện được nhựa hóa, bê tông hóa; giao thông nông thôn hoàn chỉnh, các tuyến đường thôn xóm đều được bê tông xi măng. Hệ thống năng lượng gồm điện diesel, điện gió, tổng công suất trên 16 MW, cơ bản đáp ứng điện 24/24h, đảm bảo điện phục vụ sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt của gần 30.000 dân trên đảo. Cùng đó, các công trình hạ tầng thủy sản được Trung ương quan tâm đầu tư như cảng biển đang tiếp tục được nâng cấp, mở rộng; thi công hoàn thành Khu neo đậu tránh trú bão tàu cá Phú Quý - giai đoạn 1…

Huyện cũng đã quy hoạch Cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp Phú Quý tổng diện tích gần 23 ha, kêu gọi các nguồn lực ngoài xã hội vào đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp. Toàn huyện có 67,68% số hộ sử dụng nước sạch và 99% số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh. Hạ tầng bưu chính viễn thông trên huyện được các ngành chức năng quan tâm đầu tư phát triển, 3 nhà mạng chính: VNPT, Mobiphone, Viettel đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, an toàn mạng phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương, nhu cầu của nhân dân, các đơn vị, tổ chức trên địa bàn. Các di tích lịch sử, di tích văn hóa được quan tâm đầu tư, tôn tạo; 4 trung tâm văn hóa của huyện, xã thu hút các loại hình thể thao, giải trí như sân bóng đá mini, phòng tập gym, câu lạc bộ bida. Cùng với đó, Trung tâm Y tế Quân dân y huyện hiện có 70 giường bệnh (quy mô đến 500 giường trong điều kiện cấp thiết), 3 trạm y tế đạt chuẩn y tế quốc gia đảm bảo khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, cán bộ, chiến sĩ ở đây…

Một góc biển Phú Quý.

Kiến nghị đầu tư kè biển phía bắc đảo

Theo đề xuất của UBND huyện, trong chuyến công tác, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã đến khảo sát khu vực bờ biển xã Long Hải có nguy cơ xâm thực, bởi vành đai kè bê tông bảo vệ đảo chưa vươn tới đây. Ông Lê Quang Vinh, Bí thư, Chủ tịch UBND huyện đảo đi cùng đoàn cho biết: “Hiện nay hệ thống kè phía nam đảo thuộc 2 xã Tam Thanh, Ngũ Phụng đã được Trung ương hỗ trợ đầu tư cơ bản hoàn thành những năm qua, góp phần bảo vệ bờ biển, chống xâm thực hiệu quả. Tuy nhiên, đoạn kè biển xã Long Hải nằm phía bắc đảo dài hơn 2 km chưa được xây dựng, sóng biển lớn vào mùa bấc dễ gây xói lở khu vực ven biển này, ảnh hưởng môi trường sinh thái. UBND huyện đang xúc tiến xây dựng dự án đoạn kè này, ước tính vốn đầu tư 500 tỷ đồng/1 km bờ biển; kiến nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh xem xét, tổng hợp trình Quốc hội khóa XV để đưa vào kế hoạch đầu tư xây dựng trong những năm tới. Đoạn kè xã Long Hải được đầu tư sẽ khép kín vành đai kè biển Phú Quý, bảo vệ môi trường sinh thái ven biển bền vững hơn”.

Ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ & Môi trường của Quốc hội đề nghị Chủ tịch UBND huyện Phú Quý chỉ đạo ban ngành huyện thuê tư vấn khảo sát, hoàn thiện dự án kè biển xã Long Hải bài bản, kết nối vành đai kè chống xói lở bảo vệ bờ biển đảo Phú Quý đã thi công hoàn thành. “Đây là dự án cần nguồn đầu tư rất lớn, với tư cách đại biểu chuyên trách, tôi cùng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ kiến nghị Quốc hội vào các kỳ họp sau để có kế hoạch cân đối từ nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2025 - 2030; bởi các dự án có nguồn vốn lớn trong giai đoạn này, Quốc hội cơ bản đã xem xét phê duyệt”, ông Lê Quang Huy chia sẻ.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/phu-quy-dang-dan-hoan-thien-ha-tang-97906.html